Thành ủy TPHCM ban hành thông tri, UBND TPHCM có công văn yêu cầu bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là việc làm rất ý nghĩa nhằm khuyến khích người dân tham gia vào nhiệm vụ bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.
“Nút thắt” cản trở tố giác sai phạm
Các sai phạm, tiêu cực tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đang dần được lộ diện. Bước đầu, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng, nguyên Giám đốc IPC, về hành vi “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Theo nguồn tin của phóng viên, các hành vi tiêu cực, sai phạm này đã âm ỉ, xuất hiện tại IPC trong một thời gian dài và có liên quan đến nhiều cá nhân khác là lãnh đạo chủ chốt của công ty. Đáng lưu ý, bản thân một số cán bộ, nhân viên IPC tuy biết sự việc nhưng vẫn không tố giác, đấu tranh với các sai phạm ngay từ khi mới manh nha.
Việc tố giác sai phạm, tiêu cực diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không ít người tố cáo không am hiểu pháp luật nên nội dung tố cáo, phản ánh không đúng, dẫn đến không được quan tâm. Hoặc như lời của Đại tá Nguyễn Xuân Hợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hiệp Bình Phước - quận Thủ Đức, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy Vùng 5 Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân), nhiều người dù biết có tiêu cực, sai phạm nhưng vẫn không tố giác, đấu tranh. Trở ngại lớn nhất là họ lo sợ bị mất việc, bị đe dọa hoặc trù dập. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, nhất là các tội phạm liên quan đến tham nhũng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Đối với nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực kinh tế như vụ IPC thì người dân khó có thể biết đúng - sai để tố cáo. Trong khi đó, cơ chế xử lý thông tin cũng như bảo vệ người tố cáo, chống tham nhũng hiện chưa đầy đủ nên chưa khuyến khích việc tham gia tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại nơi xảy ra sai phạm. Thông thường ở các cơ quan, đơn vị, các hành vi sai phạm - nhất là liên quan đến tham nhũng, tiêu cực - thì liên quan đến một ê kíp. Nhóm người này cùng lợi ích và sẽ bảo vệ, che chắn cho nhau. Điều này khiến người trong nội bộ ngại tố cáo, người nào tố giác sai phạm thì gần như cũng xác định khi “tố cáo thì sẽ nghỉ việc”.
Xử lý hành vi trù dập người tố cáo
Trước những bất cập trên, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Thông tri 28-TT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thông tri đánh giá, các cơ quan tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm. Từ đó, thông tri yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi phụ trách. Trường hợp buông lỏng lãnh đạo, quản lý, hoặc không làm hết trách nhiệm, dẫn đến người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm.
Bày tỏ đồng tình trước những yêu cầu cụ thể nêu trên, Đại tá Nguyễn Xuân Hợi cho rằng một khi người dân, cán bộ, đảng viên được bảo vệ thì họ sẽ tham gia đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, kể cả đối với các sai phạm của những người có chức, có quyền. Tương tự, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận xét, xây dựng một cơ chế “giải quyết tham nhũng tốt” vừa đảm bảo các nội dung tố cáo đều được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, vừa để người tố cáo yên tâm, không lo sợ trù dập, trả thù thì sẽ khuyến khích người dân cùng cán bộ, đảng viên tố giác, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng kiến nghị cần xem xét cả trách nhiệm người đứng đầu trong “hoạt động tố cáo chống tham nhũng”. Cụ thể, một khi nội dung tố cáo không được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm thì trách nhiệm thuộc người đứng đầu.
Khen thưởng nhưng không để lộ thông tin
UBND TPHCM vừa giao Thanh tra TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TPHCM ban hành quy định mới thay thế quy chế bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Quy chế mới phải phân rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân bảo vệ người tố cáo; đồng thời tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý.
UBND TPHCM cũng yêu cầu sửa đổi, bổ sung cách thức khen thưởng để tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời khi khen thưởng không để lọt, lộ thông tin, làm ảnh hưởng đến an toàn của người tố cáo.
Theo sggp.org.vn
Nguồn bài viết: http://www.sggp.org.vn/bao-ve-nguoi-dau-tranh-chong-tham-nhung-596975.html