Thực hiện tiến trình cải cách tư pháp của Nhà nước Việt Nam, Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải sớm nghiên cứu để sử dụng án lệ trong hoạt động xét xử.
[caption id="attachment_150263" align="aligncenter" width="410"]
Sáng 15.9, Tòa gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án "cướp giật tài sản" đối với 2 bị cáo Ôn Thành Tân, Nguyễn Hoàng Tuấn[/caption]
Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định: “Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm...”.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, TANDTC đã tiến hành nhiều Hội thảo khoa học trong và ngoài phạm vi hệ thống Tòa án về các nội dung liên quan đến án lệ.
Tại quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31.10.2012, đề án “Phát triển án lệ của TANDTC” chính thức được phê duyệt. Lần đầu tiên trong Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ lựa chọn quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử.
Với quyết tâm chính trị của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, với sự góp ý tích cực của Hội đồng tư vấn án lệ và các nhà khoa học pháp lý cũng như các Thẩm phán trực tiếp xét xử, ngày 6.4.2016 vừa qua, TANDTC đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-TANDTC cùng với việc công bố 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam. Đây có thể xem như một dấu mốc khá quan trọng của tiến trình cải cách tư pháp nước nhà.
Theo PGS - TS Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TANDTC, ở nhiều quốc gia có áp dụng án lệ (kể cả những quốc gia theo truyền thống thông luật (Common Law) và những quốc gia theo truyền thống Luật dân sự (Civil Law) thì đều có chung nhận thức án lệ là những phán quyết của Tòa án về một vụ việc cụ thể, có giá trị tạo lập những quy tắc hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai. Khi một bản án được xác định là án lệ thì không phải toàn bộ nội dung của bản án đó bắt buộc phải tuân theo trong xét xử mà chỉ những nội dung chứa đựng những lập luận để giải thích về những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra những quy tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc là lý do để Tòa án đưa ra phán quyết mới có giá trị áp dụng để giải quyết những vụ án tương tự trong tương lai nhằm đảm bảo nguyên tắc các vụ án giống nhau phải được xét xử và phán quyết như nhau.
Bên cạnh đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh rằng: “Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cộng đồng xã hội”.
Tôi cảm nhận khá rõ, với vai trò của người đứng đầu hệ thống Tòa án Việt Nam, thành viên của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ, sau nhiều năm kinh qua các trọng trách ở cả ba cơ quan tố tụng TƯ, hơn ai hết, ông Nguyễn Hòa Bình hiểu những gì cần làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn, sao cho các bản án xét xử của Tòa án đảm bảo đúng pháp luật, minh bạch, thống nhất, đáp ứng mong mỏi của người dân về một xã hội công bằng và thượng tôn pháp luật.
Tôi là người ngoại đạo 100% nên gặp không ít khó khăn khi tìm hiểu về các khái niệm án lệ của các quốc gia trên thế giới. Khi nghiên cứu các tài liệu của TANDTC về án lệ và ý kiến của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, tôi hiểu rõ ràng hơn về khái niệm án lệ và giá trị sử dụng án lệ tại Tòa án Việt Nam hiện nay. Giá như trong vụ án người chưa thành niên sau khi vào quán net chơi thấy đói bụng, sau đó đến tạp hóa giả đò mua 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối, 3 bịch me trộn đường (nếu quy ra tiền, gói đồ ăn đó có giá chỉ 45.000 đồng) rồi cướp ở TP.HCM mà Hội đồng xét xử phúc thẩm đã miễn trách nhiệm hình sự sẽ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn làm án lệ thì chính sách hình sự nhân đạo nói chung của Đảng, Nhà nước đối với người chưa thành niên nói riêng mới thực sự có giá trị trên thực tế; mới đảm bảo thực hiện nghiêm túc Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam lại tiếp tục phát triển thêm một bước tiến tích cực mới.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.
Theo Thanhnien