VINASME đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất trước dịch Covid - 19

03/03/2020 08:05

Vừa qua, trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhanh của các Hiệp hội doanh nghiệp thành viên ở địa phương và một số doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sự tác động ảnh hưởng của Covid - 19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất một số giải pháp…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để nắm bắt kịp thời các khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với Chính phủ trong bối cảnh xảy ra dịch Covid - 19, VINASME đã khẩn trương đề nghị các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, các Ban và đơn vị trực thuộc báo cáo về diễn biến thực trạng tại từng địa phương nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ, định hướng khắc phục.

Sau khi tập hợp báo cáo từ các đơn vị thành viên, VINASME cho biết, các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19 là ngành du lịch, hàng không, khách sạn, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng nguy 1 vật liệu, phụ kiện từ Trung Quốc (Theo các tìm hiểu thì khối lượng này chiếm tới 50 % giá trị hàng hóa) Lượng nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất chu kỳ ngắn, khi nguồn cung ách tắc do Trung Quốc không cung ứng kịp kết hợp với việc tiêu thụ sản phẩm cũng bị giảm sút do dịch. Việc tìm kiếm các nguồn cung ứng mới không dễ dàng thực hiện được cũng như giá cả nguyên vật liệu và các bán thành phẩm, các chi tiết phụ trợ… cũng là vấn đề sẽ ảnh hưởng phẩm sau này. Hệ lụy này sẽ kéo theo việc phải ngừng sản xuất, công nhân sẽ phải nghỉ việc. Nếu công nhân ngừng việc kéo dài, mà không có thu nhập, họ buộc phải đi tìm các công việc mới, khi đó ngay cả khi sản xuất ổn định trở lại, những người công nhân này cũng có thể không quay trở lại do đã tìm được công việc mới phù hợp hơn. Lao động cũng thiếu ngay cả khi sản xuất còn đang cầm cự được do thiếu chuyên gia, kỹ thuật lành nghề người nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…) và thiếu ngay cả nhân công lao động giản đơn do họ lo ngại dịch bệnh. Việc cho học sinh nghỉ học dài ngày cũng là yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình lao động.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc hoặc xuất hàng sang Trung Quốc đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn (không có đủ nguyên, vật liệu, phụ kiện để duy trì sản xuất, không xuất được hàng sang Trung Quốc). Do vậy sẽ làm đình trệ giao thương. Nhiều doanh nghiệp do tâm lý e dè, sợ gặp gỡ giao tiếp cũng làm gián đoạn nhiều hợp đồng kinh doanh. Hoạt động SXKD ngưng trệ làm ảnh hưởng lớn đến các ngành dịch vụ khác, sức tiêu dùng giảm.

Với thực trạng tình tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, VINASME đã đề xuất nhiều giải pháp tức thời và căn cơ có tính hệ thống, đồng bộ với tinh thần chủ động, chia sẻ khó khăn chung giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, VINASME kiến nghị các cơ quan chức năng cần kịp thời cập nhật thông tin dịch bệnh trên thế giới, nhất là các nước có ảnh hưởng kinh tế lớn tới Việt Nam. Đồng thời cần kiếm soát tốt truyền thông để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, gây hoang mang. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ… thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch.

Các biện pháp phòng dịch cần thận trọng để tránh tình trạng đóng băng mọi hoạt động của nền kinh tế. Ngoài ra, công tác kiểm soát tại cửa khẩu phải chú trọng vào việc tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan thay vì gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cần khuyến khích mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động thương mại điện tử, B2B, hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các thị trường mới ngoài Trung Quốc.

Chính phủ cũng cần thúc đẩy các mô hình “số” như nhà máy số để đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản, lưu kho chờ vận chuyển; hay tiếp thị số cho hoạt động quảng bá du lịch qua thị trường châu Âu, châu Úc, đặc biệt là chính sách miễn thị thực cho một số thị trường có uy tín cao, hoặc kéo dài thời gian miễn thị thực cho các thị trường cũ. Việc áp dụng thực chất các hiệp định FTA đã có hiệu lực cũng hết sức quan trọng vào thời điểm hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, VINASME đề nghị các chủ doanh nghiệp thành viên cần chủ động theo dõi diễn biến của dịch tại các nước có đối tác làm ăn, từ đó đề ra các phương án ứng phó với tình huống xấu nhất. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI tỏ rõ bản lĩnh, sức mạnh tài chính cũng như công tác quản trị bài bản. Trước mắt, các doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Đồng thời phải có chính sách giữ chân lực lượng lao động chủ chốt để đảm bảo ổn định ngay sau khi dịch kết thúc. Đối với vấn đề vận chuyển hàng phụ trợ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các phương thức vận chuyển khác, chẳng hạn như đường biển…

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/vinasme-de-xuat-mot-so-giai-phap-giup-cac-doanh-nghiep-on-dinh-san-xuat-truoc-dich-covid-19.html

Bạn đang đọc bài viết "VINASME đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất trước dịch Covid - 19" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin