Bài 17: Xử lý thế nào mới có tác dụng răn đe???

11/10/2018 08:04

(Pháp lý) - Phải nói rằng, thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật của các quan chức liên quan đến quản lý đất đai, công sản là vô cùng lớn. Ở một số vụ án đã được khởi tố thì việc truy cứu tội phạm với tội danh nào cho phù hợp với thực tế và đủ sức răn đe các quan tham là điều khiến dư luận băn khoăn.

Một số tội danh cơ bản

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi năm 2017) chính thức có hiệu lực thi hành. Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng tài sản công sẽ bị xử lý.

Điều 222 của Bộ luật quy định, “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là quy định tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Điều 222 đã quy định rõ các mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

Theo các chuyên gia, nội dung quy định rất rõ, khi Bộ luật có hiệu lực thi hành là có thể áp dụng ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn.

image001

Liên quan đến hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng tài sản công, BLHS 2015 có quy định “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219). Điều luật được chia thành 04 khoản: Khoản 1 là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Khoản 2 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với các tình tiết định khung: “Vì vụ lợi”, “Có tổ chức”, “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, “Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”; khoản 3 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với tình tiết “gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên”; khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung. Về hình phạt: khoản 1 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Đáng chú ý, BLHS 2015 có quy định: “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 220). Vi phạm về đầu tư công được xác định là Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.”. Theo đó điều luật được chia thành 04 khoản: Khoản 1 là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Về hình phạt: khoản 1 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Đáng lưu ý, yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành các tội phạm trên mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội.

Với những hành vi vi phạm trên, nếu cơ quan tố tụng chứng minh các đối tượng vi phạm nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước, nhận các lợi ích vật chất… hay đủ các yếu tố cấu thành của tội phạm chức vụ thì người phạm tội mới có thể bị truy cứu các tội như Tội tham ô (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354 ); Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 355).

Xử lý thế nào để đủ sức răn đe?

Thạc sĩ Quách Đình Lực (nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Giảng viên Học viện Tư pháp) từng nhận xét, các quy định của BLHS 2015 đã bao quát đầy đủ thực tế để xử lý các vi phạm về quản lý tài sản công. Tuy nhiên băn khoăn của nhiều chuyên gia trong trao đổi với chúng tôi lại cho rằng, nhìn lại thực tế các vụ án kinh tế được đưa ra xét xử thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng rất ít đối tượng bị truy cứu, xét xử về hành vi tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình mà chủ yếu bị truy tố tội cố ý làm trái; vi phạm các quy định trong quản lý đất đai; vi phạm các quy định trong quản lý, sử dụng tài sản công; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng…với mức hình phạt cao nhất 20 năm tù hoặc chung thân.

Thời gian gần đây, nhiều quan chức đã bị bắt vì hành vi vi phạm quản lý đất đai, công sản (ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, nhiều quan chức đã bị bắt vì hành vi vi phạm quản lý đất đai, công sản (ảnh minh họa))

Phải chăng vấn đề là ở khâu tố tụng và chứng minh hành vi vi phạm?! TS. Đinh Thế Hưng từng chỉ ra nhiều cái khó khi chứng minh các hành vi phạm tội này. Cái khó thứ nhất là dưới góc độ tội phạm, họ – các đối tượng phạm tội thuộc nhóm tội kinh tế, chức vụ thường là những người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật. Khi phạm tội họ tính toán nhiều khả năng trong đó có khả năng để che dấu tội phạm.

Thứ hai, trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thường là vụ án lớn rất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai…còn gặp nhiều lúng túng. Pháp luật về sở hữu, tài sản chưa rõ ràng. Lấy ví dụ hiện nay chưa có cách tính toán tài sản nhà nước bị thiệt hại đối với một số tội như lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Tài sản công và tài sản tư chưa được minh định rõ ràng nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn nhà nước….. Thứ ba, việc minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, kê khai tài sản thiếu trung thực, việc kiểm tra, giám sát tài sản của công chức còn chưa chặt chẽ nên rất khó xác định tài sản của họ có phải là do từ việc tham nhũng mà có hay không…

Theo như lý giải của TS. Hưng thì dư luận phần nào cũng hiểu được cái khó của cơ quan tố tụng. Như vậy là các bị cáo (trước đó là quan chức) cố ý làm trái để “giúp” doanh nghiệp nhưng không có yếu tố vụ lợi để tham ô, nhận hối lộ, nên không thể xử lý họ tội danh tham ô, nhận hối lộ được. Điều này có phù hợp với thực tế khách quan? Làm gì có ai cố tình làm trái để tạo ra thuận lợi cho các đơn vị, công ty khác mà hoàn toàn vô tư, không vụ lợi? Dư luận khó mà tin được các quan tham vô tư, không có lợi lộc gì khi cố ý làm trái, cố ý vi phạm các quy định quản lý đất đai, công sản để giúp đỡ các doanh nghiệp??? Chỉ khi trả lời thỏa đáng câu hỏi này, chỉ khi điều tra không sót người, lọt tội, hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe các quan tham khác phải chùn tay không dám cố ý làm trái.

Phan Minh

 

Bạn đang đọc bài viết "Bài 17: Xử lý thế nào mới có tác dụng răn đe???" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin