Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích và chỉ ra những điểm khác nhau giữa chia và tách doanh nghiệp từ đó giúp doanh nghiệp hiểu đúng về bản chất của các hoạt động chia, tách doanh nghiệp này và đưa ra những quyết định chính xác hơn.

Sự khác biệt về bản chất và hệ quả pháp lý
Một trong những lý do chính dẫn đến sự nhầm lẫn giữa chia và tách doanh nghiệp là sự lúng túng trong việc phân biệt về bản chất và hệ quả pháp lý mà mỗi thủ tục mang lại.
Theo khoản 1 Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020, chia doanh nghiệp là hình thức tái cấu trúc mà một công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được chia thành các công ty mới. Sau khi hoàn thành quá trình này, công ty cũ chấm dứt hoạt động và các công ty mới sẽ kế thừa toàn bộ nghĩa vụ tài chính, bao gồm các khoản nợ với các chủ nợ, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài chính khác. Khi đó, công ty bị chia không còn tồn tại, các công ty mới sẽ phải cùng liên đới chịu trách nhiệm tất cả các nghĩa vụ của công ty bị chia.
Trong khi đó, tách doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Doanh nghiệp 2020 là việc chuyển một phần tài sản của công ty hiện có để thành lập một hoặc nhiều công ty mới nhưng công ty cũ vẫn tiếp tục tồn tại. Đây là sự khác biệt quan trọng giữa chia và tách: chia doanh nghiệp dẫn đến việc công ty cũ chấm dứt tồn tại còn tách doanh nghiệp thì công ty cũ và công ty mới tồn tại song song.
Để dễ hình dung, việc chia công ty có thể áp dụng khi các cổ đông của công ty cổ phần muốn tách rời hoàn toàn hoạt động của công ty để thành lập các công ty độc lập, chấm dứt sự tồn tại của công ty ban đầu, mỗi công ty chịu trách nhiệm riêng về nghĩa vụ tài chính và pháp lý… Ngược lại, nếu công ty cổ phần này chỉ muốn tách một bộ phận kinh doanh như Phòng phát triển sản phẩm để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất một dòng sản phẩm mới nhưng không ảnh hưởng đến các hoạt động hiện tại thì tách doanh nghiệp sẽ là lựa chọn phù hợp.
Về cơ bản, chia doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần có thể được thực hiện dưới dạng chia tài sản công ty bao gồm vốn điều lệ và các tài sản của một hoặc nhiều thành viên, cổ đông công ty sang các công ty mới. Thành viên hoặc cổ đông của công ty bị chia sẽ chuyển sang các công ty mới theo thỏa thuận ghi nhận tại quyết định, nghị quyết chia công ty. Sau khi chia công ty, thành viên của công ty bị chia sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỉ lệ vốn, tài sản được chia tại hai hay nhiều công ty mới. Tương tự, việc tách doanh nghiệp cũng được thực hiện theo cách này. Tuy nhiên, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bản chất của hoạt động chia và tách doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở chia và tách tài sản để thành lập các công ty mới mà không phải chia và tách trên cơ sở thành viên công ty bởi loại hình doanh nghiệp này chỉ có một thành viên cũng là chủ sở hữu duy nhất. Việc chia vốn điều lệ, tài sản công ty sẽ dẫn đến sự thay đổi về vốn, tài sản khác tương ứng với từng công ty mới theo quyết định của chủ sở hữu khi sau hoàn tất thủ tục. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng việc chia và tách công ty không chỉ đơn thuần là một thủ tục pháp lý mà còn tác động sâu rộng đến cấu trúc vốn và tài sản của các công ty mới.
Một khía cạnh nữa cần được lưu ý là, trong cả hai hình thức chia và tách doanh nghiệp, các công ty mới thành lập đều phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của công ty cũ. Tuy nhiên, với chia doanh nghiệp, vì công ty cũ chấm dứt tồn tại, các công ty mới sẽ phải thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để xử lý các khoản nợ chưa thanh toán hoặc các hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia. Ngược lại, trong tách doanh nghiệp, công ty bị tách vẫn tồn tại và chịu trách nhiệm cùng với công ty mới về các nghĩa vụ tài chính, trừ khi có thỏa thuận khác với các bên liên quan.
Lưu ý về cách thức thực hiện và lựa chọn phù hợp với mục đích của doanh nghiệp
Mặc dù cả hai hình thức chia và tách đều là những phương tiện để tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng hai hình thức này phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Việc chia doanh nghiệp thường được thực hiện khi các cổ đông hoặc nhà đầu tư muốn tạo ra các thực thể pháp lý mới, độc lập hoàn toàn nhằm tách biệt lợi ích, tài sản và trách nhiệm giữa các bên. Chia doanh nghiệp có thể giúp giải quyết xung đột nội bộ, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh theo các hướng đi khác nhau. Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất lớn như sở hữu nhiều thương hiệu có thể chọn chia công ty khi muốn phân tách các mảng hoạt động riêng biệt đối với các thương hiệu này để tập trung hiệu suất và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của từng công ty cũng như chấm dứt sự tồn tại của bộ phận phụ trách thương hiệu ban đầu. Ngược lại, tách doanh nghiệp thường được áp dụng khi doanh nghiệp muốn tách một bộ phận cụ thể để tập trung phát triển một lĩnh vực kinh doanh mới mà không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Hoặc ví dụ điển hình là tập đoàn Vingroup đã áp dụng phương thức tách doanh nghiệp đối với Công ty con là Công ty Cổ phần Vinpearl và thành lập công ty mới là Công ty Ngọc Việt để phù hợp với chủ trương hoạt động của doanh nghiệp và định hướng của tập đoàn này. Việc tách doanh nghiệp giúp các công ty sau khi bị tách có thể phát triển độc lập.
Luật Doanh nghiệp 2020 tại Điều 198 và Điều 199 quy định chi tiết về quy trình chia và tách doanh nghiệp. Đối với chia doanh nghiệp, các cổ đông hoặc thành viên của công ty bị chia phải thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty cũng như các quyết định nội bộ đối với công ty mới, sau đó tiến hành đăng ký thành lập các công ty này. Trong khi đó, việc tách doanh nghiệp đòi hỏi sự thỏa thuận giữa các bên liên quan về việc phân chia tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa công ty bị tách và công ty mới trong các nghị quyết, quyết định của công ty bị tách. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý một trong những thách thức lớn khi thực hiện chia hoặc tách doanh nghiệp là rủi ro tài chính liên quan đến các nghĩa vụ tài chính và thuế. Việc chia doanh nghiệp có thể dẫn đến gia tăng chi phí hành chính và thuế do các công ty mới phải tuân thủ các quy định về thuế và pháp luật hiện hành. Đặc biệt, khi chia công ty mà chưa hoàn thành thanh toán các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính liên quan, các công ty mới có thể phải đối mặt với rủi ro về kiện tụng và chi phí giải quyết tranh chấp kèm theo. Đối với tách doanh nghiệp, mặc dù công ty ban đầu vẫn tồn tại nhưng sự liên đới trách nhiệm về tài chính giữa công ty ban đầu và công ty mới có thể gây ra những áp lực tài chính lớn, đặc biệt nếu doanh nghiệp mới hoạt động không hiệu quả hoặc gặp khó khăn về tài chính.
Khi xem xét quy định về việc chia doanh nghiệp, một vấn đề quan trọng được đặt ra là khả năng gián đoạn quá trình chia tách doanh nghiệp do yêu cầu phải có thỏa thuận giữa các công ty mới và chủ nợ của công ty bị chia trong việc kế thừa nghĩa vụ thanh toán. Ở góc độ của chủ nợ, việc chia doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại của công ty ban đầu dễ dẫn chủ nợ e ngại về việc trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của các công ty mới dù đã được ghi nhận công khai tại Nghị quyết chia doanh nghiệp. Song, xét góc độ doanh nghiệp nếu không có sự thống nhất giữa các bên, việc trì hoãn tiến trình chia doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, trước nỗi lo ngại về việc chia công ty nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, chủ nợ hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với công ty bị chia trước khi công ty này hoàn tất thủ tục chia công ty. Do đó, cần lưu ý rằng phương án thực hiện nghĩa vụ đối với chủ nợ của công ty ban đầu và sự chấp thuận của các chủ nợ là điều kiện quan trọng trong quá trình chia doanh nghiệp. Chỉ khi các công ty mới và chủ nợ đạt được thỏa thuận rõ ràng, quá trình chia doanh nghiệp mới có thể diễn ra theo trình tự luật định.
Chia và tách doanh nghiệp là hai hình thức tái cấu trúc quan trọng nhưng tồn tại những khác biệt nhất định. Sự nhầm lẫn giữa hai hình thức này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về pháp lý và tài chính cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng về bản chất pháp lý của từng hình thức, xác định rõ mục tiêu và lựa chọn hình thức phù hợp. Để tránh rủi ro, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn là rất cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.