Xóa nợ thuế 26.500 tỷ đồng: Cần thực hiện minh bạch và công bằng

Một số chuyên gia kinh tế lo ngại: Bên cạnh những mặt tích cực thì xóa nợ thuế cũng có những hạn chế như tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp. Do vậy, để khắc phục bất cập thì buộc các tiêu chí, nguyên tắc xóa, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải thực sự rõ ràng, chặt chẽ và công bằng.

 Hoạt động nghiệp vụ tại Cục hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.)

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, với số tiền hơn 26.500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2017 các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do nguyên nhân khách quan là 35.347 tỷ đồng, bằng 44,9% tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc đề xuất của Bộ Tài chính là thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với một số trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng, do trở ngại khách quan hoặc những trường hợp không còn khả năng thu là thực sự phù hợp với thực tiễn cũng như quy định mới của pháp luật có liên quan.

"Tuy nhiên, để đảm bảo việc xóa nợ thuế được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nói chung và ngành thuế nói riêng thì việc quy định các trường hợp bất khả kháng cần được quy định cụ thể, rõ ràng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách", ông Lợi nói.

Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên kết quả xử lý nợ thuế đạt rất thấp đối với những trường hợp nợ không có khả năng thu. Từ ngày 1/7/2007 đến 31/7/2017 tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp được cơ quan thuế xem xét xóa là 1.122 tỷ đồng, chiếm 3,3% số nợ không có khả năng thu hồi.

Theo Bộ Tài chính, dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đã dẫn giải một số trường hợp khó thực hiện xóa nợ vì vướng quy định. Ví dụ: Trường hợp với khoản nợ thuế quá 10 năm, nếu cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, thì được xóa nợ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng điều kiện “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”, bởi nhiều lý do bất khả kháng và khó thực thi trong thực tế.

“Hay trường hợp, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà ‘không còn tài sản để nộp thuế’ cũng được xóa nợ thuế. Song, không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không. Hoặc nếu còn tài sản, tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình vợ, con và có thể tài sản chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Nếu cơ quan thuế thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân những người phụ thuộc đó... Do vậy số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng qua nhiều năm đến nay còn lớn”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế): Số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đã thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực trách nhiệm dân sự mà không có tài sản để nộp thuế, tiền phạt… chiếm một số tiền nợ khá lớn, kéo dài nhiều năm. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, cũng như phản ánh không chính xác số nợ thực tế.

“Thực tế có những khoản nợ thuế lên đến 10 năm, nhưng không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”, theo Luật Quản lý thuế. Lý do là vì doanh nghiệp đã được sở kế hoạch và đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Do đó, quy định điều kiện “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế” là chưa khả thi đối với trường hợp trên theo Luật Quản lý thuế. Vì thế, những vướng mắc này đã dẫn đến số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng của nhiều năm đến nay là khá lớn”, ông Toản nói.

Theo Tổng cục Thuế, xuất phát từ tình hình thực tế trên đây, việc xóa nợ thuế cho các trường hợp nêu trên là rất cần thiết. Nếu nghị quyết này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần làm minh bạch số tiền nợ thuế, minh bạch nguồn thu, phản ánh chính xác số tiền nợ thuế, giúp cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế thuận lợi hơn.

Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với một số trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.

Cụ thể: Thứ nhất, xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán, với số tiền 542,525 tỷ đồng.

Thứ hai, xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, với số tiền tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Thứ ba, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sở dĩ, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ cho các trường hợp này bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp trong diện này. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp, tổ chức thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyên đổi), phá sản hoặc chấm dứt kinh doanh truớc ngày 1/1/2017.

Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1/1/2017 cũng được đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, với số tiền lên đến 24.302 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng hơn 26.500 tỷ đồng.

Theo Báo Tin tức

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin