Bài 11 - Xử lý hình sự tội phạm về môi trường: Bất cập từ quy định xử lý đến thi hành án

30/05/2019 06:38

(Pháp lý) - Hiện nay các quy định xử lý tội phạm về môi trường được thể chế trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… Bên cạnh những quy định tiến bộ, vẫn còn không ít những quy định bất cập, thiếu sót, khiến xử lý tội phạm về môi trường gặp khó khăn.

Nhiều quy định tiến bộ

Theo đó, tại Chương XIX, BLHS năm 2015 có nhiều quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường gồm: Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Điều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường; Điều 236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Điều 241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Điều 242. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; Điều 243. Tội huỷ hoại rừng; Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Điều 245. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Các tội phạm về môi trường quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 đã khắc phục một số hạn chế trong quy định về tội phạm môi trường tại Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) bằng việc quy định cụ thể các dấu hiệu định tội mang tính định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “diện tích lớn” trước đây đều được định lượng hóa cụ thể.
Đối với các tội phạm quy định cấu thành hình thức (tức là việc xử lý về hình sự sẽ căn cứ vào hành vi phạm tội, mà không cần phải đợi hậu quả của hành vi) thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự được quy định dựa trên cơ sở tham khảo quy định của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào tính hợp lý, khả thi của quy định.

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội liên quan đến môi trường. Việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hành lang pháp lý trong bảo vệ môi trường thời kỳ kinh tế Việt Nam hội nhập như hiện nay. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội về môi trường sẽ giúp nhân dân rất nhiều trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao khả năng tiếp cận công lý của người dân; Bởi vì trước đây khi chưa có quy định này trong Bộ luật Hình sự, dân muốn kiện pháp nhân ra Tòa án thì số tiền tạm ứng án phí để khởi kiện pháp nhân lớn (thậm chí rất lớn) và nhân dân gặp khó khăn trong việc chứng minh tội của pháp nhân và càng khó khăn hơn khi phải chứng minh thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, thì các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ phải làm rõ, chứng minh điều này. Việc xử lý hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp ích nhiều cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, đảm bảo phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội về cải cách tư pháp.

Xử lý hình sự những vi phạm về môi trường còn rất ít (trong ảnh: Phòng Cảnh sát Môi trường Thanh Hóa kiểm tra, xử lý cơ sở sơ chế nội tạng động vật vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường).
Xử lý hình sự những vi phạm về môi trường còn rất ít (trong ảnh: Phòng Cảnh sát Môi trường Thanh Hóa kiểm tra, xử lý cơ sở sơ chế nội tạng động vật vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường).)

Pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi phạm vào các tội quy định tại Điều 227; Điều 232; Điều 234; Điều 235; Điều 237; Điều 238; Điều 239; Điều 242; Điều 243; Điều 244; Điều 245; Điều 246. Theo đó, khoản 1 Điều 33 của Bộ Luật hình sự năm 2015 qui định các hình phạt có thể áp dụng với pháp nhân phạm tội gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Về biện pháp cưỡng chế, có 4 biện pháp cụ thể như sau: Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

Còn không ít quy định bất cập, có “kẽ hở”

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có chỉnh sửa về Tội gây ô nhiễm môi trường và quy định, chuyển tội này sang cấu thành hình thức tức là chỉ cần có hành vi nguy hiểm cho xã hội là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù vậy, tội này vẫn chỉ áp dụng với hành vi thải khí và bụi, mà chưa quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường về độ rung, tiếng ồn, mùi. Hơn nữa, theo quy định thì hành vi xả thải phải đạt một tải lượng nhất định thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quy định này gây khó ở chỗ việc xác định tải lượng này với môi trường không khí là không hề dễ dàng.

Theo quy định về việc phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây: Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm rất nghiêm trọng; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng... Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Căn cứ vào các quy định trên cho thấy, tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn.

Cùng với việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại vào Bộ luật hình sự thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đã bổ sung một chương riêng để quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại. Tuy nhiên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc, theo đó, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Vướng thi hành án với pháp nhân thương mại

Hiện nay, đã quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội nói chung và pháp nhân thương mại phạm tội môi trường nói riêng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội về môi trường còn hạn chế. Các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với pháp nhân thương mại về các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra thì trình tự và thủ tục thực hiện như thế nào? Mỗi hình phạt, biện pháp tư pháp đòi hỏi phải có trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế thích hợp mà chưa có luật định cụ thể.

Việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại vẫn còn chưa được quy định cụ thể.
Việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại vẫn còn chưa được quy định cụ thể.)

Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành sửa Luật Thi hành án hình sự. Một trong những quy định đang được thảo luận là liên quan đến việc thi hành hình phạt khác và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Có ý kiến cho rằng, Luật sẽ quy định bổ sung một số nguyên tắc cơ bản trong cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, quy định một số nội dung về các biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành.

Các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, khi xử lý pháp nhân thương mại phạm tội về môi trường cần bảo đảm nguyên tắc cấm lợi dụng giải thể, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh mới…để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Trên cơ sở nguyên tắc đó, văn bản hướng dẫn của Chính phủ sẽ quy định các nội dung cụ thể, trong đó có yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải ghi chú vào cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang chấp hành án và kiểm tra hết sức thận trọng khi có yêu cầu giải thể, chia tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức kinh doanh, đăng ký kinh doanh…

Đồng thời, thi hành án đối với pháp nhân phạm tội về môi trường cũng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong xem xét hồ sơ và trách nhiệm của cơ quan thi hành án, cơ quan tòa án trong việc kết nối cung cấp thông tin về bản án, thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Bài 11 - Xử lý hình sự tội phạm về môi trường: Bất cập từ quy định xử lý đến thi hành án" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin