Nếu anh có bộ máy đánh giá tốt, lãnh đạo gương mẫu bổ nhiệm trên cơ sở năng lực, trách nhiệm thì không thể “chạy chức, chạy quyền” được.
Thời gian qua, đã có một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất giữ cương vị lãnh đạo cấp cao bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí là xử lý hình sự. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều cán bộ đã bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật, trong đó khai trừ Đảng 2 cán bộ. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Hiền.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những động thái mới đây của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương khi khai trừ, cách chức hàng loạt cán bộ, lãnh đạo?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền: Kết luận của UBKT Trung ương thể hiện tính nghiêm minh của Đảng, đúng tinh thần nghị quyết Trung ương IV, khóa XII là tất cả những sai phạm của cán bộ đảng viên dù ở cấp nào, cấp cao hay cấp thấp đều phải xem xét một cách nghiêm minh khách quan, trung thực, không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, dù đã nghỉ hưu, không có chuyện hạ cánh an toàn.
Từ thực tế, có những trường hợp bất cập đã xảy ra, người ta vi phạm ở 3 – 4 cơ quan trước đó, bây giờ người ta đã ở vị trí nhất định rồi mà mới phát hiện. Điều đó chứng tỏ cả quá trình khâu đánh giá của chúng ta là chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo.
Quan trọng nhất là phải phòng ngừa. Nếu tổ chức phòng ngừa tốt, kiểm tra tốt, nhắc nhở tốt và ngăn chặn kịp thời thì có thể nhiều cán bộ đã nhận ra sai lầm, kịp thời tu dưỡng, rèn luyện và không bị vi phạm pháp luật, không gây ra tổn thất lớn cho tổ chức, cho đất nước.
PV: Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần làm gì để lựa chọn được cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng công việc?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền: Để lựa chọn được cán bộ vừa có đức vừa có tài thì việc đầu tiên người làm công tác cán bộ phải có trách nhiệm. Tức là dù người ta có tài đến mấy mà rơi vào trong môi trường không được tạo điều kiện, không có người phát hiện, bồi dưỡng thì người tài đấy cũng khó phát huy được. Việc đấy, đòi hòi người lãnh đạo, người làm công tác tổ chức phải có tâm. Khi phát hiện được nhân tố tốt, nhân tố điển hình thì cần phải có phương pháp để tạo điều kiện cho cán bộ được thử thách, được phát huy năng lực. Trên cơ sở phải chăm lo từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và công tâm khách quan trong việc đánh giá.
Cũng cần nói thêm, tại sao trong quá trình đó đòi hỏi tổ chức phải hết sức có trách nhiệm. Bởi vì trong cơ chế hiện nay, sự năng động, sáng tạo thì cũng cần có sự ủng hộ mới tạo ra sản phẩm. Thứ hai, hiện nay dễ có những vấn đề không khách quan, cảm tính len lỏi vào trong đó. Có thể người cán bộ đấy muốn làm việc rất là tốt nhưng trong một lúc nào đó lại bị các quan hệ khác chi phối. Do đó, phải có các cơ chế khác ràng buộc để điều chỉnh quan hệ đó.
Cái thứ ba, muốn có một người cán bộ tốt thì chúng ta phải thử thách. Thử thách nghĩa là phải giao việc cụ thể, anh phải có sản phẩm. Ví dụ, giao cho anh chủ trì một địa phương, phụ trách một đơn vị cơ sở và anh phải làm được, có đánh giá cụ thể việc đó.
Tôi rất đồng tình với chủ trương luôn chuyển một số vị trí công tác mà không phải là người địa phương. Chủ trương này nhằm để khắc phục, hạn chế tình trạng bổ nhiệm người thân, bạn bè hoặc “bắt tay” trong “sân sau” để làm ăn ở địa phương đó… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cán bộ, người ta vẫn có thể dựa vào hình thức này, hình thức khác để “lách”. Chẳng hạn như tôi bổ nhiệm người nhà anh thì anh bổ nhiệm người nhà tôi, hoặc tôi tạo điều kiện cho doanh nghiệp là bạn anh làm ăn thì anh cũng phải tạo điều kiện cho “sân sau” của tôi có “chỗ đứng” ở địa phương anh quản lý...
Nếu cán bộ không tốt thì vẫn có thể xảy ra vấn đề tiêu cực. Còn nếu cái tâm của người cán bộ đó trong sáng, có năng lực và được tin dùng thì dù ở đâu anh cũng phát huy được vai trò. Nói như vậy là để thấy vấn đề cốt lõi vẫn là con người, là lựa chọn cán bộ.
PV: Nạn “chạy chức, chạy quyền” làm ảnh hưởng lớn đến công tác cán bộ khiến cho “lọt” vào bộ máy lãnh đạo những người chưa đủ năng lực, chưa đủ đức đủ tài. Theo Đại biểu, đâu là vấn đề mấu chốt để giải quyết “nạn” này?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền: Muốn vậy thì trước hết người đang có chức, có quyền để bổ nhiệm cán bộ phải trên cơ sở làm đúng trách nhiệm của mình, làm đúng các quy định Đảng, của tổ chức. Nếu cấp dưới đang có nhu cầu “chạy chức, chạy quyền” nhưng mà anh gương mẫu, công khai, minh bạch thể hiện rõ quan điểm không “tiêu cực” thì làm sao họ “chạy” được.
Nếu anh có bộ máy đánh giá tốt, lãnh đạo gương mẫu bổ nhiệm trên cơ sở năng lực, trách nhiệm thì không thể “chạy” được.
Còn nếu anh đưa ra tiêu chí chung chung, mù mờ, không thể hiện rõ thái độ thì làm sao mà chọn được đúng người cần. Khi đó sẽ tạo cơ hội cho người ta “chạy”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo NĐT