(Pháp lý) - Mới đây thông tin trên Tuổi Trẻ Online cho biết, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an và Công an TP.HCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một số cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Trước đó, trên một số cơ quan báo chí thông tin, chỉ tính riêng ba hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp tại TP.HCM, gồm Công ty CP Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu, Công ty CP Tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu và Công ty CP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu đã có số vốn đăng ký lên đến 525.100 tỉ đồng, đều do người có tên Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, đứng tên đại diện pháp luật cho cả ba doanh nghiệp thành lập.
Còn nhớ, hồi tháng 3 năm 2020, rất nhiều tờ báo phản ánh thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết một “siêu doanh nghiệp” có vốn đăng ký 144.000 tỉ đồng vừa thực hiện đăng ký kinh doanh trong tháng 1-2020 . Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, tư vấn đầu tư xây dựng, bán buôn bán lẻ máy móc, thiết bị phụ tùng, đại lý hàng hóa…
Trên thực tế, trường hợp cổ đông không góp đủ vốn, hoặc không góp vốn không hiếm. Bởi chế tài xử phạt mà pháp luật đặt ra quá nhẹ. Điều đáng nói là các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư, tác động đến quản trị công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông và cả rủi ro về thuế. Thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp, vốn khủng” ( nhưng thực chất là vốn ảo) để lừa đối tác. ..
Lật lại vụ “ siêu công ty 144 nghìn tỉ”…
Ngày 26.2. 2020, rất nhiều tờ báo phản ánh thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết một “siêu doanh nghiệp” có vốn đăng ký 144.000 tỉ đồng vừa thực hiện đăng ký kinh doanh trong tháng 1-2020 . Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, tư vấn đầu tư xây dựng, bán buôn bán lẻ máy móc, thiết bị phụ tùng, đại lý hàng hóa…
Người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Gia P., sinh năm 1979, thường trú ở cụm 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. 3 cá nhân tham gia góp 144 ngàn tỉ thành lập Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC gồm: bà Kim Thị P., thường trú ở phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; ông Nguyễn Hoàn S. thường trú ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh; và ông Trần Gia P. ở huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội.
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đây là số vốn khủng tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (hiện khoảng 141.000 tỉ đồng). Điều bất thường là số vốn góp lên tới 144 ngàn tỉ đồng sẽ được 3 cá nhân trên cam kết góp hoàn toàn bằng tiền VND.
Nhận thấy sự bất thường, chiều cùng ngày 26.2. 2020, rất nhiều tờ báo đã có kết quả xác minh “ lai lịch” của các cổ đông nêu trên, thì sự thật mới té ngửa: người thì mắc nợ phải cắm sổ đỏ nhà đất, người thì làm nghề buôn gỗ, người thì làm nghề giao hàng nước khoáng….
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khả năng kê khai vốn ảo rất cao và hiện đang giám sát rất kỹ mọi động thái của doanh nghiệp này, hết thời hạn 90 ngày kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình góp vốn, nếu các cổ đông không góp đủ vốn thì sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.
Vì sao doanh nghiệp dễ dàng đăng ký vốn cao hơn số thực góp ?
Trao đổi với Pv Pháp lý, Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Hồ Chí Minh cho biết, thông thường khi một cá nhân hay tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp, họ sẽ đăng ký số vốn sẽ góp vào Doanh nghiệp - ta gọi là vốn cam kết. Vì là vốn sẽ góp (vốn cam kết góp), nên pháp luật cho 1 khoảng thời gian để thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ thực góp vốn vào Doanh nghiệp.
Khoảng thời gian đó gọi là “thời hạn góp vốn“, theo Luật doanh nghiệp quy định là không quá 3 tháng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký vốn góp xong, các thành viên hoặc cổ đông không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ phần vốn mà mình đã cam kết góp, nhưng hồ sơ tài chính vẫn thể hiện là góp đủ vốn chủ sở hữu.
Điều này một mặt làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và giá trị của Doanh nghiệp. Mặt khác, cũng làm những nhà đầu tư, những chủ nợ đánh giá sai về giá trị và năng lực tài chính của Doanh nghiệp đó.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn việc doanh nghiệp dễ dàng kê khai vốn ảo là do xuất phát từ những hạn chế của quy định pháp luật trong đăng ký doanh nghiệp.
Theo ông Hậu, lỗ hổng đầu tiên nằm ở Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp rất thông thoáng, có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo. Như việc đăng ký vốn điều lệ là do doanh nghiệp tự kê khai, cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế … do đó việc giám sát vốn thực của doanh nghiệp rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp năm 2014, tài sản góp vốn thành lập công ty có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Điều 37 quy đinh về định giá tài sản góp vốn, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Đây là một lỗ hổng rất lớn, bởi các cổ đông có thể thống nhất định giá tải sản góp vốn cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần giá trị thực tế làm cho vốn điều lệ “ảo” tăng lên nhiều lần và khó kiểm soát.
Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi này cũng hạn còn hạn chế. Bởi, theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế. Với mức phạt như thế theo tôi là khá nhẹ. Luât gia Nguyễn Văn Hậu bình luận.
Hệ lụy không nhỏ từ vốn điều lệ ảo “trên giấy”
Theo Điều 112 - Luật Doanh nghiệp, khi đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Cũng theo Luật Doanh nghiệp, nếu cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không phải là cổ đông của doanh nghiệp và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Cổ đông thanh toán đến đâu sẽ được ghi nhận quyền sở hữu cổ phần tương ứng. Doanh nghiệp sẽ phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và thay đổi cổ đông sáng lập nếu có cổ đông không góp đủ. Chỉ những cổ đông đã thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần mới được thực hiện các quyền cổ đông như biểu quyết, nhận cổ tức, chuyển nhượng cổ phần…
Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp cổ đông không góp đủ vốn, hoặc không góp vốn không hiếm. Điều đáng nói là các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, khi thành lập, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn cao hơn số thực góp. Họ ít khi để ý đến việc tính toán số vốn đăng ký là bao nhiêu cho hợp lý. Việc này dẫn đến những hệ lụy cho doanh nghiệp, đôi khi là rất nặng nề. Nó tác động đến quản trị công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông và cả rủi ro về thuế.
Bên cạnh đó, với cái mác “hoành tráng” về vốn như vậy, không thiếu những vụ việc doanh nghiệp câu kéo được hợp đồng vượt quá sức của mình, thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp” để lừa đối tác. Chưa kể, các tranh chấp về quyền biểu quyết, tỷ lệ ăn chia, quy trách nhiệm… cũng xảy ra rất nhiều xung quanh câu chuyện góp vốn ảo. Tiến sĩ Hiếu nói.
Điển hình như trong vụ án Alibaba lừa đảo hàng nghìn khách hàng với số tiền hơn 2000 tỷ đồng - một vụ án chấn động giới đầu tư bất động sản, với hơn 40 dự án “bánh vẽ”. Làm sao khách hàng, nhà đầu tư lại tin tưởng giao tiền cho Alibaba?. Tiến sĩ Hiếu cho rằng, một phần cũng niềm tin đó được tạo ra từ hồ sơ năng lực tài chính “đẹp như tranh” của Alibaba.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có mã số doanh nghiệp là 0313788565, được đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 05/05/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/09/2017 đã vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt). tiếp đó, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh có mã số doanh nghiệp 0314675116 và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, có vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng cũng được đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản.
Hay trước đó, là trường hợp bị cáo Phan Thúy Mai thành lập Công ty An Phát (chủ đầu tư dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân) và cam kết góp vốn với tỷ lệ 60%. Sau này, Công ty An Phát đã ký các hợp đồng hợp tác với một số doanh nghiệp, tiền thu được từ việc hợp tác, bị cáo Mai cho hạch toán vào vốn góp của cá nhân mình. Đáng chú ý, bị cáo này đã 2 lần rao bán cổ phần khi chưa hề góp vốn, trong đó một cá nhân đã chi 33 tỷ đồng để mua 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát.
Trong vụ án Alibaba lừa đảo hàng nghìn khách hàng với số tiền hơn 2000 tỷ đồng - một vụ án chấn động giới đầu tư bất động sản, với hơn 40 dự án “bánh vẽ”. Làm sao khách hàng, nhà đầu tư lại tin tưởng giao tiền cho Alibaba?. Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, một phần cũng niềm tin đó được tạo ra từ “hồ sơ năng lực tài chính” ảo “đẹp như tranh” của Alibaba.
Trên thực tế, trường hợp cổ đông không góp đủ vốn, hoặc không góp vốn không hiếm. Bởi chế tài xử phạt mà pháp luật đặt ra quá nhẹ. Điều đáng nói là các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư, tác động đến quản trị công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông và cả rủi ro về thuế. Thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp, vốn khủng” ( nhưng thực chất là vốn ảo) để lừa đối tác.
Kiến nghị
Theo các chuyên gia để ngăn chặn tình trạng “vốn ảo”, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh , các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, luật gia Nguyên Văn Hậu cho rằng, chúng ta cũng cần phải rà soát những lỗ hổng của pháp luật kịp thời hoàn thiện như: tất cả những tài sản góp vốn phải được định giá bởi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp; quy định về chế tài xử phạt theo hướng tỷ lệ phần trăm với số vốn ảo…
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, cùng với việc thắt chặt quy định góp vốn của doanh nghiệp, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát tốt thu nhập, tài sản của công dân. Ở các nước trên thế giới, điển hình như ở Mỹ việc kê khai thu nhập, tài sản của công dân được thực hiện rất nghiêm. Do đó khi một người thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp, hay đăng ký kinh doanh thì cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng đánh giá được năng lực tài chính của người đó nên rất khó để tăng “vốn ảo” khi thành lập DN - Tiến sĩ Hiếu cho biết.
Đinh Chiến