(Pháp lý) - Vì sao lãnh đạo chính quyền các địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố khác lại dễ bề tiếp tay cho tư nhân thâu tóm trục lợi đất vàng? Câu hỏi này khá nhức nhối đối với người dân cả nước. Nếu không trả lời được câu hỏi này, để khắc phục thì vấn nạn này không thể ngăn chặn.
Cận cảnh Đà Nẵng
Như báo chí đã phản ánh, riêng năm 2017, Bộ Công an xác định có ít nhất 9 dự án, nhà công sản được UBND TP Đà Nẵng bán cho các công ty có cổ phần của Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm".
Đơn cử vụ lô đất và nhà ở số 100 Bạch Đằng trước đây thuộc sở hữu Nhà nước. Chính quyền Đà Nẵng cho Công ty Cổ phần du lịch Đà Nẵng (khi đó ông Nguyễn Công Lang làm Giám đốc) thuê tài sản này. Năm 2009, Công ty quản lý nhà Đà Nẵng có văn bản kiến nghị UBND TP Đà Nẵng bán tài sản trên cho Công ty Cổ phần du lịch Đà Nẵng và được lãnh đạo địa phương đồng ý.
Tháng 10/2009, UBND TP Đà Nẵng (khi đó ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND TP) giao Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan áp dụng hệ số sinh lời của lô đất và nhà ở số 100 Bạch Đằng là 1,5.
Khoảng nửa tháng sau, Công ty Cổ phần du lịch Đà Nẵng có văn bản xin giảm hệ số sinh lời của khu đất và nhà từ 1,5 xuống 1,3 và được UBND TP Đà Nẵng đồng ý. Tháng 11/2009, UBND TP Đà Nẵng bán tài sản với diện tích sử dụng 246,03m2, diện tích đất là 113,42 m2 này cho Công ty cổ phần du lịch với giá 2,2 tỷ đồng.
Công ty Quản lý nhà và Công ty CP Du lịch Đà Nẵng ký hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đối với nhà đất này tháng 2/2010, thì đến tháng 3/2010, nhà và đất số 100 Bạch Đằng tiếp tục được chuyển nhượng dưới sự cho phép của UBND TP cho ông Ngô Áng Hùng - anh rể của Vũ “nhôm”.
Hay lô đất 37 Pasteur là tài sản công. Tháng 3/2008, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương chuyển quyền sử dụng đất này cho Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng, với giá hơn 19 tỷ đồng. Công ty cổ phần công nghệ phẩm có văn bản xin giảm hệ số sinh lời của lô đất từ 1,5 xuống 1,3. Ngày 15/9/2010, UBND TP Đà Nẵng đồng ý bán lô đất 37 Pasteur cho Công ty cổ phần công nghệ phẩm với giá gần 17 tỷ đồng. Một tháng sau, Công ty CP công nghệ phẩm có tờ trình xin đổi tên người nhận quyền sử dụng đất 37 Pasteur cho ông Phan Văn Anh Vũ đứng tên và được lãnh đạo Đà Nẵng đồng ý.
Tương tự, từ năm 2010 trở về trước, khu đất và nhà ở 57 Lê Duẩn có nguồn gốc là tài sản công. Tháng 10/2010, UBND TP Đà Nẵng cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng với giá hơn 62 tỷ đồng. Nếu công ty nộp đủ tiền 1 lần sẽ được giảm giá 10%. Tháng 5/2011, Công ty CP Công nghệ phẩm hoàn tất thủ tục mua nhà và đất tại 57 Lê Duẩn với giá hơn 56 tỷ đồng (đã giảm 10% tiền sử dụng đất). Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố năm 2013), việc UBND TP Đà Nẵng giảm giá 10% tiền sử dụng đất cho các tập thể, cá nhân là trái quy định của pháp luật.
Tháng 3/2008, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 106 Trần Phú (diện tích 118,5 m2) cho Công ty CP xuất nhập khẩu, với giá gần 4 tỷ đồng. Tháng 10/2008, Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng có văn bản xin chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở 106 Trần Phú cho Công ty CP Xây dựng 79 (do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT)…
Xin lưu ý, Đà Nẵng cũng chỉ là một trong rất nhiều đô thị lớn có đất vàng bị thâu tóm bằng những thủ đoạn tương tự.
Thâu tóm bằng cổ phần hóa
Có ý kiến nhận xét, tài sản đất đai chính là “lỗ hổng” của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) hiện nay. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết hiện nay khi cổ phần hóa các DNNN thường chỉ quan tâm đến bất động sản, vị trí đắc địa. Các DN trong nước khi đi mua cổ phần thì chỉ nhắm vào đất như trường hợp doanh nghiệp vận tải đường thủy mua lại Hãng Phim truyện quốc gia. Trong khi về bản chất, các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài lại không thực sự quan tâm nhiều đến yếu tố này.
Do đó, việc CPH DNNN nhiều trường hợp đã bị lợi dụng để mua bán đất đai, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất hơn là tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp sau CPH.
Trong một báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước trong CPH là xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi tiến hành CPH, quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đều phải tính vào giá trị doanh nghiệp. Khi chuyển đổi công năng thì quyền sử dụng đất phải xem xét, đấu giá công khai tránh làm thất thu ngân sách nhà nước.
Mới đây đã có kết luận thanh tra 60 dự án với tổng diện tích hơn 800.000 m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại. Qua đó cơ quan thanh tra đã xác định nhiều doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất, không đấu giá khi CPH, định giá thấp dưới 10 lần mức giá thị trường. Lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi, và bị các nhóm lợi ích trục lợi.
Từ vụ việc điển hình, CPH Hãng Phim truyện Việt Nam đã phần nào phơi bày những “góc khuất” trong quá trình CPH DNNN. Từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính là lạm quyền, bất chấp pháp luật
Nhìn lại những vụ thâu tóm đất vàng ở các địa phương những năm qua có thể thấy nguyên nhân chính là sự câu kết giữa doanh nghiệp và quan chức địa phương, bất chấp các quy định của pháp luật. Nếu không có sự câu kết này thì không thể có chuyện thâu tóm đất vàng dễ dàng bằng mức giá tuỳ tiện.
Pháp luật quy định buộc phải đấu giá công khai nhưng họ không tổ chức đấu giá. Theo điều tra ban đầu, Công ty CP Xây dựng 79 (của Phan Văn Anh Vũ) đã thông qua Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng để được mua nhà công sản theo giá chỉ định, không qua đấu giá là hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Tuy nhiên, các quan chức có trách nhiệm và doanh nghiệp đều hiểu rất rõ hành động trái quy định, bán rẻ, trốn thuế nhưng họ vẫn làm một cách có tổ chức.
Nguyên nhân tiếp theo là các cơ quan, các cá nhân có thẩm quyền chỉ đạo, kiểm tra, giám sát… cũng bị vô hiệu hóa, bị tê liệt trước những hành động thao túng tài sản công của một nhóm lợi ích.
Nguyên nhân gì dẫn đến các thiết chế giám sát, kiểm tra bị tê liệt để mặc thiệt hại cho ngân sách nhà nước và nguồn lợi vào túi doanh nghiệp? Vấn đề cần phải làm rõ nghi vấn của người dân là có nhiều doanh nghiệp thâu tóm đất vàng là “sân sau” của quan chức. Doanh nghiệp đứng ra mua nhưng người hưởng lợi có phải chỉ là doanh nghiệp đó hay còn những ai khác?
Nếu làm rõ được những “sân sau” này thì mới có thể chặt được vòi của tham nhũng. Xem ra không khó để chứng minh vấn đề này, nếu thật sự chống tham nhũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Có dư luận cho rằng, nhiều trường hợp không phải là “sân sau” thì doanh nghiệp phải “trả trước” phần lợi nhuận thu được từ “thương vụ” mờ ám này. Đây cũng là vấn đề nhức nhối cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.
Có đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, hiện nay nhiều vụ việc liên quan tới đất đai tại các địa phương đã được người dân nói, đã biết, lãnh đạo địa phương cũng biết nhưng việc xử lý còn rất chậm. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, giải pháp để thực hiện một cuộc tổng kiểm tra, thanh tra toàn bộ đất đai trên cả nước, đặc biệt là những khu đất vàng, những khu đô thị. Nếu không thì sẽ không thể giải quyết một cách căn cơ, đến nơi đến chốn vì các mối quan hệ dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ, lợi ích nhóm, cánh hẩu tại địa phương rất phức tạp. Quan trọng hơn, các cơ quan T.Ư từ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ khi đã phát hiện sai phạm thì cần có biện pháp xử lý quyết liệt, thậm chí truy tố theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị cho phép nghiên cứu sự cần thiết luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư và CPH DNNN; cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
Thái Đăng