Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố tám bị can trong vụ án sai phạm liên quan đến việc mua thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch cúm A/H5N1, xảy ra từ năm 2006.
Trong số tám bị can, bốn người bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch - Tài chính), Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính) và Phạm Thị Minh Nga (cựu kế toán trưởng Ban quản lý kế hoạch phòng chống dịch cúm A).
Ngoài việc chỉ rõ các hành vi sai phạm của nhóm bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công cho biết đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội, TP.HCM đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến các tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của ông Cao Minh Quang, Dương Huy Liệu.
Đồng thời, CQĐT đã phong tỏa hai sổ tiết kiệm với tổng trị giá 1,5 tỉ đồng và kê biên bốn bất động sản của vợ chồng bị can Lương Văn Hóa (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long).
Nhà chức trách còn kê biên sáu bất động sản của vợ chồng các bị can Nguyễn Thanh Tòng (cựu phó tổng giám đốc Dược Cửu Long) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng doanh nghiệp này).
Kết luận điều tra cho thấy năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Theo đặt hàng của Bộ Y tế, từ tháng 2 đến tháng 4-2006, Công ty dược Cửu Long nhập nguyên liệu, sản xuất 2,5 triệu viên Oseltamivir. Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A – Bộ Y tế đã thanh toán tổng cộng hơn 143 tỉ đồng cho Dược Cửu Long.
Đáng chú ý, quá trình nhập nguyên liệu, Dược Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài đồng ý giảm giá với số tiền hơn 3,8 triệu USD. Lẽ ra, Dược Cửu Long phải báo cáo lại với Bộ Y tế, nhưng dưới sự chỉ đạo của tổng giám đốc Lương Văn Hóa, công ty này “giấu nhẹm” thông tin, nhằm “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD nêu trên.
Theo cơ quan chức năng, số tiền hơn 3,8 triệu USD là khoản chênh lệch giá, Dược Cửu Long phải nộp lại ngân sách. Nhưng vì công ty không thực hiện, nên đây chính là thiệt hại của vụ án, đến nay số tiền vẫn chưa thể thu hồi.
Thời điểm xảy ra vụ án, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang được giao làm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi kiểm tra các vấn đề liên quan, ông Quang phát hiện Dược Cửu Long còn nợ nhà cung cấp số tiền hơn 3,8 triệu USD, nhưng ông lại không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra làm rõ.
Tiếp đó, Bộ Tài chính có công văn đề nghị kiểm tra, ông Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện để thu hồi cho nhà nước số tiền mà Dược Cửu Long được giảm giá. Đến khi ký báo cáo gửi Thủ tướng, ông Quang vẫn không chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế kiểm tra lại việc thanh toán tiền mua nguyên liệu của Dược Cửu Long để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc kiểm tra tài chính là của Thứ trưởng phụ trách tài chính, không thuộc nhiệm vụ mình được giao. Nhưng vì "bận nhiều việc", ông Quang không đề xuất hay giao đơn vị chức năng kiểm tra tiếp.
Quá trình điều tra, ông Quang thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện kiến nghị của Bộ Y tế nên không biết Dược Cửu Long đã được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD. Bị can xin tự nguyện khắc phục hậu quả.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định ông Quang đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, nên cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi truy tố, xét xử.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/bo-cong-an-de-nghi-phong-toa-tai-san-cua-cuu-thu-truong-y-te-cao-minh-quang-post680036.html