Vingroup: Khát vọng “mang” Việt Nam ra thế giới

28/01/2020 10:23

(Pháp lý) - Từ Technocom - nhà sản xuất trong top 40 doanh nghiệp có giá trị nhất tại Ucraina đến tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam – Vingroup trải qua hành trình hơn 25 năm liên tục “gieo trồng” những hạt mầm phát triển, lan tỏa những điều tốt đẹp, với khát khao cháy bỏng “mang” Việt Nam ra thế giới.

Ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới

Đến nay, Vingroup đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Khi tham gia bất cứ lĩnh vực nào, Vingroup đều chứng tỏ vai trò người tiên phong và dẫn dắt xu hướng khi đem đến cho thị trường những sản phẩm - dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Với mục tiêu phát triển bền vững và chuyên nghiệp, Vingroup đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đa dạng xoay quanh 3 lĩnh vực lớn: Thương mại Dịch vụ; Công nghệ và Công nghiệp.

Ngày 2/9/2017, Vingroup đánh dấu bước tiến đầu tiên của mình vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp bằng việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Vinfsat tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, trên diện tích hơn 500 nghìn m2 trong tổng số 335 ha của toàn tổ hợp. Đáp ứng xu thế công nghệ 4.0, Nhà máy đạt quy mô và độ hiện đại hàng đầu thế giới, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250 nghìn xe/năm, giai đoạn 2 là 500 nghìn xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.

Đặc biệt, VinFast là nhà máy ô-tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô-tô như thân vỏ, động cơ… tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của châu Âu.

Vinfast - niềm tự hào của người Việt

Chưa đầy 1 năm kể từ ngày khởi động, ngày 2/10/2018, 2 mẫu ô tô đầu tiên của VinFast là Sedan và SUV đã được chính thức giới thiệu với toàn thế giới tại Triển lãm ô tô Paris (Paris Motor Show 2018). Tháng 7 /2019, những chiếc Vinfast lux sa2.0 và lux a2.0 đầu tiên đã đến tay khách hàng. Chiếc xe ô tô VinFast do người Việt Nam cho ra đời đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó trong ngành chế tạo ô tô thế giới và trở thành niềm tự hào của người Việt.

Mang ô tô Việt ra thế giới

Ngày 10/12/2019, hãng tin Bloomberg, từ văn phòng Hongkong, tung ra phóng sự về VinFast và giật tít trên trang chủ của họ: "Người giàu nhất Việt Nam đánh cược 2 tỷ đô la để bán xe vào thị trường Mỹ".

Vậy là sau bao khó khăn, thương hiệu xe hơi Việt VinFast đã khởi hành trên con đường thiên lý của mình, từ khi ra mắt tại Paris Motor Show 2018, chính thức giao xe tại thị trường nội địa vào 2019, nay VinFast dự định sẽ xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ vào năm 2021. Đó là con đường VinFast tiến ra biển lớn với thị trường quốc tế.

Với một lính mới trong ngành công nghiệp ôtô, việc tạo nên giá trị là không đơn giản. VinFast đã rất chú trọng đến giá trị khi thuê thiết kế của các studio Italy danh tiếng, lấy ý kiến người tiêu dùng để cộng đồng cùng sáng tạo trên sản phẩm mà VinFast sẽ đưa ra, mua công nghệ BMW để sản xuất trên một dây truyền tự động hoá cao độ với hơn 1 ngàn robot cùng hàng loạt công nghệ sản xuất tiên tiến.

Thủ tướng tham dự lễ ra mắt ô tô Vinfast tại Hà Nội

Các sản phẩm của VinFast sau khi hoàn thiện đều có thiết kế hiện đại, chất lượng đảm bảo và có chứng nhận an toàn va chạm Asean NCAP 4 và 5 sao, động cơ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Xe VinFast tại Paris Motor Show 2018

Giá trị đi cùng với giá cả. Trên một thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện tại, nhiệm vụ của VinFast là xây dựng một giá bán tương xứng với những giá trị họ đã xây dựng.

Việc tham gia thị trường bằng giá bán tương đối hợp lý, không tính khấu hao dây truyền sản xuất, cùng với việc thay đổi các tuỳ chọn về phụ kiện của xe chứng tỏ Vinfast đang rất thận trọng trong việc định giá.

Cùng với nhiều chương trình khuyến mại và kích cầu gần đây, các sản phẩm của VinFast đang có những lợi thế nhất định.

Trên nền tảng đó, VinFast xây dựng thêm một yếu tố được đánh giá là tốt, đó là tinh thần "khát vọng".

Thực tế là mặc dù thị trường nội địa là thị trường quan trọng cốt lõi đối với VinFast nhưng dung lượng lại rất hạn chế, VinFast muốn thành công thì phải vươn ra thế giới. Hãng xe này bắt đầu triển khai chiến lược đặt chân lên thị trường nước Mỹ, một thị trường khó tính bậc nhất về chất lượng xe và kiểm định về độ va chạm.

Tuy quãng đường là rất dài, phải thành công trong thị trường nội địa, làm đòn bẩy để vươn ra thế giới, nhưng tinh thần vươn ra thế giới, xây dựng một thương hiệu Việt có chất lượng quốc tế là rất đáng trân trọng và nên được cổ vũ.

Đưa điện thoại Việt vươn ra toàn cầu

Tháng 12/2018, Vingroup lại tiếp tục công bố thành lập Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart cùng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart với toàn bộ nhà xưởng được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610 (là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử) tại Cát Hải, Hải Phòng. Dây chuyền sản xuất của nhà máy Vsmart được đánh giá vào loại hiện đại hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, dây chuyền tại khu vực sản xuất bảng mạch điện tử (SMT) là các thế hệ máy mới nhất của các hãng chuyên sản xuất máy SMT hàng đầu thế giới, như máy gắn chip của ASM Siplace (thương hiệu số 1 thế giới xuất xứ từ Đức); máy in kem hàn của hãng Speedline, lò hàn thiếc của Omnimax (đều là thương hiệu số 1 thế giới đến từ Mỹ); các máy kiểm tra quang học tự động từ hãng Kohyoung (Hàn Quốc, là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực này)…

Ngoài ra, dây chuyền được đầu tư nhiều máy phân tích chất lượng đều là thương hiệu hàng đầu thế giới như hệ thống cấp nguyên vật liệu đến từ Italia, máy mài và phân tích lớp bản mạch in, máy chụp cắt lớp Xray để kiểm tra chất lượng mối hàn…

Quy mô, tầm vóc của nhà máy cũng như khát vọng, tầm nhìn lớn của Vingroup đã ngay lập tức thuyết phục hoàn toàn giới truyền thông cũng như các chuyên gia uy tín trong ngành công nghệ. Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin - Truyền thông), ông không ngạc nhiên khi nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart là nơi quy tụ toàn bộ các loại máy móc “xịn” nhất thế giới, bởi Vingroup luôn nổi tiếng “đã làm là làm đến nơi đến chốn” vì thương hiệu Việt.

“Tôi cảm nhận được khát vọng của Vingroup trong việc sản xuất ra những sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên tại Việt Nam, có khả năng thương mại hóa. Sản phẩm này có thể là khởi đầu của hệ sinh thái các thiết bị điện tử thông minh của Vingroup với rất nhiều ứng dụng trong thời đại chuyển đổi số, xã hội số như hiện nay. Nếu làm được thì chính là điều rất đáng tự hào của đất nước chúng ta”, Tiến sĩ Mai Liêm Trực nói.

Nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart

Ngày 23/11/2019, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) khánh thành giai đoạn 1 của Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), với hệ sinh thái sản phẩm rộng lớn gồm Điện thoại thông minh, Thiết bị điện tử thông minh… Sau khi đi vào vận hành, tổ hợp sẽ trở thành trung tâm sản xuất các thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu khu vực, góp phần ghi dấu ấn của VinSmart trên bản đồ công nghệ quốc tế.

Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8 hecta, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8 hecta với mặt bằng khu sản xuất là 45.200 m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các Viện Nghiên cứu độc lập.

Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, cụ thể Điện thoại thông minh ước tính 23 triệu sản phẩm/năm, Thiết bị IoT ước tính 1 triệu sản phẩm/năm và thiết bị điện tử thông minh khác ước tính trên 2 triệu sản phẩm/năm.

Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm hình thành và phát triển, VinSmart đã triển khai thần tốc khối lượng công việc lớn, từ xây dựng nhà máy tại Hải Phòng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ký kết hợp tác với các đối tác hàng đầu quốc tế như Qualcomm, Google…, đồng thời cho ra mắt 8 mẫu điện thoại thông minh. Bên cạnh thị trường trong nước, các sản phẩm của Công ty đã từng bước chinh phục thị trường quốc tế từ Tây Ban Nha, Myanmar đến Nga…

“Chúng tôi kỳ vọng cùng với ô tô VinFast, điện thoại Vsmart sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam và đưa thương hiệu Việt ra thế giới” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Việt Quang cho biết. Có lẽ, đó mới là cái đích mà Vingroup muốn hướng đến.

Ông Phạm Nhật Vượng: "Chúng tôi có khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt với đẳng cấp quốc tế. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là các sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Đối với rất nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi phải tìm cách thâm nhập thị trường và chứng minh cho mọi người thấy sản phẩm của Việt Nam đại diện cho sự năng động của một Việt Nam đang phát triển đồng thời đạt tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới".

Văn Chiến (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Vingroup: Khát vọng “mang” Việt Nam ra thế giới" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin