Bộ Tài chính đề nghị điều tra 2 vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo: Cơ quan công an sẽ điều tra theo qui trình, qui định nào ?

22/04/2020 17:37

(Pháp lý) - Trong công văn số 4763/BTC- VP mà mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Bộ trưởng Bộ Công an có nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu gạo “không có sự can thiệp của công chức hải quan” , đồng thời đề nghị điều tra về hoạt động xuất khẩu gạo và điều tra để xử lý ( nếu có) việc đưa tin sai sự thật liên quan đến hoạt động này.

Trước đó, trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo.

Hoạt động xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Những nghi vấn tập trung vào việc có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan. Bởi theo phản ánh, có doanh nghiệp lớn mở 102 tờ khai, xuất khẩu gần 1/4 lượng hạn ngạch được Chính phủ cho phép. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dù có lượng gạo lớn đang bị lưu tại cảng do cấm xuất khẩu của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trước đó, không có được tờ khai xuất khẩu nào.

Bộ Tài chính đề nghị công an điều tra vấn đề gì ?

Theo trang tin của Bộ Tài chính, ngày 20/4 - Bộ trưởng Bộ Tài chính có công văn số 4763/BTC-VP gửi Bộ trưởng Bộ Công an về việc điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Công văn nêu rõ: Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định số 1106/QĐ-BCT của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuẩt khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4/2020. Việc trừ lùi sẽ được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuât khẩu (là 400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

“Trước thông tin có nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tính tổng thể các vấn đề báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua, Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật”, công văn nêu.

Cơ quan công an sẽ vào cuộc , tố tụng theo các qui trình, qui định nào ?

Theo Luật sư Phạm Hồng Sơn (Công ty Luật Phạm Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thì công văn của Bộ Tài chính cho thấy Bộ này muốn minh bạch quá trình xuất khẩu gạo bằng việc yêu cầu điều tra các hành vi vi phạm pháp luật nếu có trong hoạt động xuất khẩu gạo và điều tra những dấu hiệu liên quan đến việc đưa các thông tin về hoạt động xuất khẩu gạo lên mạng xã hội và báo chí.

Theo đó, việc tiếp nhận và xử lý các tin báo do Bộ Tài chính cung cấp gửi đến Bộ Công an sẽ được tiến hành theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.

Từ tin báo trên, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Theo đó, dựa trên thông tin mà Bộ Tài chính cung cấp thì cơ quan điều tra có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin tội phạm, chỉ khi có chứng cứ xác định dấu hiệu tội phạm thì mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong vụ việc trên, Bộ Tài chính mới chỉ gửi tin báo bằng văn bản chứ không phải là kiến nghị khởi tố, tức là ở cấp độ tin báo thông thường.

Lúc này, Bộ Tài Chính là tổ chức đã thể hiện quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, chủ động và sẵn sàng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Theo công văn 4763/BTC-VP của Bộ Trưởng Bộ Tài chính, có 2 vấn đề mà Bộ này chủ động yêu cầu điều tra. Một là liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, hai là liên quan đến việc đưa thông tin về hoạt động xuất khẩu gạo. Trong công văn trên, thông tin của Bộ Tài chính đã hướng đến minh bạch quá trình làm tờ khai thủ tục hải quan với các số liệu, cách thức và quy trình cụ thể và khẳng định “không có sự can thiệp của công chức hải quan”.

Luật sư Phạm Hồng Sơn cho rằng: Thực tế hành nghề ông chưa thấy có tiền lệ xử lý những vi phạm liên quan đến can thiệp vào tờ khai xuất khẩu.

Theo nhìn nhận của Luật sư Sơn: “Mục đích cao hơn của công văn trên là hướng đến xử lý các đối tượng đưa tin sai sự thật, xuyên tạc. ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan, tổ chức này”.

Nói về “tiền lệ” yêu cầu điều tra trong lĩnh vực xuất khẩu, Luật sư Phạm Sơn cho rằng: Trong thực tế, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động hải quan, xuất khẩu thì trước đây đã có nhiều vụ việc xử lý cán bộ hải quan. Những vi phạm chủ yếu là buôn lậu, trốn thuế. Ví dụ như vụ án để lọt gỗ trắc, gỗ hương trong các lô gỗ xuất khẩu để trốn thuế (tại Đà Nẵng); tiếp tay cho doanh nghiệp hoàn thuế (ở Thành phố Hồ Chí Minh)… Thực tế hành nghề, tôi chưa thấy có tiền lệ xử lý những vi phạm liên quan đến can thiệp vào tờ khai xuất khẩu.

Liên quan đến yêu cầu điều tra thứ 2, đó là những vi phạm về việc đưa các thông tin sai sự thật lên mạng Internet thì thực tế nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý.

Hoạt động xuất khẩu gạo liên quan trực tiếp tới an ninh lương thực, gắn chặt với các thông tin về việc phòng chống dịch bệnh Covid 19. Nhìn từ góc độ pháp lý, việc thông tin sai sự thật là hành vi trái pháp luật. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Về mặt hành chính, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống thì xử lý theo Tội vu khống (Điều 156, Bộ luật Hình sự), người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Hoặc việc đưa các thông tin sai lệch lên mạng xã hội, báo chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích của các cá nhân, tổ chức thì có dấu hiệu của Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức cá nhân (Điều 331, BLHS) với mức phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù cho vi phạm ở mức độ khác nhau.

Kinh nghiệm pháp lý

Từ hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian qua, rõ ràng là có những bất cập như việc thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng đã dẫn đến thiệt hại, khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Các bộ ngành cần tiếp thu dư luận, khắc phục tồn tại để quản lý hiệu quả hơn.

Trong khoảng 2 tháng qua, đất nước phải đương đầu với dịch bệnh, doanh nghiệp đã gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, để doanh nghiệp thiệt hại hơn nữa là không thể được . Cần nhanh chóng tìm ra trách nhiệm trong quy trình xuất khẩu gạo để rút kinh nghiệm và sửa sai nhanh chóng, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Liên quan đến nội dung (nếu có) việc thông tin không đúng về hoạt động của cơ quan nhà nước, mỗi cá nhân cần hiểu ngoài những quy định xử phạt vi phạm hành chính thì còn có thể bị xử lý hình sự việc đưa thông tin sai sự thật, đăng tin, chia sẻ, lan truyền tin sai sự thật trên mạng.

Bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình xã hội và đất nước; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Phan Minh

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Tài chính đề nghị điều tra 2 vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo: Cơ quan công an sẽ điều tra theo qui trình, qui định nào ?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin