Bừng thức Sa Pa

21/02/2018 14:19

(Pháp lý) - Đỏng đà đỏng đảnh. Chợt sụt sùi. Chợt cười reo. Thoắt hờn dỗi lại đã trầm mặc suy tư. Vừa mới là cô gái e ấp đó mà bỗng chốc đã ra mụ già trăm tuổi. Đang là đứa trẻ thơ ngây hồn nhiên, phút chốc đã thành thiếu phụ đứng tuổi… Tất thảy tiếng nói của mọi hình thức nghệ thuật dường như đều bất lực với nó - Sa Pa ; Bởi mọi sự ví von, miêu tả, ngợi ca... dẫu có bay bổng, đằm thắm hay khúc triết thì cũng chỉ lớt phớt lơ mơ chạm tới chút gì đó bề ngoài của nó ; sự nhân cách hóa dù là siêu ngôn tài tình đến mấy thì cũng không lột tả hết được vẻ đẹp hào hoa phô bày, điệu duyên dáng khiêm nhường, nét tráng kiện hồn nhiên của Sa Pa.

Chưa, chưa bao giờ Sa Pa được nói nhiều như bây giờ ; Và sẽ còn nhiều nhiều lời nữa, nói bằng sách, báo, nhạc, họa, ảnh, bằng nghị trường và lễ hội, bằng thông tin truyền miệng và thư phòng nghiên cứu...

Sa Pa xưa đã bé tẹo teo mà quanh năm ngày tháng đắm chìm trong mù sương.

Đi tới Sa Pa xưa chỉ bằng một con đường độc đạo gồ ghề khúc khuỷu bề rộng nhỉnh hơn đường mòn một chút, mặt đường là những cù đá lổn nhổn do bị bong, bị tróc thành ra ổ chó, ổ lợn, ổ trâu, ổ voi...

Chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu (nguồn ảnh: baomoi.vn)
Chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu (nguồn ảnh: baomoi.vn))

Từ thị xã Lào Cai đi lên, leo dốc vòng vèo qua khe suối có tên Rùa thần – Vu ki đề, tiếp qua khe suối có tên Gà thần- Lâu ka đề là đến xứ Mường Tiên. Sở dĩ một vùng trời đất nơi đây có cái tên đầy thi vị huyền thoại hoang đường, là vì khí trời đã trở nên mát lạnh, non ngàn đã khác, đã hoàn toàn riêng biệt không giống bất cứ một vùng nào, trùng trùng điệp điệp dựng dậy tua tủa lên nền trời; và mây trời cũng khác, bỗng chốc ùn ùn đùn từ thung lũng sâu ngợp lên sống núi, rồi lại từ sống núi mà cuồn cuộn cuốn xuống thung tựa như những đợt sóng bạc đầu nơi biển khơi. Mường Tiên mang khái niệm một vùng, một xứ, sau này biến thành địa danh một làng thôn thuộc xã cửa ngõ huyện - xã Trung Chải, biến thành ra Mường Xén, Móng Sến, một thời cả ba xã Trung Chải, Sa Pả và Tả Phìn chỉ là một xã, gọi là Sa Pa Chung. Ngay thôn cửa ngõ này có một tòa biệt thự Tây có tên là Tô Kô. Nghe nói chủ tòa biệt thự này là người Italia, dân vốn quen gọi là Ta Kô, còn người bản xứ gọi chệch thành Tăng Kô.

Từ trên mù mây thoáng đãng nhìn xuống con đường mỏng mảnh như sợi chỉ vắt ngang sườn núi, thỉnh thoảng có những chiếc xe bò chậm chạp lên dốc, hoặc từ từ trườn xuống dốc, bọn trẻ chăn trâu lại reo lên vang khắp non ngàn và chúng gọi đó là “con đường của bọ sừng”.

Con đường bọ sừng đã đưa chân tôi đi học trường tỉnh đóng tại thị trấn huyện lỵ Hồng Hồ.

Con đường bọ sừng đã đưa đôi chân tò mò ham hiểu biết, thích khám phá đi tới mọi miền quê của Tổ quốc Việt Nam.

Đi, để mà học Văn.

Đi, để mà học cho kịp bằng người.

Nhưng rồi loanh quanh lại về “ăn quẩn cối xay” như con tún con trong câu chuyện cổ Nù Giáo. Ngày xửa ngày xưa có chàng Nù Giáo... Đã lên đến Trời rồi mà như kẻ bất đắc chí, bao nhiêu tiền của, vàng bạc châu báu chẳng chịu lấy cái gì, chỉ nằng nặc xin Cha Trời mỗi con chó ghẻ nằm dưới cối xay sủa căng căng. Khi về đến xứ quê Đất, sau một đêm nằm sương trở dậy, đã thấy một tòa lâu đài cùng với một nàng tiên lộng lẫy... Chuyện xưa đã nói hộ cho người đời nay, cho dù nói theo lối ngoa dụ, hay lối trào lộng thì vẫn thấy niềm hạnh phúc của con người sống với cái tâm trong sáng, với ý thức ham học hỏi, tìm tòi...

 Nhà thờ Sa Pa toạ lạc tại thị trấn Sa Pa - dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp (nguồn ảnh: vnexpress.net)
Nhà thờ Sa Pa toạ lạc tại thị trấn Sa Pa - dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp (nguồn ảnh: vnexpress.net))

Sa Pa trong huyền tích thì mỗi người kể một phách theo trí sáng tạo riêng của mình. Những nghệ nhân dân gian “sáng tạo” ra một xứ Mường Tiên bao gồm cả Mường Thượng (vùng hạ huyện ngày nay), rồi những Bãi bằng lớn (Tả Phìn), Miền đất mặt trời mọc (Tả Giàng Phình), Mường Hoa, Hồng Hồ (khu vực thị trấn ngày nay), Hồ con rùa (Ô Quy Hồ), Cột đá chống trời (tức đỉnh Phan Xi Păng), San Sả Hồ (nơi con suối chẽ ra thành ba nhánh), v. v... Có một anh cán bộ địa chất đã từng lăn lộn ở vùng đất này thì nói rằng dãy Hoàng Liên Sơn mà trên đó có đỉnh Phan Xi Păng và dãy Can Thàng bắt đầu từ mỏm Hàm Rồng xuất hiện cách đây năm trăm triệu năm bởi vô khối những dấu tích biển Đông vẫn còn trầm tích đâu đó... Nhưng Sa Pa vẫn ngủ giấc ngủ miên man đến nỗi các nàng tiên trên trời làm cuộc du ngoạn đã chơi trò đố chữ nhau, và rồi một nhóm cư dân với một nền văn minh khác lạ con người bình thường chúng ta đã từng đến sinh sống ở đây chẳng biết cớ gì mà tự dưng biến mất. Những bức thông điệp của họ vẫn còn in dấu ấn sờ sờ ra đó; thế nhưng liệu họ có di truyền lại giống nòi khi mà nhìn những trang sách trên các phiến đá suốt cả chiều dài chừng bốn cây số bên triền con suối Mường Hoa khiến ta tưởng tượng họ là những người cao to lừng lững, mặt mày biệt dạng, thông tuệ lạ thường. Có nghe kể chuyện như là huyền thoại hoang đường rằng các cụ tiên tổ chỉ cách nay vài nghìn đời đều là những người to cao, mắt xanh, tóc xoăn, bắp tay bắp chân cuồn cuộn những thớ thịt, đường gân, tiếng nói oang oang như sấm dậy, tiếng cười vang ròn như ngựa hí. Bạn có để ý không, cũng giống như những cù đá khắc tạc bên Liệp Tè – Thuận Châu nay được mang về để ở trong khuôn viên bảo tàng Thủy điện Sơn La, cũng tựa như Cánh Đồng Chum ở bên Lào vậy.

Chừng một thế kỷ trước, Sa Pa vẫn đang giấc ngủ yên bình thì bị đánh thức. Ấy là bởi vùng nương ngô, pa (hạt nhỏ như hạt cải, xay bột làm lương thực), cao lương, dưa... trên trảng núi Hồng Hồ xưa của người Sua Pủa (Sa Pả - miệng núi đùn cát), Lao Chải (Nả Jào - làng cổ, làng lớn)… có khí hậu và cảnh quan tựa như miền nào đó ở bên phương Tây xa xôi, nên được người Pháp đến chiếm cứ. Những tòa biệt thự bắt đầu mọc dần lên (rất có thể kèm theo tiếng súng nữa). Một chòm phố xá có dáng dấp châu Âu hiện hình. Nhưng cái chòm phố ấy chỉ phục vụ cho việc nghỉ dưỡng, chứ chắc gì đã đóng góp tí chút nào vào sự phát triển nền kinh tế thuộc địa.

Những năm hòa bình bắt đầu xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội, Sa Pa còn nửa tỉnh nửa thức khi mở ra những hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp; hợp tác xã cơ khí nhưng chỉ có mỗi một xưởng bé tẹo làm ra nông cụ sản xuất hoàn toàn bằng thủ công; hợp tác xã mang tên Thủ Dầu Một (khi tỉnh Lào Cai kết nghĩa với tỉnh Thủ Dầu Một – nay là tỉnh Bình Dương) chuyên trồng rau ăn và rau giống cung cấp hạt giống su hào, bắp cải cho toàn miền Bắc; trại bò sữa; địa bàn khai thác và cung cấp nguyên liệu chưng cất dầu pơ mu; trại hoa; trại dược liệu; trại nấm... Thế mà chẳng hiểu sao những thiết chế đó cứ lịm dần, rồi tan biến. Sa Pa vẫn lại đủng đỉnh, nhẩn nha, thong dong, bình thản trong màn sương lảng bảng ễnh nước, giữa mùa đông rét buốt trĩu nặng sương giá, lúc nắng hừng lên quang quẻ cùng với màn mây vần vụ, chẳng buồn hối hả, không cần vội vã.

Từ ngày chia tách và lập lại tỉnh mới, đó cũng là thời điểm Sa Pa vươn vai thức dậy tưng bừng.

Mới hơn chục năm, sắc diện Sa Pa đã mới hoàn toàn.

Sa Pa đã bừng thức bởi được khơi dậy đúng tiềm năng, thế mạnh của mình: Du lịch!

Bởi thế nên mới có hơn chục năm mà Sa Pa đã bước một bước dài, nếu lấy ngày tái lập lại tỉnh mới làm thời mốc.

Thoáng se lòng khi đồng chí Bí thư xã San Sản Hồ bộc bạch rằng dân không có đất làm ăn, phải thuê đất của người dân thị trấn để làm nương, phải đi làm mướn bằng sức lực cơ bắp cho người dân thị trấn, hoặc như đi lấy củi, gánh nước, phát nương cho họ, may mà được họ thuê, tuy công bèo bọt, cũng có vài đồng mà rủ bạn cùng húp bát phở thịt lợn bạc nhạc cùng chén rượu chua loét. Rồi thì biết bao người ở tận đẩu tận đâu đến đây mà làm giàu bằng gió núi, mưa ngàn, điệp trùng núi non, trời xanh mây trắng, đá dựng tua tủa, hoa rừng ngàn sắc, và phất lên từ cả tiếng khèn tiếng sáo, sắc màu váy áo. Thị trấn nằm trong dốc núi, vách đá mà cũng nhà tầng, xe hơi. Còn người bản địa, kể cả là người Kinh sống ở đây từ những thập niên sáu mươi trở về trước cũng khó mà ngóc đầu lên nổi. Thế nhưng đồng chí Bí thư ơi, ngày nay mà dân ta vẫn cứ đủng đỉnh khoanh tay sau lưng nhìn trời nhìn đất thì hãy nhường cho người khác thôi!

 Cảnh đẹp trên núi Hàm Rồng – một trong những địa điểm du lịch Sa Pa hấp dẫn nhất du khách (nguồn ảnh: internet)
Cảnh đẹp trên núi Hàm Rồng – một trong những địa điểm du lịch Sa Pa hấp dẫn nhất du khách (nguồn ảnh: internet))

Chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa, các nhà quản lý đã tổ chức đến trên dưới chục lần họp bàn. Ấy là để tiếp tục đánh thức Sa Pa trên nhiều phương diện, cũng có nghĩa là quảng bá và tôn vinh nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan độc đáo của Sa Pa.

Nghe nói không dưới năm, bảy lần Sa Pa được duyệt quy hoạch, mời cả người nước ngòai có kinh nghiệm, có kiến thức khoa học đến giúp, vì chúng ta muốn Sa Pa hiện đại mà vẫn giữ nguyên bản sắc, để vài trăm năm sau vẫn không bị lỗi thời.

Cùng với sự phát triển của một thị trấn du lịch hiện đại, kinh tế và đời sống khắp các làng bản đang cựa quậy vươn mình từ các chính sách làm động lực đốc thúc 135, các chương trình, đề án, các chương trình trọng tâm hướng về cơ sở, chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Sa Pa đã bừng thức. Rồng, Tiên đang cựa mình bay lên. Các nhà quản lý đã nhận ra Sa Pa là của Việt Nam, và Việt Nam có duy nhất một Sa Pa.

Nhưng chỉ dám xin một điều nhỏ nhoi có thể là chưa ai để ý tới: Hãy đặt tên cho một đường phố là Mường Tiên; Hãy trả lại tên cho cái hồ mới tôn tạo là Hồng Hồ; và nên chăng đường phố, công trình công cộng, khách sạn, nhà hàng cũng được mang danh có âm hưởng riêng của Sa Pa, như người xưa đã đặt ấy, trong đó có cả những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho quê hương này trường tồn. Địa danh - tên gọi một vùng đất, một công trình văn hóa người xưa vốn ý thức rõ bản sắc. Tên gọi đường, phố ở thành phố Lào Cai đã chẳng còn chút gì mang âm hưởng Lào Cai rồi! Còn Sa Pa?

   Mã A Lềnh

Bạn đang đọc bài viết "Bừng thức Sa Pa" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin