Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong đó nội dung thẩm tra sâu sắc đầy đủ.
Qua đánh giá cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, tín hiệu đáng mừng nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm khó, cũng như kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải có quyết tâm cao.
Ông Định cho biết, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 không chỉ điều chỉnh tiên lương mà gắn với nâng cao chất lượng trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức.
Nhấn mạnh, hai nội dung điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm kỷ luật, kỷ cương công vụ nên cần rà soát sắp xếp cán bộ, công chức để bảo đảm yêu cầu đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là năm tiếp tục thực hiện các đơn vị cấp huyện cấp xã, dự kiến có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện sắp xếp.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai nhưng qua báo cáo cho thấy một số địa phương đang chậm. Do đó, cần đôn đốc đẩy mạnh, giám sát, quán triệt bảo đảm trong Quý III phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm triển khai thực hiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như công tác kiện toàn bộ máy nhiệm kỳ tới.
Về giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật của đơn vị sự nghiệp công lập, ông Định đề nghị thời gian tới Chính phủ cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật lĩnh vực này.
Theo báo cáo Chính phủ các cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện đầy đủ đồng bộ, nhiều văn bản đang chậm. Doanh nghiệp đổi mới nhiều, bộ máy hành chính đổi mới nhiều nhưng khối đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều việc phải làm.
Ông đề nghị Chính phủ và các cơ quan chú ý thêm về hoàn thiện thể chế pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 101 trong đó có yêu cầu rà soát pháp luật trong 22 lĩnh vực và các ý kiến của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Thời gian qua, các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành rà soát và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp này và tại Kỳ họp thứ 6 tới sẽ báo cáo Quốc hội thảo luận về nội dung kết quả rà soát pháp luật này.
Qua rà soát, kết quả bước đầu cho thấy pháp luật còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng số lượng ít; phần nhiều vẫn là các văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định.
Một số vấn đề về luật được các cơ quan nêu cơ bản sẽ được giải quyết trong các luật đã đưa vào chương trình, sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7.
Toàn cảnh phiên họp
Một số vấn đề đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 và theo Kế hoạch số 81 cho thấy Chính phủ, của Quốc hội đã nhận thấy những vấn đề về hệ thống pháp luật và dự kiến những vấn đề cần sửa đổi cơ bản ngay từ đầu nhiệm kỳ và hàng năm đều có bổ sung.
Ông Định lưu ý công tác rà soát pháp luật cần phải quán triệt cho tất cả các bộ, ngành, các cơ quan và đội ngũ thực thi pháp luật phải làm thường xuyên và tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh cả luật và văn bản dưới luật.
Tham gia góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5 % - 6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá nếu chỉ tăng 1% năm suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP.
Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, do vậy Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển.