Bài 24: Giải pháp nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra?

20/11/2018 09:36

(Pháp lý) - Theo các quy định pháp luật hiện thời thì cơ quan thanh tra là cơ quan quan trọng bậc nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó, các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần sửa đổi Luật Thanh tra để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra.

Cơ quan thanh tra cần độc lập tương đối?

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á, hệ thống thanh tra theo luật của Việt Nam rất đầy đủ. Có nhiều loại Thanh tra như Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra hành chính, nhưng tính độc lập của các hoạt động Thanh tra không cao. Theo quy định của Luật Thanh tra, tổ chức của các cơ quan thanh tra Nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính cùng cấp nên cơ quan thanh tra các cấp gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra một cách tập trung, thống nhất. Tổ chức như vậy thì thanh tra lệ thuộc vào chuyên môn và nhân sự, tài chính… của chính cơ quan mà họ trực thuộc, vì vậy việc kết luận thanh tra phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu của cơ quan nhà nước.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Đoàn Luật sư Hà Nội) trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Đoàn Luật sư Hà Nội) trao đổi với PV Pháp lý)

Theo Luật sư Thuật, trên diễn đàn lập pháp, có nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức cơ quan thanh tra có tính chất độc lập. Tôi đồng tình với ý kiến này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp hiện hành; đồng thời, để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong giai đoạn trước mắt khi chưa thể thực hiện được theo phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, vì thế cần phải đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối..
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật kiến nghị: Nên tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành dọc. Hiện nay, thủ trưởng các cơ quan vừa quản lý, điều hành hoạt động thanh tra, vừa ký kết luận thanh tra là chưa phù hợp.
Trên diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Đinh Duy Vượt cho rằng: Việc tổ chức các đơn vị chuyên trách còn hạn chế, hầu hết là thực hiện nhiệm vụ chung, chưa có thẩm quyền công vụ đặc thù, phạm vi hoạt động và trách nhiệm chưa rõ ràng. PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên ĐBQH, nguyên Phó Chánh án TANDTC) đồng tình với nhận định trên. Ông chia sẻ thêm: Cơ quan thanh tra là cơ quan PCTN nên cần được tổ chức độc lập. Ngoài ra, cần có sự kiểm soát triệt để tránh lộng quyền, lạm quyền ở cơ quan chống tham nhũng. Giao cho cơ quan thanh tra thẩm quyền cao hơn nhưng trách nhiệm cũng cần cao hơn. Theo tôi, cơ quan Thanh tra phải nên thuộc Quốc hội nếu muốn độc lập và hoạt động thực sự hiệu quả.

Phải thiết kế chế tài quy trách nhiệm thanh tra kiểu “bỏ lọt”

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, nguyên nhân của những hạn chế trong một số kết luận thanh tra do nhiều yếu tố khác nhau, có không ít vụ việc là do chính thanh tra viên hoặc trưởng đoàn thanh tra chưa làm hết trách nhiệm. Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng đạo đức công vụ của thanh tra viên hiện đang có rất nhiều vấn đề. Thế nhưng pháp luật chưa có những chế tài cụ thể đối với những vi phạm trên. Để khắc phục được vấn đề này, Luật cần quy định rõ trong quá trình thanh tra nếu bỏ lọt các hành vi vi phạm thì phải có trách nhiệm đặt ra. Hiện còn thiếu các quy định về trách nhiệm thanh tra, cũng như trách nhiệm hình sự đối với thanh tra viên thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

image003Luật Thanh tra quy định khi phát hiện vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định này còn có những vướng mắc trong quá trình thực hiện, có khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của đơn vị, cá nhân bị thanh tra. Khi nhận được tài liệu, hồ sơ chuyển, cơ quan điều tra phải làm lại từ đầu và cũng không đánh giá đúng, đầy đủ kết quả, giá trị của kết quả hoạt động thanh tra. Vì vậy, có nhiều chuyên gia cho rằng cần quy định theo hướng khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra phải củng cố hồ sơ, tài liệu, kết luận ban đầu (tương tự như cơ quan kiểm lâm, hải quan, biên phòng) rồi mới chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát. Khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan thanh tra, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng của vụ việc mà cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát ra quyết định theo thẩm quyền và chỉ củng cố thêm chứng cứ là có thể kết luận và truy tố trước pháp luật. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và công tác PCTN.

Luật hóa công tác phối hợp giữa Thanh tra và các cơ quan khác

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, hiện nay sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra và nhiều cơ quan khác còn lỏng lẻo. Luật Thanh tra chỉ có 1 điều luật quy định về việc chuyển cơ quan điều tra khi vụ việc thanh tra có dấu hiệu tội phạm. Cần bổ sung vào Luật quy định chuyển hồ sơ cho cơ quan khác. Một số vụ việc gần đây, sau khi thanh kiểm tra thấy sai phạm, có chuyển hồ sơ sang Ủy ban kiểm tra Trung ương để xử lý. Thế nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan này chưa được luật hóa rõ ràng.

Cảnh báo về hệ lụy chậm trễ trong việc phối hợp giữa thanh tra với các cơ quan phòng, chống tham nhũng khác, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng: Thanh tra là cơ quan lệ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý. Việc đánh giá một hành vi vi phạm có thể bị sai lệch, chủ quan… dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý, bỏ lọt hành vi vi phạm, vô tình giúp đương sự tẩu tán, thất thoát tài sản của nhà nước. Bởi vậy, Luật Thanh tra cần sửa đổi theo hướng quy định rõ thời gian chuyển hồ sơ, phương thức phối hợp để đảm bảo việc phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Việc cố tình “ôm” kết luận thanh tra, chậm chuyển sang cơ quan khác để xử lý cần phải bị quy trách nhiệm rõ ràng.

Giải pháp nâng cao hiệu lực của kết luận thanh tra…

Thi hành kết luận, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra là một khâu rất quan trọng, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tăng cường kỷ cương quản lý Nhà nước. Tuy vậy, Luật Thanh tra chưa quy định rõ về vấn đề này, dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.

Có lần, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ: Vấn đề hiệu lực của kết luận thanh tra là trăn trở của ông về hạn chế trong hoạt động của ngành. Ông Hạnh kể, năm 2014, Thanh tra Chính phủ thực hiện một cuộc thanh tra lớn, thanh tra việc sử dụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh. Kết luận thanh tra khi đó đề cập đến nhiều vấn đề tồn tại ở khu kinh tế Vũng Áng, đưa ra nhiều kiến nghị xử lý liên quan đến hoạt động của Formosa trên địa bàn. Tuy nhiên, những kiến nghị này sau đó chưa được tiếp thu, giải quyết. Năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra, các cơ quan khi đó mới lật lại xem cơ quan nào từng thanh, kiểm tra ở đây chưa và “soi” lại kết luận thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ.

“Khi đấu tranh để ra được kết luận thanh tra lúc ấy, chúng tôi thậm chí phải mất cả tình, cả quan hệ với địa phương nhưng sau cùng, cách xử lý với kiến nghị thanh tra lại như vậy. Sau này, tôi đã từng nói, nếu năm 2014 chúng ta xử lý nghiêm những vấn đề tồn tại đã phát hiện được thì hậu quả như năm 2016 chắc chắn không xảy ra” – ông Hạnh trầm ngâm.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Đức Hạnh (nguyên Phó Tổng TTCP) cũng từng băn khoăn với hiệu lực của kết luận thanh tra
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Đức Hạnh (nguyên Phó Tổng TTCP) cũng từng băn khoăn với hiệu lực của kết luận thanh tra)

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện nay, cơ quan thanh tra có quyền kiến nghị, đề xuất mà không có thẩm quyền quyết định xử lý nên gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra và xử lý các trường hợp không thực hiện kết luận thanh tra. Như vậy, luật cần có cơ chế để khắc phục tình trạng này như quy định các hình thức xử lý, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý cụ thể đối với các vi phạm pháp luật về thanh tra (bao gồm cả xử lý kỷ luật và xử phạt hành chính) như không thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra để bảo đảm cho kết luận thanh tra được thực thi đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng: Để nâng cao hiệu lực của kết luận thanh tra thì cần công khai kết luận thanh tra rộng rãi. Việc công khai, một mặt để chính các cơ quan chức năng bị thanh tra, có vi phạm, cần thực hiện nghiệm kết luận thanh tra, mặt khác để người dân, các tổ chức xã hội giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra. Luật sư Thuật cho rằng, công khai mọi kết luận thanh tra liên quan đến cơ quan, cán bộ nhà nước là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của kết luận thanh tra.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Bài 24: Giải pháp nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin