Một số điểm trong Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phản hồi là chưa đảm bảo tính minh bạch, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan và có sự chồng lấn khiến cho doanh nghiệp thêm khó xử.
Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc CTCP Thuế Kế toán Luật Việt Á, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho biết trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có đề cập giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), hy vọng rằng cuối năm 2020 sẽ cụ thể hoá mức thuế suất, giảm từ 20% thuế thu nhập DN xuống còn khoảng 15 - 17%, sẽ tạo đà cho giai đoạn bản lề 2020.
Chưa đảm bảo tính thống nhất
Theo ông Tuấn, Luật Quản lý thuế (được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019) sắp có hiệu lực vào tháng 7/2020 sẽ giúp các DN vừa và nhỏ đơn giản hoá sổ sách kế toán. Đặc biệt là với những hộ kinh doanh chuyển lên DN. Như vậy, gián tiếp góp phần cho việc đơn giản hoá thủ tục nhiều hơn nữa.
“Đặc biệt là với hoá đơn điện tử thì cuối năm 2020, các DN nhỏ, DN siêu nhỏ đều phải bắt buộc thực hiện. Việc này sẽ góp phần để hiện thực hoá tính hợp pháp của hoá đơn chứng từ và làm giảm thiểu rủi ro trong hoá đơn chứng từ về gian lận thuế”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo vị luật gia này, trên nhiều tỉnh, thành đã gộp các chi cục thuế từ 2 - 3 quận, huyện thành một chi cục thuế, giúp quản lý thuế thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị chữ ký số để khai thuế, khai hải quan, bảo hiểm xã hội, kể cả hoá đơn điện tử cũng sử dụng chữ ký số điện tử… giúp quản lý thuế nhanh gọn, DN đỡ mất nhiều thời gian.
Cần lưu ý thêm, Luật Quản lý thuế hiện đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế. Đơn cử như bổ sung nguyên tắc xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế.
Do đó, việc ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được cho là cần thiết. Trong bản dự thảo nghị định này được Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 12/2019 đã đề xuất tăng mức phạt tiền đối với nhóm vi phạm về thủ tục thuế.
Tuy vậy, mới đây, khi góp ý về dự thảo này, trên cơ sở góp ý của các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý về một số hình thức, mức độ xử phạt.
Chẳng hạn, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của dự thảo thì “đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng” là một trong các hình thức xử phạt bổ sung, VCCI đề nghị xem xét lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.
Bởi vì, theo quy định tại pháp luật về DN và các văn bản pháp luật chuyên ngành (quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép) thì vi phạm hành chính về thuế không thuộc các trường hợp DN bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Cần tránh chồng lấn
Hoặc như tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế”.
Còn ở khoản 4 Điều 10 dự thảo quy định phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế”.
Phía VCCI lưu ý “Hồ sơ đăng ký thuế” là “hồ sơ thuế” (khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý thuế). “Hành vi ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế” có thể trùng với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế”. Như vậy, hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 10 có sự chồng lấn và có thể được xử phạt hai khung phạt tiền khác nhau cho một hành vi.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị cần điều chỉnh lại hai quy định này trong dự thảo để tránh chồng lấn (có thể loại trừ quy định khoản 4 Điều 10 trong quy định tại khoản 1 Điều 10).
Hay như vấn đề xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn trong Chương III của dự thảo. Được biết, hiện nay đang có ba Nghị định điều chỉnh về hóa đơn, gồm: Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, từ ngày 1/11/2020, sẽ chỉ còn lại Nghị định 119, hai Nghị định 51 và Nghị định 04 sẽ hết hiệu lực, có nghĩa kể từ thời điểm này sẽ chỉ có hóa đơn điện tử.
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, VCCI đề nghị cần rà soát lại toàn bộ Chương III dự thảo và quy định thời hạn có hiệu lực của các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn giấy quy định tại Nghị định 51, Nghị định 04 tương ứng với thời hạn hiệu lực của hai Nghị định này, tức ngày 1/11/2020.
Còn ở góc độ DN, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, năng lực của các DN vừa và nhỏ tuy không cao nhưng các chủ DN cần nhận thức được ý nghĩa của việc đóng góp nộp thuế, nhận thức được việc thực hiện tốt chính sách pháp luật.
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/xu-phat-ve-thue-co-lam-kho-doanh-nghiep.html