Áp dụng thuế carbon rộng rãi và một số khuyến nghị khi vận dụng ở Việt Nam

(Pháp Lý) - Chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại nhiều quốc gia, với các loại thuế như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế carbon… Việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng tính thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu với phạm vi rộng từ năm 2023 dự báo sẽ gây những khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU... Vậy đặt ra những khuyến nghị nào khi vận dụng chính sách thuế này ở VN ?
1-1663228710.jpg
 

Áp dụng thuế biên giới carbon rộng rãi

Thuế carbon là một loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu, do các nguyên tử carbon khi đốt cháy tạo ra khí CO2, là một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thuế carbon có mục đích định giá phát thải, ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó.

Thuế carbon có tác động làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính. Ngoài ra, nếu được áp dụng trong một giai đoạn dài, thuế carbon có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các quốc gia. Hầu hết các nước Đông Á có thể tăng thu ngân sách thêm 0,5 - 2% GDP vào năm 2020 nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2 . Nguồn thu ngân sách này đặc biệt cao hơn ở các nước đang phát triển do lượng phát thải so với GDP cao. Nếu Trung Quốc áp dụng thuế carbon ở mức 20 USD/tấn CO2 thì nước này có thể tạo ra nguồn thu lên tới 2,5% GDP vào năm 2020. Chính phủ các nước có thể sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, hoặc thực hiện các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu.   

Ireland bắt đầu áp dụng thuế carbon từ năm 2010 cho tất cả lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực phi thương mại như nông nghiệp, giao thông, nhiệt trong các tòa nhà, chất thải… Mức thuế suất tăng từ 15 EUR (17 USD)/tấn vào năm 2010 và 2011 lên 20 EUR (23 USD)/tấn từ năm 2012.

Ở Pháp, thuế carbon có hiệu lực vào ngày 01/4/2014, với mức thuế suất là 7 EUR (8 USD)/tấn CO2, tăng lên 24 EUR (27 USD)/tấn vào năm 2016. Ngày 22/7/2015, Pháp chính thức thông qua Luật Năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh, bổ sung mức thuế carbon cho năm 2020 và 2030 lần lượt là 56 EUR (62 USD)/tấn vào và 100 EUR/tấn (110 USD/tấn).

Anh áp dụng thuế carbon từ năm 2013, với mức thuế suất 4,94 GBP (7 USD)/tấn CO2, tăng lên 18,08 GBP (26 USD)/tấn CO2 vào tháng 01/2015. Đến năm 2016 - 2017 và 2017 - 2018, mức thuế tăng lên lần lượt là 21,2 GBP (30 USD) và 24,62 GBP (35 USD) mỗi tấn CO2.  Tại Úc, thuế carbon được áp dụng từ ngày 01/7/2012 và duy trì ở mức thuế suất 26 USD/tấn CO2.

Năm 2016, số lượng các quốc gia áp dụng công cụ thuế carbon để giảm thiểu khí thải nhà kính tăng gấp khoảng 2 lần, từ 20 nước lên tới gần 40 nước, so với năm 2012. Lượng khí thải bị định giá carbon khoảng 7 tỷ tấn/năm, chiếm 12% tổng lượng phát thải toàn cầu. Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia có khối lượng khí thải định giá carbon lớn nhất thế giới, ở các mức lần lượt là 1 tỷ tấn và 0,5 tỷ tấn. Đối tượng chịu thuế chủ yếu là nhiên liệu động cơ như xăng, dầu, methanol, naphtha, butan; khí hóa lỏng; nhiên liệu đốt như than bùn, than đá… Mức thuế suất thuế carbon dao động trong khoảng 1 - 130 USD/tấn CO2.

Gần đây nhất , Thái Lan áp thuế carbon từ ngày 12/9, Cục Thuế Thái Lan đang nghiên cứu các biện pháp để đánh thuế carbon đối với hàng hóa và dịch vụ thải ra lượng lớn khí carbon trong bối cảnh một số quốc gia khác đã bắt đầu áp dụng việc thu thuế này. Theo đó, cơ quan thuế sẽ đưa ra các biện pháp và mức thuế rõ ràng đối với sản phẩm liên quan đến việc phát thải khí carbon (CO2) trong quá trình sản xuất.

Vừa qua, Nghị viện EU đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon. Theo đề xuất, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này sẽ tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống cuối cùng được áp dụng vào năm 2026. Cơ chế này của EU ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón và điện. Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

2-1663228694.jpg
 

Ngoài mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon trên toàn cầu, việc EU dự định áp thuế carbon là do các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU

Những mặt hàng chịu tác động mạnh từ thuế cacbon

Các sản phẩm chủ yếu sẽ bị đánh thuế carbon như thép, xi măng, dầu mỏ, than đá, các sản phẩm từ khai khoáng, đá xây dựng, giấy, các loại hàng hóa khác và tổng số thuế mà hàng hóa nhập khẩu phải gánh chịu phụ thuộc vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất các hàng hóa trên.  Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS) căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Tác động của thuế biên giới carbon đến kinh tế và ngoại thương của Việt Nam

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2020 thì chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chịu thuế biên giới carbon tại EU như: Dệt may (3,07 tỷ USD), thép (494,406 triệu USD), sản phẩm từ chất dẻo (458,1 triệu USD), than đá (122 nghìn USD), các sản phẩm hóa chất (15,99 triệu USD), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (60,2 triệu USD), giấy và các sản phẩm từ giấy (4,76 triệu USD). Trong đó, thép là hàng hóa có khả năng chịu thuế carbon cao nhất vì ở Việt Nam sử dụng nhiên liệu đầu vào như than để sản xuất thép. Theo ước tính của Bộ Công thương, để sản xuất 10 triệu tấn thép hằng năm sẽ tạo ra 21 triệu tấn khí thải carbon và lượng xả thải carbon từ sản xuất thép sẽ chiếm khoảng 17% tổng lượng xả thải carbon quốc gia đến năm 2025. Các mặt hàng khác như dầu mỏ, khoáng sản, xi măng thì Việt Nam gần như không xuất khẩu hoặc xuất khẩu rất ít sang EU.

Việt Nam dù không nằm trong danh sách top 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, nhưng EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xét trong ngắn hạn, việc EU áp dụng thuế biên giới carbon đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khiến GDP của Việt Nam thấp hơn bởi vì xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khá cao khi ở mức khoảng 10% GDP hằng năm của quốc gia và đồng thời các nhà sản xuất tại các nước phát triển sẽ giảm đầu tư tại Việt Nam khi các hàng hóa xuất khẩu của họ vào EU bị áp thuế biên giới carbon.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng mạnh. Đáng chú ý, các mặt hàng đang có lợi thế của Việt Nam và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người dân như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may, da giầy... có sức tăng ngoạn mục. Mặc dù tới đây EU mới chỉ áp thuế carbon với các mặt hàng công nghiệp như xi măng, luyện kim, sắt thép, giấy, thủy tinh... nhưng khả năng các mặt hàng nông nghiệp phải chịu thuế cũng không loại trừ.

Trong trường hợp đề xuất đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu của EU có hiệu lực thi hành thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này bị ảnh hưởng khá lớn vì Việt Nam mặc dù đã áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với 8 mặt hàng, nhưng lại chưa áp dụng thuế xả thải carbon và quy chuẩn về xả khí thải của Việt Nam thấp hơn EU. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ bị đánh thuế cao như dệt may, thép, chất dẻo.

Có hai khả năng về chính sách thuế biên giới carbon áp dụng với hàng hóa Việt Nam: (i) EU sẽ đưa ra một mức thuế chung đối với từng lĩnh vực nhập khẩu của Việt Nam vào khu vực; (ii) Hàng hóa Việt Nam sẽ chịu thuế suất carbon khác nhau khi nhập khẩu vào các nước thành viên EU qua sự so sánh giữa tiêu chuẩn xả thải carbon tại mỗi nước thuộc EU và Việt Nam. Chẳng hạn, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước như Thụy Sỹ, Thụy Điển có thể sẽ bị áp dụng thuế biên giới carbon cao hơn nhiều so với hàng hóa xuất khẩu đến Ukraina, Ba Lan.

Một số khuyến nghị khi vận dụng ở Việt Nam

Nghiên cứu áp dụng thuế biên giới carbon tại Việt Nam nhằm mang lại các lợi ích như: (i) Giúp tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu áp dụng các công nghệ lạc hậu vào sản xuất, nhất là trong các ngành hóa dầu, hóa chất, thép, than, nhiệt điện...; (ii) Tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và nguồn tăng thu được xem là nguồn lực quan trọng để chi ngân sách cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hằng năm; (iii) Việc áp thuế biên giới carbon cũng nâng cao tiêu chuẩn về giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất tại Việt Nam và đây là căn cứ để đàm phán thương mại về thuế suất carbon đối với hàng hóa nhập khẩu mà EU dự định áp dụng; (iv) Giảm thiểu sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển sang nước đang phát triển như Việt Nam. Thực tế, EU áp dụng thuế quan về thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu khi Việt Nam không tiến hành đánh thuế carbon nội địa, với các hàng hóa sản xuất trong nước thì sẽ chịu thuế carbon khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế biên giới carbon cần có lộ trình và có thể chưa áp dụng ngay sau khi EU áp thuế biên giới carbon vào năm 2026 do áp dụng thuế biên giới carbon cũng mang lại một số bất lợi đối với kinh tế Việt Nam như: (i) Giảm thiểu cạnh tranh thương mại của các hàng hóa Việt Nam do giá sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng; (ii) Tăng khả năng cạnh tranh của các hàng hóa EU vào Việt Nam do giá hàng hóa nội địa gia tăng khi áp thuế biên giới carbon.

Một giải pháp khác thay thế việc áp dụng thuế biên giới carbon trong nước là khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Chính phủ có thể ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng hay các chính sách khác cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch hơn. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.

Trước vấn đề này, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước cần có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU. Bởi xu hướng hiện nay trên thế giới là các nước phát triển tăng cường sử dụng các năng lượng sạch thay thế các năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất hoặc là sẽ di chuyển các nhà máy sản xuất thải lượng lớn khí carbon sang các nước đang phát triển như các nhà máy sản xuất thép, hóa chất...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang các lĩnh vực năng lượng sạch hơn cho quá trình sản xuất có thể sẽ khiến chi phí sản xuất các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tăng lên, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của các hàng hóa sản xuất trong nước tại thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu, đồng thời, giá cả tiêu dùng các mặt hàng tăng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân, nhất là những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin