Bảo đảm hành lang pháp lý đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ

16/09/2021 08:50

Chiều 14/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

31-1631756853.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH.

Sự cần thiết sửa đổi luật

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

32-1631756961.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH.

Quan tâm đến chuyển đổi số

Phát biểu tại phiên họp, đánh giá cao dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, các cơ quan hữu quan đã vào cuộc từ rất sớm và đã có ý kiến bước đầu để hoàn thiện thêm dự án luật này, đề cập trực tiếp và khắc phục nhiều bất cập để tương thích với các cam kết quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát 5 nhóm nội dung. Cụ thể, cần rà soát các điều cấm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; hoàn thiện, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế; cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người sáng tạo; hoàn thiện hơn quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục nghiên cứu lập luận về việc thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xem xét bổ sung các quy định về các nội dung chuyển số cần quy định trong luật, trong đó có một số thủ tục như: Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến, tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất có thể. Bởi lẽ chuyển đổi số là xu hướng quan trọng hiện nay trên toàn thế giới, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu công nghiệp...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhất trí với 7 nhóm chính sách của tờ trình dự thảo luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng,  các nhóm này lại chưa thể hiện được chính sách quan trọng liên quan đến chuyển đổi số - nội dung cốt lõi, xuyên suốt của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị quan tâm đến việc công nhận quyền nhân thân, quyền tác giả của trí tuệ nhân tạo độc lập hoặc kết hợp với con người.

33-1631756961.jpg
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: VPQH.

Quan tâm đến chỉ dẫn địa lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc chỉ dẫn địa lý ở nước ta còn khá tràn lan. Nhắc lại vụ việc gạo ST25 bị đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại vấn đề các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đăng ký sở hữu trí tuệ doanh nghiệp, thương hiệu trong lãnh thổ Việt Nam nhưng sản phẩm lại bị các tổ chức nước ngoài đăng ký trước trên phạm vi quốc gia khác.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng thực hiện cụ thể từng điều khoản, gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng và thời gian theo quy định.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/bao-dam-hanh-lang-phap-ly-doi-voi-viec-bao-ho-khai-thac-va-bao-ve-tai-san-tri-tue-a146708.html

Bạn đang đọc bài viết "Bảo đảm hành lang pháp lý đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin