Bài 12: Những việc cần làm ngay trong công tác cán bộ!

07/12/2018 14:21

(Pháp lý) - Thiết lập những chính sách, pháp luật chứa đựng giải pháp, cách thức để chọn lựa và có được cán bộ có đức, có tài; Xây dựng một Ủy ban có đủ sức mạnh để thực hiện giám sát quyền lực cán bộ; Sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và một số luật liên quan để ngăn ngừa và ngăn chặn cán bộ công chức bắt tay tư nhân tạo các nhóm lợi ích… Đó là những việc mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm ngay, theo ý kiến của một số Đại biểu QH khi trao đổi với PV Pháp lý.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ phải bị trừng trị nghiêm khắc bằng luật hình

Đảng ta xác định, công tác cán bộ là trọng tâm, then chốt. Cũng bởi vậy nên Đảng đã ban hành một hệ thống các văn bản chính sách quy định về công tác cán bộ. Đánh giá chung về hệ thống văn bản này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng : Đảng ta đã có những bước cố gắng, hoàn thiện nhiều quy định về công tác cán bộ. Gần đây nhất, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có thêm nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, về bổ nhiệm, giới thiệu, đề bạt, luân chuyển, đào tạo cán bộ khá chi tiết và cụ thể.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Lê Thanh Vân thì quy định về đánh giá cán bộ còn hình thức, thường chỉ chú trọng vào tiêu chuẩn mà chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể. Chỉ đưa ra yêu cầu nhưng lại chưa gắn với trách nhiệm pháp lý. Cụ thể, về đánh giá cán bộ khi bổ nhiệm, giới thiệu thì còn hình thức mà chưa căn cứ vào thực chứng công việc. Quy định chỉ đưa ra những tiêu chí có tính chất định tính (ví dụ như bằng cấp) trọng bằng cấp sẽ sinh ra việc mua bán bằng cấp. Hay giới hạn về tỉ lệ phiếu tín nhiệm, nó có thể sinh ra chạy phiếu, thỏa thuận ngầm, chi phối ngầm để đạt phiếu tín nhiệm. Nếu dựa trên những căn cứ trên, thì tiêu cực sẽ phát sinh, song hành cùng công tác cán bộ, trong khi mấu chốt của vấn đề là năng lực thực sự của cán bộ, uy tín, sự trong sạch, cán bộ làm việc hiệu quả thì lại chưa được coi trọng.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính sách pháp luật về cán bộ cần đưa ra được các giải pháp, cách thức tuyển chọn cán bộ tốt
ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính sách pháp luật về cán bộ cần đưa ra được các giải pháp, cách thức tuyển chọn cán bộ tốt)

Để công tác cán bộ của Đảng thực chất hơn, theo ĐBQH Lê Thanh Vân, phải đưa các giải pháp trong công tác cán bộ vào các quy định của Đảng. Ví dụ như trong vấn đề lựa chọn cán bộ, phải ưu tiên thi tuyển cán bộ. Qua thi tuyển có thể kiểm tra trình độ, năng lực của cán bộ qua các bài kiểm tra. Thông qua tranh tuyển (nhiều người có thể tranh tuyển vào một chức vụ), người tranh tuyển phải thuyết phục được tập thể, căn cứ vào năng lực, khả năng thuyết phục tập thể sẽ được chọn.

Hay vấn đề Đảng quy định về nêu gương nhưng chưa gắn đến trách nhiệm. Gần đây, từ thực tế của nhiều đại án ta thấy lỗ hổng trách nhiệm người đứng đầu rất rõ. Trong vụ án Cố ý làm trái các nguyên tắc quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng ở PVN thì một quan chức nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cũng thừa nhận là có những cái chưa rõ, chưa nắm vững đã quyết định. Như vậy rõ ràng là trình độ cán bộ chưa đủ để ở những vị trí đó. Tính gương mẫu, tính tiền phong của cán bộ phải gắn với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hay nhắc đến khái niệm “nhốt quyền lực trong lồng quy chế lập pháp”, đây là một phương châm, một tư tưởng cần phải chế định nó bằng pháp luật. Quyền lực bao gồm quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và phải chế định bằng pháp luật. Trong công tác cán bộ thì lồng quy chế lập pháp ở đây là các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền nhân dân; Và dưới Luật là các Nghị định quy định nhiệm vụ của Bộ, Ngành, các cơ quan của Chính phủ; các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội và các tổ chức nhà nước khác. Các văn bản về cán bộ là Luật Công chức; Luật Viên chức…

Theo đó, để có thể hạn chế lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ thì cần phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước với công tác nhân sự. Hiện nay, ở nhóm văn bản này, chỉ quy định mang tính quy trình.

Theo tôi, cần quy định rõ thủ tục trong việc xem xét nhân sự. Nhất là với tập thể, khi xem xét nhân sự cần qua các thủ tục nào?

Đặc biệt là trong các quy trình, thủ tục này cũng cần liên tục phải xem xét, cập nhật những thay đổi của thực tiễn và sửa đổi. Ví dụ: Ở Quốc hội mới chỉ quy định về xem xét bầu và phê chuẩn các chức danh. Tuy nhiên lại thiếu bước tạo ra cơ chế tranh cử. Mặc dù trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân đều có quy định việc giới thiệu nhân sự nhưng việc tạo điều kiện giới thiệu lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải coi việc giới thiệu nhân sự của Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND như một sáng kiến pháp luật. Sáng kiến đó phải được trình lên Quốc hội, HĐND để xem xét công khai. Phải công khai, dân chủ, minh bạch, thực chất thì sẽ chọn được nhân sự tốt.

Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, cần một Ủy ban độc lập để giám sát quyền lực, trong đó có quyền lực trong công tác cán bộ
Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, cần một Ủy ban độc lập để giám sát quyền lực, trong đó có quyền lực trong công tác cán bộ)

Nhấn mạnh trong một trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng phải có luật hình để trừng trị tham nhũng quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Theo đó hiện nay khi bổ nhiệm nhầm người, lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ mới chỉ bị trừng trị bằng kỉ luật đảng và biện pháp hành chính. Vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn. Tôi đã nhiều lần đề nghị, coi hành vi lạm dụng quyền lực là tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế và phải bổ sung tội “Lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ” vào Bộ luật Hình sự, nhưng rất tiếc đề nghị này của tôi chưa được lắng nghe.
Nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương: Giám sát quyền lực trong công tác cán bộ cấp thiết hơn bao giờ hết

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương cho rằng: Cho đến nay, tình trạng lạm dụng quyền lực, biến quyền lực thành ý chí cá nhân để trục lợi vẫn đang diễn ra. Những vụ án tham nhũng gần đây như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Vũ Nhôm… và những vụ án tới đây sẽ được đưa ra xét xử, thậm chí khởi tố điều tra sẽ là những minh chứng cụ thể và mới nhất cho điều đó. Mấy chục năm sau thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nội dung các văn kiện ấy cơ bản đều đúng nhưng tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, mua quan bán chức vẫn nhức nhối dư luận.

Theo ông Nguyễn Đình Hương, cần có một cơ quan đặc biệt chuyên giám sát quyền lực (thực hiện nhiệm vụ giám sát quyền lực nói chung và giám sát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ nói riêng). Ông Hương trăn trở: “Bắt đầu từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy dấu hiệu lạm dụng quyền lực trong Đảng, chính quyền, phổ biến từ các cấp, các ngành. Tuy nhiên, ở đất nước ta lại chưa có một cơ quan nào đủ mạnh để giám sát quyền lực của tất cả các cơ quan. Cơ quan giám sát có quyền lực còn hạn chế, Ủy ban kiểm tra lại chỉ làm khi có đơn tố cáo nên thấy rõ hạn chế của việc giám sát quyền lực thời gian qua”.

Cũng theo ông Hương, chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy, đã đến lúc phải có một cơ quan có thẩm quyền lớn thực thi nhiệm vụ này, do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân. Cơ quan này có nhiệm vụ: Một là, tiến hành các cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý đối với những quan chức cấp cao ở trung ương và địa phương khi họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức công vụ và những vụ việc gây bức xúc trong dư luận; khởi tố, điều tra và truy tố (hoặc chuyển viện kiểm sát truy tố) những đối tượng này trước tòa. Thứ hai, thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tổ chức, cá nhân, bất kể là ai, ở cương vị nào, trong hay ngoài Đảng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức công vụ đều phải bị điều tra.

Cũng bàn về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Trung ương đã khá linh hoạt, được tăng cường, tức là có thể kiểm tra ở mọi ngành, mọi cấp, tuy nhiên Ủy ban kiểm tra có nên có thêm thẩm quyền kỉ luật về mặt nhà nước hay không? Theo tôi đó là vấn đề cần xem xét kĩ lưỡng để phù hợp với mô hình và điều kiện Việt Nam. Trước đây có ý kiến cho rằng nên có cơ quan mang tính kỉ luật nhà nước, kiểm tra kỉ luật ở Quốc hội… Trong thực tế hiện nay, tình trạng lạm dụng quyền lực đến mức báo động nên yêu cầu chấn chỉnh bộ máy kỉ cương, kỉ luật, nâng cao uy tín sức mạnh của Đảng là cấp thiết. Theo tôi, cần cơ chế đặc biệt cho Ủy ban Kiểm tra để xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, để lấy lại uy tín của Đảng trước nhân dân.

Cựu ĐBQH Đỗ Văn Đương: Khẩn trương sửa luật để chặn “sân sau” của quan chức

Trước đây, trong một trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Đỗ Văn Đương đã chỉ rõ có hai quy định cấm cán bộ, công chức góp vốn vào doanh nghiệp: Cấm nhưng vẫn “tạo” kẽ hở? Theo đó, ông Đương phân tích bất cập mặc dù cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng để đảm bảo quyền làm giàu chính đáng của mọi công dân, Nhà nước ta vẫn cho phép họ góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp, Luật cán bộ công chức, Luật viên chức cho đến Luật PCTN mới chỉ có hai quy định cấm cán bộ, công chức góp vốn vào doanh nghiệp. Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, ngoại trừ hai trường hợp quy định cấm góp vốn tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 thì họ cũng có quyền góp vốn vào doanh nghiệp như mọi cán bộ, công chức, viên chức bình thường khác.

Theo đó, khoản 2 và khoản 4 Điều 37 quy định: Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Nghị định số 56/2015/NĐ-CP giải thích: Người đứng đầu là người được bầu cử, phê chuẩn để bổ nhiệm hoặc người được bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, được giao thẩm quyền trực tiếp quản lý, sử dụng, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức.

Theo ông Đỗ Văn Đương, lách quy định này, trên thực tế thường họ (cán bộ công chức) sẽ tránh, không góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước nữa, mà sẽ góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà mình thực hiện việc quản lý chung, quản lý gián tiếp thôi, nhưng thực tế, họ vẫn có quyền hạn, quyền lực để gây những ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp đó. Thậm chí là dùng quyền lực gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải chấp thuận cho vợ/chồng của họ góp vốn, mua cổ phần hoặc doanh nghiệp cũng muốn như vậy để được “núp bóng” ông quan cho nhàn hạ, dễ bề hoạt động, thu nhiều lợi nhuận.

Ông Đỗ Văn Đương cho rằng cần sửa luật để tránh xung đột lợi ích, ngăn ngừa và ngăn chặn cán bộ mưu đồ “lợi ích nhóm”.
Ông Đỗ Văn Đương cho rằng cần sửa luật để tránh xung đột lợi ích, ngăn ngừa và ngăn chặn cán bộ mưu đồ “lợi ích nhóm”.)

Trên thực tế có rất nhiều hình thức góp vốn biến tướng của quan chức. Ông Đương lấy ví dụ như các dự án của doanh nghiệp muốn được triển khai ở địa phương, vào được địa phương thì phải đi qua ông Bí thư tỉnh ủy, ông Chủ tịch tỉnh và doanh nghiệp sẵn sàng “tặng” một số cổ phần cho các quan chức này, hoặc người thân của họ, còn các ủy ban huyện, các sở chỉ là người thi hành nhưng khi quy chiếu trách nhiệm thì các sở, các ủy ban huyện lại là trách nhiệm trực tiếp, còn quan chức cấp trên thì chỉ là quản lý chung nên nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 2 Điều 37 của Luật PCTN.

Trường hợp thứ hai là luật xác định chủ thể bị cấm ở đây chỉ là “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó”, thì còn những cán bộ khác mặc dù không giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó cơ quan nhưng họ vẫn có chức vụ, quyền hạn nhất định (như các trưởng, phó phòng, ban…của cơ quan, đơn vị chẳng hạn) để tác động đến doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý của cơ quan họ. Thậm chí, những “cấp dưới có chức vụ, quyền hạn” này nhiều trường hợp còn là “cầu nối” cho các hành vi tham nhũng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, nếu luật cấm những người thân thích như vợ hoặc chồng của những người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu góp vốn thì họ có thể cho con, bố, mẹ, anh chị em, thậm chí là bạn bè đứng tên góp vốn vào doanh nghiệp. Và tất nhiên người đứng tên kia chỉ là hình thức, chỉ là ngụy trang, còn vấn đề vốn góp bao nhiêu, biên bản góp vốn như thế nào, giấy tờ về căn hộ nọ, biệt thự kia là do “tôi” quyết định, “tôi” nắm giữ và lợi nhuận “tôi” hưởng.

Tương tự như vậy, quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp” (khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng) cũng có thể bị “lách” theo các cách thức nói trên. Trước hết, chủ thể được quy định ở cả hai quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 37 nói trên còn quá hẹp, không bao quát hết các chủ thể cần phải cấm khi chỉ liệt kê: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của họ. Thứ hai, dùng từ “quản lý trực tiếp” để xác định phạm vi doanh nghiệp không được góp vốn vô hình chung đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của quy định ngăn cấm này trong Luật Phòng, chống tham nhũng đi rất nhiều.

Để khắc phục những kẽ hở trên, ông Đỗ Văn Đương cho rằng: Cần mở rộng đối tượng chủ thể bị cấm kết hợp mở rộng phạm vi doanh nghiệp mà cán bộ công chức không được góp vốn.. Ở cả hai quy định, cần cấm các chủ thể sau: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của những người đó.
Phạm vi doanh nghiệp mà những người này không được góp vốn hoặc không được cho người thân kinh doanh chỉ cần liên quan đến lĩnh vực mà họ quản lý, liên quan đến chức vụ, quyền hạn của họ chứ không nhất thiết phải hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà họ quản lý trực tiếp.

Ông Đương kì vọng, các nhà làm luật nên nghiên cứu sửa theo tinh thần trên, có như vậy mới xử lý được hiện tượng các Chủ tịch tỉnh, các Bí thư tỉnh ủy, các Bộ trưởng hay Thứ trưởng có những chỉ đạo “ngầm” thông qua hoạt động của doanh nghiệp mà họ (hoặc người thân của họ) góp vốn để có tài sản “khủng” cho dù các doanh nghiệp đó không thuộc quyền quản lý trực tiếp của họ.

Thu Nga – Phan Minh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Bài 12: Những việc cần làm ngay trong công tác cán bộ!" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin