Bảo đảm, phát huy quyền chính trị của công dân trong Pháp luật Hành chính

(Pháp lý) - Từ việc nghiên cứu đặc điểm, nội dung, vai trò của pháp luật hành chính trong việc bảo đảm và phát huy quyền chính trị của công dân, tác giả đưa ra một số vấn đề có tính phương pháp luận khi nghiên cứu về quyền chính trị của công dân trong pháp luật hành chính và yêu cầu hoàn thiện pháp luật hành chính nhằm hướng tới bảo đảm, phát huy các quyền chính trị của công dân ở Việt Nam hiện nay.

Khái quát về quyền chính trị của công dân

image001Quyền chính trị là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp của nhiều quốc gia ghi nhận. Ở Việt Nam, nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người”; Điều 14 Hiến pháp 2013 khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, bên cạnh các quyền dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền chính trị được đảm bảo và ưu tiên thực hiện.

Bảo đảm quyền chính trị của công dân là việc tạo môi trường thuận lợi về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và triển khai thực hiện nhằm hướng tới tôn trọng và bảo vệ các quyền chính đáng của công dân khi đã được pháp luật ghi nhận.

Bảo vệ quyền chính trị của công dân là việc xác định các biện pháp pháp lý, các biện pháp tổ chức, thực thi, cơ chế bảo vệ khi quyền chính trị của công dân bị xâm phạm. Có nhiều văn bản pháp lý đề cập đến việc bảo vệ quyền chính trị của công dân như: Luật Hiến pháp (các điều 53, 54, 74, 76, 77, 79,…), Luật Bầu cử Quốc hội, HĐND; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; Luât Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo,… Mỗi văn bản đều có những quy định hướng tới bảo vệ quyền chính trị của công dân ở những khía cạnh nhất định. Vì vậy, việc nghiên cứu quyền chính trị của công dân trong Luật Hành chính cần phải xem xét ở từng chế định cụ thể.

Vai trò của pháp luật hành chính trong bảo đảm quyền chính trị của công dân

Pháp luật hành chính giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm thực hiện các quyền của công dân.

Nghiên cứu pháp luật hành chính có thể nhận thấy vai trò của pháp luật hành chính trong bảo đảm, phát huy các quyền chính trị của công dân thể hiện ở những điểm căn bản như sau:

Một là, pháp luật hành chính là phương tiện cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có các quyền về chính trị; làm rõ nội dung, cách thức thực hiện quyền của công dân.

Hai là, pháp luật hành chính là phương tiện giới hạn quyền lực của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Ba là, pháp luật hành chính xác định giới hạn quyền lực hành chính của cá nhân, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Bốn là, pháp luật hành chính là phương tiện để công dân kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ công tác tổ chức chính quyền đến hoạt động điều hành, xây dựng, ban hành văn bản, ví dụ: tham gia quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm, khiếu nại, tố cáo,... Kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước nhằm tạo cơ sở để nhân dân tham gia giám sát, kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước; thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước.

Năm là, pháp luật hành chính là phương tiện bảo vệ quyền chính trị của công dân khi bị xâm hại trong các quan hệ xã hội liên quan đến nhà nước. Do vậy, cần có nhận thức đầy đủ, khách quan về vai trò của bộ máy hành chính nhà nước, của pháp luật hành chính.

Nghiên cứu về quyền chính trị của công dân cần xem xét ở tất cả các biểu hiện và sự điều chỉnh của pháp luật hành chính.

Bảo đảm quyền chính trị của công dân qua các quy phạm vật chất

Các quy phạm vật chất của luật hành chính là quy phạm quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước.

Các quy phạm pháp luật vật chất của luật hành chính là cơ sở để xác định địa vị pháp lý hành chính của các chủ thể: cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong đó xác định địa vị pháp lý của công dân với nhà nước và ngược lại. Vì vậy, nếu vận dụng không đúng, sẽ dễ xâm phạm tới các quyền của công dân.

Bảo đảm quyền chính trị của công dân qua các quy phạm thủ tục
Các quy phạm thủ tục là quy phạm quy định trình tự thủ tục mà các bên phải tuân theo trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ. Quy phạm thủ tục trả lời câu hỏi cần làm như thế nào, thực hiện theo trình tự nào.

Thủ tục hành chính là phương tiện để đưa các quy phạm pháp luật vật chất vào đời sống xã hội. Nói cách khác, các quyền của người dân có được bảo vệ và thực thi không, phụ thuộc vào việc xây dựng và triển khai các quy phạm thủ tục có hiệu quả không.

Để đảm bảo quyền chính trị của công dân, trong những năm gần đây, nước ta đã tiến hành nhiều cải cách ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó, tập trung vào việc cải cách, tinh giản hóa thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, bất hợp lý đươc loại bỏ, những cố gắng đó đều nhằm hướng tới bảo đảm quyền tự do, quyền chính trị của công dân một cách tốt hơn.

Bảo đảm quyền chính trị của công dân thông qua các quy phạm tố tụng

Pháp luật tố tụng tác động trực tiếp đến mỗi công dân khi tham gia các quan hệ chính trị, xã hội với chức năng nhân danh công lý, nhân danh nhà nước để phán xét hành vi của cá nhân, tổ chức trong các quan hệ xã hội. Khi xét trong các quan hệ tố tụng, quyền chính trị của công dân chịu sự điều chỉnh bởi nhiều quy phạm tố tụng khác nhau, bao gồm: tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, dân sự…

Quy phạm tố tụng hành chính góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.

 Hoàn thiện pháp luật hành chính nhằm hướng tới bảo đảm, phát huy các quyền chính trị của công dân
Hoàn thiện pháp luật hành chính nhằm hướng tới bảo đảm, phát huy các quyền chính trị của công dân)

Hiện nay, đối tượng, phạm vi các quyết định hành chính có thể bị cá nhân, tổ chức kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng hành chính ngày càng được mở rộng, điều này đồng nghĩa công dân có nhiều điều kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước nhà nước. Tuy vậy, cũng cần nhận thấy một thực tế về mặt pháp lý, không phải mọi quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến quyền, lợi ích của công dân đều có thể được tòa án hành chính bảo vệ, nhất là các quyền chính trị có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Yêu cầu hoàn thiện pháp luật hành chính, bảo đảm quyền chính trị của công dân.

Hoàn thiện pháp luật là một lĩnh vực khó, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân, đòi hỏi cần hoàn thiện cả về nội dung và hình thức bằng cách phải rà soát, loại bỏ những văn bản, quy phạm không còn phù hợp, lỗi thời.

Để hoàn thiện pháp luật, hướng tới bảo đảm và phát huy các quyền chính trị của công dân, cần nhận thức và khắc phục một số hạn chế sau:

Một là, các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta được ban hành ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều quy định tiến bộ, nhưng không ít quy định lỗi thời, không còn phù hợp; đặc biệt là quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập, tham gia các điều ước, công ước quốc tế, cần rà soát, sửa đổi các quy định cho phù hợp với quy định chung của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trog đó cần chú ý đến những quy định về việc cưỡng chế hành chính…

Hai là, việc ban hành quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta còn mang tính chất áp đặt, chưa chuyển sang chế độ hành chính, phục vụ… các quy định vẫn mang tính trừng phạt, cai quản mà chưa thực sự tính đến việc khuyến khích, nâng đỡ cho sự phát triển của xã hội, bảo đảm và phát huy quyền của người dân.

Ba là, việc hoàn thiện pháp luật hành chính ở nước ta thường diễn ra một cách cục bộ ở một vài quy phạm, hay một vài văn bản mà chưa có cách nhìn tổng quát, chưa giải quyết được các vấn đề cốt lõi, có chiều sâu; đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của người dân, hay việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Bốn là, việc hoàn thiện pháp luật hành chính cần được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, khía cạnh pháp luật; bao gồm pháp luật vật chất, pháp luật thủ tục, pháp luật tố tụng.

Năm là, trong các quy phạm pháp luật hiện hành, bên cạnh việc ban hành các quyết định hành chính, quá trình thực thi hoạt động quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan, người được trao thẩm quyền còn có những quyết định, hành vi hành chính có thể xâm phạm đến các quyền của công dân, nhưng người chịu tác động bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính không có quyền khiếu nại, khiếu kiện; điều này dẫn đến một khoảng trống lớn của pháp luật trong việc bảo đảm quyền người dân nói chung, quyền chính trị của công dân nói riêng dễ bị xâm phạm.

Đại hội XII của Đảng xác định “Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Những nỗ lực cải cách về thể chế, pháp lý trong thời gian qua ngày càng thể hiện sự quyết tâm to lớn của hệ thống chính trị trong việc cải cách, đổi mới, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ, quyền tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội của công dân, hướng tới xây dựng nhà nước dân chủ, bình đẳng, tiến bộ.

Hoàn thiện pháp luật hành chính nhằm hướng tới bảo đảm, phát huy các quyền chính trị của công dân

Nguyễn Duy Hùng
(Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin