Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện, tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng

09/09/2022 14:56

Báo cáo của VKSND Tối cao cho biết, trong năm 2022, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế giảm. Tuy nhiên đáng lưu ý, đã khởi tố, điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong khi đó, tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức và công dân trong phòng chống tham nhũng

Ảnh minh hoạ

Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo cho hay năm 2022 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện.

Trong kỳ báo cáo đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương đã xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định và đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Điểm đáng chú ý khác theo báo cáo năm 2022 là có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

Báo cáo cũng nêu toàn ngành thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỉ đồng, 12.004ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỉ đồng (trong đó, tăng thu 2.670,4 tỉ đồng; giảm chi ngân sách 14.225,6 tỉ đồng; xử lý khác 39.816,6 tỉ đồng; giảm lỗ từ doanh nghiệp 12,7 tỉ đồng). Chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Các cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Hiện đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1.095 bị can. Đã giải quyết 353 vụ/893 bị can (trong đó truy tố 351 vụ/891 bị can, chiếm 99,4% tổng số án đã giải quyết, đình chỉ 2 vụ/2 bị can).

Tòa án các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ/1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ/949 bị cáo; xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực có tính chất phức tạp, nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ quyền hạn nên có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng; tội phạm thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới phát hiện nên nhiều nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức hoá, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ…gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Báo cáo cũng nêu rõ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế.

Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Về nguyên nhân, theo Chính phủ, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình. Cạnh đó chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao... 

Năm 2023, Chính phủ cho biết, sẽ triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…

Phòng ngừa tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước còn bất cập

Trình bày báo cáo của tiểu ban theo dõi hoạt động phòng chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có hạn chế.

Trong đó tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu vẫn còn để xảy ra vi phạm trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch…“Nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định”, ông Cường nói.

Ngoài ra việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước còn có những bất cập, chủ yếu mới chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cạnh đó vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi thanh tra không phát hiện được vi phạm, hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan ủy ban kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.

Tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất

Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, năm 2022, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất. Đáng lưu ý, đã khởi tố, điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán, với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

Điển hình như, vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Viện kiểm sát cũng cho biết, một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

Bên cạnh đó là nhiều vụ án trong lĩnh vực y tế, điển hình là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương.

Trong lĩnh vực giáo dục, ngoại giao điển hình như vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan...

Văn Dương ( T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện, tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin