Vụ VN Pharma: Luật sư phân tích qui trình tiếp theo điều tra hành vi làm lộ bí mật nhà nước.

(Pháp lý) - Liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại công ty VN Pharma, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, VKS đã đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra, Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi làm lộ bí mật nhà nước. Luật sư cho rằng, để khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra phải có chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm đối với các chứng cứ mà người làm chứng cung cấp (tài liệu mật chưa được công bố, chưa được giải mật); để khởi tố bị can thì cơ quan điều tra cần thu thập chứng cứ chứng minh có người đã thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước. Và quan trọng phải xác minh làm rõ tài liệu người làm chứng cung cấp có phải là tài liệu mật ?

Vì sao VKS kiến nghị điều tra hành vi làm lộ bí mật nhà nước ?

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Y tế đã gửi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an công văn số 77 ngày 27-4-2018 về việc cung cấp tài liệu, thông tin điều tra. Công văn này có nội dung về kết quả đoàn công tác của Bộ Y tế tại Ấn Độ để xác minh nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita. Tài liệu này đóng dấu mật, đồng nghĩa với việc Bộ Y tế xác định những nội dung trong công văn là "mật" kể từ ngày ban hành.

 Đại diện VKS cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước
Đại diện VKS cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước)

Đến ngày 20-9-2019, Bộ Y tế mới giải mật các tài liệu này gửi hội đồng xét xử. Theo đại diện viện kiểm sát, kể từ ngày 27-4-2018 đến 20-9-2019, việc quản lý, khai thác, sử dụng nội dung công văn này phải được tuân thủ theo các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, thời điểm tháng 6-2018 khi công văn chưa được giải mật, ông Ngô Nhật Phương ( người làm chứng trong vụ VN Pharma) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an 10 tài liệu có liên quan đến các nội dung tại công văn số 77 của Bộ Y tế nêu trên. Ông Phương khẳng định các tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có, được dịch sang tiếng Việt, được hợp pháp hóa lãnh sự, đóng dấu sao y bản chính.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng hỏi ông Phương để làm rõ những nội dung mà ông Phương nộp cho cơ quan điều tra. Ông Phương thừa nhận đã giao nộp các tài liệu này.

Tại tòa sáng 30-9, đại diện viện kiểm sát cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin mật của Bộ Y tế. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi làm lộ bí mật nhà nước, liên quan đến việc để cá nhân không có thẩm quyền có được những tài liệu mật vủa Bộ y tế. HĐXX đã quyết định chuyển các tài liệu trên cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an giải quyết theo thẩm quyền.

 Ông Ngô Nhật Phương – Người làm chứng tại phiên tòa
Ông Ngô Nhật Phương – Người làm chứng tại phiên tòa)

Luật sư: Phải làm rõ tài liệu người làm chứng cung cấp có phải là tài liệu mật?

Trao đổi với PV Pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội nhận định: theo quy định pháp luật thì trong quá trình tố tụng, nếu phát hiện ra các đương sự trong vụ án hoặc người khác có dấu hiệu tội phạm, có hành vi phạm tội khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải xem xét xử lý.

Trong trường hợp tòa án cho rằng các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Toà án có quyền khởi tố vụ án hoặc chuyển thông tin cho cơ quan điều tra xem xét xác minh làm rõ để cơ quan điều tra khởi tố. Viện kiểm sát cũng có quyền đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ các hành vi có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

 Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP luật sư Chính Pháp.
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP luật sư Chính Pháp.)

Bởi vậy, trong vụ án trên nếu viện kiểm sát có căn cứ cho thấy có người đã làm lộ bí mật nhà nước thì hoàn toàn có quyền đề nghị tòa án xem xét hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Viện dẫn Luật bảo vệ bí mật nhà nước Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài liệu, thông tin là bí mật nhà nước có trách nhiệm giữ bí mật, bảo vệ theo quy định pháp luật.

Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định: bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước. Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm: làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Theo quy định tại khoản 11, điều 7 luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định: Phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc: Thông tin về y tế, dân số; Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen, vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm; Quy trình sản xuất dược liệu, thuốc sinh học quý hiếm; Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số…

Ngoài ra, bí mật nhà nước trong lĩnh vực y tế còn được quy định chi tiết tại Thông tư 67/2015/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công an, Ls Cường cho hay.
“Trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ phải xác minh làm rõ những tài liệu mà người làm chứng cung cấp có phải là tài liệu mật theo quy định pháp luật hay không? Nếu là tài liệu mật thì tài liệu này do cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm bảo vệ? Có hành vi làm lộ bí mật nhà nước từ việc tiết lộ các thông tin, tài liệu từ tài liệu này hay không ? Nếu có căn cứ xác định tài liệu mật trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác thuộc diện nhà nước quy định bảo vệ mà có người đã vô ý hoặc cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật”- Luật sư Cường nói.

Xử lý thế nào nếu có hành vi làm lộ bí mật nhà nước

Theo Ls Đặng Văn Cường, BLHS 2015 quy định về tội danh và hình phạt đối với hành vi làm lộ bí mật nhà nước trong hai trường hợp cố ý và vô ý làm lộ bí mật nhà nước như sau:

Điều 338, Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước: Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

Lỗi vô ý ở đây là lỗi của người quản lý bí mật Nhà nước không mong muốn việc mất tài liệu, lộ tài liệu mật, không lường trước được hậu quả làm mất, làm lộ tài liệu có thể xảy ra nhưng do quá tự tin hoặc do cẩu thả dẫn đến việc làm lộ bí mật của nhà nước thì người có trách nhiệm bảo vệ bí mật sẽ bị xử lý về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Còn trong trường hợp người đang nắm giữ, quản lý tài liệu mật, thông tin thuộc dạng mật, tối mật hoặc tuyệt mật đã cố ý làm lộ bí mật nhà nước thể hiện ở việc mong muốn tải liệu, thông tin đó được phát tán, mong muốn chuyển thông tin, tài liệu đó cho người khác (người không có chức năng, không có thẩm quyền quản lý, không được biết) thì sẽ bị xử lý về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337, BLHS 2015, tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…

Như vậy, hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước sẽ nguy hiểm hơn hành vi vô ý làm lộ bí mật nhà nước nên hình phạt của tội danh này cũng cao hơn trường hợp vô ý làm lộ bí mật nhà nước có thể đối mặt với hình phạt cao nhất là 15 năm tù theo quy định tại khoản 3, điều 337, Bộ luật hình sự trong trường hợp phạm tội có tổ chức; bí mật nhà nước thuộc đồ tuyệt mật; phạm tội hai lần trở lên hoặc gây tổn hại đến chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ tài liệu mà người làm chứng cung cấp trong vụ án này có phải là tài liệu mật không, ai có trách nhiệm quản lý tài liệu này, ai có hành vi làm lộ tài liệu này, việc làm lộ là cố ý hay vô ý để làm cơ sở xác định có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không, nếu có thì khởi tố theo tội về lỗi cố ý hay lỗi vô ý như các tội danh mà bộ luật hình sự đã quy định nêu trên. Trong trường hợp bị xử lý hình sự thì với lỗi vô ý hình phạt có thể lên đến 7 năm tù, còn trường hợp lỗi cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 337 và Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 338 Bộ luật hình sự thuộc Chương XXII : Các tội phạm trật tự quản lý hành chính chứ không thuộc Chương XXIII (Tội phạm về chức vụ) nên chủ thể của tội danh này là “bất kỳ ai” nếu hành vi thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Pháp luật quy định tội làm lộ bí mật nhà nước không đòi hỏi chủ thể phải là “chủ thể đặc biệt” bởi vậy mọi công dân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này nếu có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hình sự.

Ls Cường cho rằng, để khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra phải có chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm đối với các chứng cứ mà ông Phương cung cấp (tài liệu mật chưa được công bố, chưa được giải mật); để khởi tố bị can thì cơ quan điều tra cần thu thập chứng cứ chứng minh có người đã thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước.

 “Trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ phải xác minh làm rõ những tài liệu mà người làm chứng cung cấp có phải là tài liệu mật theo quy định pháp luật hay không? Nếu là tài liệu mật thì tài liệu này do cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm bảo vệ? Có hành vi làm lộ bí mật nhà nước từ việc tiết lộ các thông tin, tài liệu từ tài liệu này hay không ? Nếu có căn cứ xác định tài liệu mật trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác thuộc diện nhà nước quy định bảo vệ mà có người đã vô ý hoặc cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật”- Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Đinh Chiến

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin