Theo các chuyên gia, đáng lẽ những khoản nợ thuế khó đòi thậm chí không thể đòi sẽ không cao đến vậy nếu như được quản từ gốc rễ và được xử lý sớm hơn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi; với tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng.
Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cả ngành Thuế và Hải quan quản lý là khoảng trên 35.300 tỷ đồng. Số tiền này chiếm khoảng 2,75% tổng thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần một nửa số nợ thuế.
Nợ sinh ra nợ
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, về nguyên tắc với thuế, các nước thường để nợ thuế trong phạm vi khoảng dưới 5% tổng thu. Đây là mức bình thường
Theo ông Thịnh, nợ thuế có nhiều lý do. Một trong số này là người nộp thuế thực sự gặp khó khăn, có thể do chủ quan, khách quan nhưng trong thời hạn hạn nộp thuế, họ không thể nộp được cho cơ quan chức năng. Hoặc có những khoản cơ quan thuế cảm thấy không thể thu được do xác định chủ thể rất khó khăn, nếu có thu được cũng không đáng bao nhiêu nên khoản nợ bị treo hết năm này tới năm khác.
Có những khoản nợ thuế đã hơn 10 năm, người nợ thuế có thể đã mất, có DN đã giải thể, phá sản, có hộ sản xuất kinh doanh đã ngừng hoạt động… Bên cạnh đó, cũng nhiều DN nợ thuế bởi họ cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp thuế đúng hạn…
“Nợ thuế còn đó, người nộp không thể nộp, nhưng nợ treo đó khiến con số về nợ thuế trong báo cáo hàng năm cứ tăng lên do phải tính thêm tiền phạt chậm nộp với mức tính 0,03%/ngày, khoảng 11%/năm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Sau khi cân nhắc tính toán kỹ, loại trừ các khoản nợ thuế do người nộp chây ỳ cố tình không nộp, còn lại là số nợ không thể thu. Tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho xử lý xóa nợ, khoanh các khoản nợ không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu. Tổng số tiền nợ thuế bao gồm cả tiền phạt chậm nộp được Bộ Tài chính đề nghị cho xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng. Nếu không được xử lý, số nợ thuế sẽ tiếp tục tăng lên do tiếp tục phải tính thêm tiền phạt chậm nộp.
Phải xem xét hợp lý, không thể xóa ào ạt
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc xóa nợ thuế, xóa tiền phạt, xóa tiền chậm nộp có vẻ là một sự mất mát của ngân sách nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Bởi nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thiên tai, lũ lụt hay bị thu hồi giấy phép kinh doanh… dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, xóa nợ thuế là bài toán khó giải của ngành tài chính, bởi đã là thuế thì 1 đồng cũng cần thu đủ, nhưng 26.500 tỷ đồng là nợ kéo dài đến nay thực chất không thể thu được, lại vướng quy định hiện hành nên cứ “treo” từ năm này sang năm khác.
“Nếu cứ sợ tạo tiền lệ xấu thì sẽ không giải quyết được. Bởi nợ mà không thể thu hồi được thì để cũng bằng không. Nó sẽ như một bản án treo, thậm chí để còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và mất cân đối thu chi ngân sách. Những trường hợp được đề nghị xóa thì thường sẽ phải xét rất cẩn thận, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng.”, ông Long cho biết.
Ngoài ra, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng còn giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có khả năng trả tiền nợ thuế (trường hợp này chỉ xóa tiền chậm nộp chứ không xóa nợ thuế), đồng thời, tạo tiền đề tăng thu ngân sách nhà nước trong tương lai.
“Chủ trương là hoàn toàn phù hợp nhưng quá trình thực thi phải đảm bảo công khai minh bạch và công bằng. Không thể để lợi dụng gây thất thoát của Nhà nước”, ông Long khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những khoản nợ thuế này nếu không xóa mà “treo” thì cũng khó thu được, có khi chi phí thu được còn cao hơn số nợ. Tất nhiên, việc xóa phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt, cần phân loại rõ ràng.
“Hiện tại, mỗi năm có thêm một khoản cả chục nghìn tỷ đồng treo vào thuế nợ, đẩy tổng nợ tích từ năm nọ sang năm kia trong khi đáng ra phải xóa lâu rồi. Có như thế mới làm sạch được tổng kết của cơ quan chức năng nói riêng và kế hoạch nguồn thu nói chung. Nếu những khoản nợ này ta xử lý được sớm thì có khi nhỏ thôi, chỉ vài nghìn tỷ đồng nhưng để lâu nên bây giờ đã lên tới vài chục nghìn tỷ đồng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh./.
Theo VOV