Kinh tế đảm bảo, cán bộ sẽ làm đúng nhiệm vụ phục vụ nhân dân, chính quyền liêm chính dưới sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự.
Chiều ngày 22/12, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam (LHH Việt Nam) tổ chức Diễn đàn khoa học "Kết quả thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2015: Sự hài lòng của người dân".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS.TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch LHH Việt Nam nhấn mạnh tới thành tựu cải cách hành chính suốt 10 năm qua có những chuyển biến tích cực như đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân trong giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước.
"Việc thực hiện các chương trình tổng thể còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong cải cách thể chế, chất lượng văn bản được ban hành chưa cao, tính khả thi kém, thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Do vậy, cần phải có các biện pháp cải cách hành chính để xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững đất nước" - GS.TS. Phạm Văn Tân nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Văn Tân cho rằng, cần phải trao đổi thẳng thắn, không có vùng cấm, nhìn thẳng, nhìn thật vào vấn đề thì mới giải quyết toàn vẹn các vấn đề cải cách hành chính.
Theo ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 bao gồm 6 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính.
Trong giai đoạn 5 năm thực hiện cải cách hành chính, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế, thanh tra, kiểm tra giám sát chưa thường xuyên.
Tự chủ tài chính chưa thực sự hiệu quả, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức. Việc phân bổ kinh phí hoạt động chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ, giao biên chế và giao kinh phí nên vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào kinh phí của nhà nước.
Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ cũng bị đánh giá thấp. Nhiều thạc sỹ ở tỉnh, bằng cấp cao nhưng làm việc thì không hiệu quả, chất lượng thì đặc biệt thấp. Thậm chí, có cả trường hợp cán bộ viết y lại báo cáo năm ngoái thay mỗi số liệu để gửi lên lãnh đạo.
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng, cải cách hành chính phải là thay đổi căn bản từ triết lý đến phương tiện cải cách nhằm tiến tới chính quyền kiến tạo, liêm chính tạo sự hài lòng của người dân.
"Hiện nay có 2 loại chính quyền: Chính quyền đứng trên dân và chính quyền đứng giữa dân. Cần cải cách hành chính sao cho đưa chính quyền đứng từ trên xuống dưới, tức là chính quyền đứng giữa nhân dân, đóng vai trò kiến tạo và phục vụ theo vòng quay nhu cầu của người dân. Chỉ đứng giữa dân thì chính quyền mới liêm chính được"- ông nhấn mạnh.
Yếu tố kinh tế với cải cách hành chính
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu Tư vấn và phát triển (RCD) hệ thống hành chính ở Việt Nam đang bị mắc ở một số điểm nghẽn, kìm nén sự phát triển như ban hành quá nhiều văn bản quản lý Nhà nước; quá nhiều cơ quan, đông cán bộ, cán bộ cao cấp cũng "phổ cập" tới huyện, thậm chí không đếm được số lượng lãnh đạo.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của cán bộ cũng không rõ ràng. Có thể thấy rõ nhất trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, chưa ai phán tội ông, ông cũng chưa chịu bất cứ trách nhiệm nào. Cùng với đó là việc giải quyết công việc chậm chạp, ít hiệu quả, nhất là trong những "lĩnh vực mờ", có thêm các chi phí bên ngoài, chi phí không được kê khai khi giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Phạm Bích San cho rằng, để cải cách hành chính cần 2 điểm quan trọng nhất là phải dựa trên cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội. Nguồn kinh tế nuôi dưỡng hệ thống cán bộ phục vụ công có đảm bảo hay không và đủ ràng buộc để hệ thống cán bộ nhân sự đó phục vụ nhân dân hay không.
Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức xã hội dân sự ở các quy mô hành chính cấp thấp phải đóng vai trò chủ đạo. Bộ máy hành chính trong tương lai ắt phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản trên cùng sự mở rộng về vai trò chủ đạo của tổ chức xã hội dân sự để thực sự trở thành một chính quyền phục vụ nhân dân.
Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần phải làm rõ ai là người làm cồng kềnh hệ thống hành chính. Trong kiểm điểm cần phải cụ thể, rõ ràng, không nêu chung chung "một bộ phận nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất".
Bà An đề nghị 3 vấn đề trong cải cách hành chính. Thứ nhất là tinh giản bộ máy, rà soát lại chức năng nhiệm vụ của tất cả bộ ngành để tránh chồng chéo, lỗ hổng. Thứ hai, quy định trách nhiệm người đứng đầu, tăng thêm quyền lực, tăng thêm trách nhiệm cho người đứng đầu. Thứ ba là minh bạch các khâu hoạt động sẽ không mất thời gian kiểm điểm nếu có sai sót, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ sẽ không lạm thời gian phục vụ nhân dân.
Đồng thời, bà An cũng đề nghị Bộ Nội vụ đi đầu trong việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm về bổ nhiệm nhân sự không đúng quy định, chưa rõ ràng, đưa người thân hữu vào trong bộ máy.
Theo Bao Datviet