Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Hàng nghìn băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2016, lực lượng công an đã tập trung tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm đã được “bóc gỡ” cho thấy hiện tượng thông qua hình thức lập doanh nghiệp để tập hợp tổ chức, hoạt động xã hội đen…

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29/12, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong năm, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo môi trường cho doanh nghiệp (DN) phát triển, chủ động phát hiện sơ hở yếu kém của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tái cơ cấu lại hệ thống DNNN, các ngân hàng, chống gian lận thương mại… góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, chống thất thu thuế, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

152
Hoạt động của ngành công an góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN phát triển.

Một điểm nổi bật trong hoạt động của lực lượng công an năm nay là tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm quốc gia, chống các hoạt động thông qua kinh tế làm chuyển biến chính trị…

“Chúng tôi đã đề xuất và được Bộ Chính trị thông qua Chỉ thị về an ninh kinh tế, chống các hoạt động chuyển hướng trong kinh tế. Đây là việc làm rất quan trọng mà từ đầu năm tới, lần đầu tiên chúng ta sẽ triển khai thực hiện chỉ thị này” – Thượng tướng Tô Lâm phát biểu.

Theo hướng diễn biến này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm, lực lượng công an đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm tội phạm đã được “bóc gỡ”, trong đó có nhiều nhóm núp bóng để hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của các hệ thống doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công an nêu rõ, các băng nhóm tội phạm thông qua hình thức lập DN để tập hợp các tổ chức hoạt động kiểu xã hội đen, gây ảnh hưởng, tác động đến hoạt động làm dự án, đấu thầu…

Các lĩnh vực hoạt động là “mảnh đất” núp bóng của tội phạm là san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng, thu hồi nợ, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải….

Theo thống kê, cả năm, lực lượng Công an đã xử lý 18.000 vụ án kinh tế, nhiều hơn 900 vụ so với năm ngoái, phát hiện hàng trăm DN lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT, gian lận thuế xuất nhập khẩu. Lực lượng cũng điều tra xử lý 339.000 vụ buôn lậu… góp phần làm giảm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giúp bình ổn thị trường trong nước…

Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng nêu nhiều con số về xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công lãn công, tăng cường việc phòng cháy chữa cháy, cứu nạn ở các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ lưu ý hơn vấn đề quản lý xã hội, di dân, di cư vì nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gây bất ổn tình hình.

“Di dân, di cư giờ đã là một vấn đề quốc tế, Việt Nam phải đề phòng làn sóng di cư từ bất ổn của các nước xung quanh. Trong phạm vi quốc gia, các vấn đề di dân di cư cũng phải được đánh giá kỹ. Riêng Tây Nguyên của chúng ta, trước đây, dân số chỉ 1,1 triệu người, giờ đã tăng lên hơn 5 triệu người, người nơi khác đến đã nhiều hơn dân bản địa, nhiều địa bàn xã, huyện dân cư nhập cư “áp đảo” dân cư tại chỗ, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định” – Bộ trưởng Công an phân tích, cần chính thức thừa nhận sự di dân để đảm bảo điều kiện sống của người lưu trú ở khu vực.

Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần “phát triển phải đi liền với ổn định”.

Theo Dân trí

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin