Australia: Giám đốc Công ty công nghệ sẽ bị phạt tù nếu không gỡ bỏ “khẩn trương” các video có nội dung bạo lực

(Pháp lý) - Quốc hội Australia mới đây đã thông qua luật cấm video có nội dung bạo lực, ghê rợn trên mạng xã hội. Theo đó, các Giám đốc công ty công nghệ sẽ phải ngồi tù nếu nền tảng mạng xã hội của họ lưu trữ và lan truyền nội dung video bạo lực.

 Tòa nhà Quốc hội Australia tại Canberra. (Ảnh: AFP)
Tòa nhà Quốc hội Australia tại Canberra. (Ảnh: AFP))

Động thái quyết liệt và cần thiết

Ngày 4/4, Quốc hội Australia đã thông qua Luật Chống chia sẻ nội dung bạo lực ghê rợn. Luật này được đưa ra sau khi nhiều hãng công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter thất bại trong việc xóa video live stream vụ thảm sát kinh hoàng ở New Zealand.

Trước đó ngày 15/3, một vụ thảm sát kinh hoàng nhất đã xảy ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand. Không chỉ cướp đi sinh mạng của 50 người, mà vụ thảm sát còn gây chấn động quốc gia được đánh giá rất yên bình. Nghi can chính là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi theo chủ nghĩa da trắng, đã phát trực tiếp vụ xả súng trên Facebook trong 17 phút. Video bạo lực này đã được chia sẻ rộng rãi hơn 1h trước khi bị xóa. Việc đoạn video ghi lại toàn cảnh vụ tấn công được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay Youtube, cũng như lan truyền trong các "ngóc ngách" khác trên Internet đã khiến các công ty công nghệ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch. Thủ tướng Úc Scott Morrison cáo buộc Facebook đã quá chậm trễ trong việc xóa video khủng bố này, ông cho rằng điều này là không thể chấp nhận được.

Theo Luật Chống chia sẻ nội dung bạo lực ghê rợn mới được thông qua, những công ty như Facebook hay Alphabet’s Google (chủ sở hữu kênh chia sẻ video trực tuyến Youtube) sẽ phải đối mặt với pháp luật nếu như không gỡ ngay lập tức các video hoặc ảnh trong đó có nội dung liên quan đến giết người, tra tấn, bắt cóc hay cưỡng hiếp. Các công ty này cũng phải thông báo nội dung xấu cho cảnh sát trong khung thời gian hợp lý.

Các hãng công nghệ lớn có thể phải đối mặt với hình phạt tù nếu không gỡ bỏ khẩn trương các video có nội dung bạo lực
Các hãng công nghệ lớn có thể phải đối mặt với hình phạt tù nếu không gỡ bỏ khẩn trương các video có nội dung bạo lực)

Luật còn quy định những hình phạt nghiêm khắc để răn đe các hành vi vi phạm. Cụ thể, mức phạt đối với các công ty có thể lên đến 10,5 triệu USD hoặc 10% doanh thu hàng năm, trong khi mức phạt đối với cá nhân "cung cấp dịch vụ máy chủ" có thể lên đến 3 năm tù giam hoặc 2,1 triệu USD, hoặc kết hợp cả hai, nếu nội dung bạo lực không được gỡ bỏ “khẩn trương”.

Ngoài ra theo luật, Cao ủy An toàn Điện tử Australia có quyền đưa ra thông báo về nội dung bạo lực đến doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp loại bỏ chúng khỏi nền tảng.

Chính phủ Australia hiện đã thành lập lực lượng đặc nhiệm, bao gồm đại diện các doanh nghiệp công nghệ để xem xét biện pháp thích hợp đối với các bài đăng và tài liệu khủng bố lan truyền trên internet.

Dư luận trái chiều?

Ngay sau khi đạo luật này được đưa ra, các “ông lớn công nghệ” đã bày tỏ thái độ ủng hộ luật mới. “Chúng tôi quyết không khoan nhượng với những nội dung mang tính bạo lực, khủng bố trên nền tảng của mình”, phát ngôn viên của Google trong một tuyên bố gửi Chính phủ qua email. Phát ngôn viên của Facebook cũng bình luận rằng: “Chúng tôi cam kết dẫn đầu trong việc phát triển các công nghệ để xác định và loại bỏ các nội dung khủng bố kịp thời”.

Còn trên chính trường Australia, mặc dù Công đảng đối lập ủng hộ thông qua luật nhưng cho biết sẽ tham khảo ý kiến ngành công nghệ về các sửa đổi luật trong tương lai nếu họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Dự kiến, các nghị sĩ mới được bầu sẽ bắt đầu làm việc không sớm hơn tháng 7.

Cũng có một số ý kiến băn khoăn, trong đó có người đứng đầu Hội đồng Luật Australia Arthur Moses, Chính phủ đã trình dự luật quá nhanh mà chưa tham khảo hay bỏ thời gian xem xét thích hợp. Điều đó có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp kỹ thuật số Sunita Bose phân tích, việc công bố các biện pháp răn đe như bỏ tù lãnh đạo các công ty mạng xã hội là không thích hợp đối với một nền dân chủ như Australia; đồng thời không giúp giải quyết vấn đề. Hơn nữa, chuyên gia an ninh mạng Nigel Phair của Đại học New South Wales còn bày tỏ hoài nghi về khả năng áp đặt án phạt tù trong trường hợp này, bởi luật chỉ có thể áp dụng với Ban Giám đốc tại Australia chứ không phải với những nhân vật chịu trách nhiệm duy trì và điều hành nền tảng công nghệ ở nơi khác.

Kim Oanh (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin