Bài 21: Để biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phát huy tác dụng đấu tranh với tội phạm tham nhũng…

(Pháp lý) - Đánh giá quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (quy định mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) là cần thiết trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên một số chuyên gia pháp luật hình sự cho rằng, để biện pháp này phát huy tác dụng, đi vào thực tế, thì cơ quan chức năng cần sớm có quy định rõ ràng về sự phối hợp của các bên liên quan và minh bạch hóa các quy trình áp dụng khi vụ án được đưa ra truy tố và xét xử.

Tạo ra “điểm khác biệt” khi xử lý tội phạm tham nhũng

Một chuyên gia pháp luật từng là thẩm phán nhận xét: qua thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, chúng tôi thấy tội phạm tham nhũng có những đặc điểm như đa số các trường hợp tham nhũng là phạm tội có tổ chức. Người phạm tội liên kết với nhau, lên kế hoạch cụ thể; có sự bàn bạc, thống nhất, có sự phân công nhiệm vụ theo từng vị trí chức vụ mà người phạm tội đảm nhận; việc phạm tội có sự chuẩn bị kỹ càng; phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như che dấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt. Người phạm tội là người có chức vụ, có trình độ chuyên môn cao, có mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp rộng rãi.

Khi còn là Viện trưởng VKSNDTC, ông Nguyễn Hòa Bình (nay là Chánh án TANDTC) đã nhận định: áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là cần thiết đối với loại tội phạm tham nhũng
Khi còn là Viện trưởng VKSNDTC, ông Nguyễn Hòa Bình (nay là Chánh án TANDTC) đã nhận định: áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là cần thiết đối với loại tội phạm tham nhũng)

Chúng ta có đường lối chung là xử lý nghiêm khắc người lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội; yếu tố lợi dụng chức vụ quyền hạn là yếu tố định tội, định khung tăng nặng hoặc là tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của nhiều tội phạm; đồng thời, chế tài các tội phạm về tham nhũng cũng được quy định nghiêm khắc hơn so với các tội phạm khác; Thực tiễn cho thấy, hậu quả của tội phạm tham nhũng rất nghiêm trọng về vật chất cũng như phi vật chất. Tội phạm tham nhũng làm cho một lượng rất lớn tài sản bị chiếm đoạt hoặc thất thoát. Vì vậy, cùng với chính sách xử lý chung, việc xử lý tội phạm tham nhũng cần hướng tới một mục đích rất quan trọng là thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát đó…

Chính vì những đặc trưng riêng của loại tội phạm trên, nên tôi cho rằng phải có các thủ tục tố tụng (luật hình thức) tương ứng đảm bảo xử lý hiệu quả loại tội phạm này. Ngày 1/1/2018, BLTTHS 2015 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, theo đó, Bộ luật có bổ sung một quy định mới, quy định về các cuộc điện thoại, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ trong giải quyết các vụ án. Đặc biệt, Bộ luật bổ sung quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, quy định tại chương XVI gồm 06 điều (từ Điều 223 đến Điều 228). Điều đáng nói là phạm vi áp dụng các biện pháp điều tra này được áp dụng để đấu tranh với tội phạm tham nhũng.

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tạo cơ sở pháp lý thực thi những cam kết về luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức; mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm tố tụng hình sự của các nước.

Thực tế tố tụng nhiều vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã sử dụng biện pháp tố tụng đặc biệt, nhưng chứng cứ sau đó được chuyển hóa (trong ảnh là bị cáo Giang Kim Đạt. CQĐT chứng minh Đạt đã tham ô hàng trăm tỷ đồng  tại Vinashin)
Thực tế tố tụng nhiều vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã sử dụng biện pháp tố tụng đặc biệt, nhưng chứng cứ sau đó được chuyển hóa (trong ảnh là bị cáo Giang Kim Đạt. CQĐT chứng minh Đạt đã tham ô hàng trăm tỷ đồng tại Vinashin))

Trước đây, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tuy được đề cập trong một số luật như Luật Công an nhân dân, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật An ninh quốc gia…, nhưng chỉ quy định chung chung mà chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm tiến hành, thông tin, tài liệu thu thập chưa được xem là nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với việc bổ sung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập thông tin, tài liệu, bổ sung nguồn chứng cứ quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định đối tượng phạm tội và đồng bọn, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, truy nguyên tài sản bị tội phạm chiếm đoạt… trong điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Về mặt thực tiễn, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có ý nghĩa tạo ra sự khác biệt, có thủ tục riêng hoặc đặc biệt trong giải quyết các vụ án tham nhũng. Các biện pháp, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định chung. Nhất là, trong điều tra vụ án tham nhũng, BLTTHS quy định biện pháp hoặc thủ tục đặc biệt nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, điều tra loại tội phạm nghiêm trọng và phức tạp này…

Để biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phát huy tác dụng trong thực tế đấu tranh chống tham nhũng

BLTTHS 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với tội phạm tham nhũng
BLTTHS 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với tội phạm tham nhũng)

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng ở những địa vị tố tụng khác nhau sẽ có những nhìn nhận khác nhau về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ quan điều tra, truy tố cho rằng: Trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây, các cơ quan trên đã sử dụng những chứng cứ này, vì Luật không quy định nên phải chuyển hóa chứng cứ đó khiến người phạm tội phải tâm phục khẩu phục.

Tuy nhiên là Luật sư bào chữa thì tôi cho rằng, để đảm bảo những yêu cầu về chứng cứ (chứng cứ phải khách quan, thu thập hợp pháp, có liên quan đến các chứng cứ khác hay chính vụ việc) thì cần thiết phải minh định quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi vụ án đã được điều tra xong. Bên gỡ tội (gồm Luật sư, bị can, bị cáo) cần được biết biện pháp đó đã được áp dụng từ khi nào, quyết định do ai phê chuẩn, thời gian áp dụng… để biết nó có đúng với các quy định trong tố tụng hình sự hay không?

Trên thực tế, khi tiến hành xét xử một số vụ đại án gần đây, nhiều luật sư có đề cập và yêu cầu mời đại diện cơ quan điều tra, điều tra viên xuất hiện tại phiên tòa để trả lời về quá trình thu thập các chứng cứ chứng minh tội phạm. Đây cũng là một điểm mới trong quy định của BLTTHS 2015. Thiết nghĩ, đề nghị chính đáng này của Luật sư cần được HĐXX chấp nhận. Khi biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng thì đề nghị của luật sư liên quan đến việc làm rõ phương thức thu thập chứng cứ cũng cần được lưu tâm. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quá trình thu thập chứng cứ bằng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là đúng luật, đúng trình tự và không vi phạm quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đòi hỏi phải chặt chẽ và tiến hành cấp bách, tuy nhiên trong Bộ luật lại chưa quy định trong khoảng thời gian bao lâu thì quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn để thi hành. Quy định cụ thể về thời gian phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra ra quyết định. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, để đảm bảo tính khẩn trương, cấp thiết trong thi hành quyết định có cần phải phê chuẩn nữa không hay có hiệu lực thi hành ngay sau khi ra quyết định.

Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có văn bản dưới luật quy định về trình tự phối hợp giữa các cơ quan áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời quy định trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Minh Minh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin