Tính đến ngày 20/5/2021, nhà đầu tư nước ngoài rót gần 14 tỷ USD vào Việt Nam, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thông tin về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, tính đến 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020. Vốn thực hiện ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7%.
Cụ thể, có 613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 49,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ); 342 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 21,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD (tăng 11,7% so với cùng kỳ); 1.422 lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 59,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt 1,31 tỷ USD (giảm 56,3% so với cùng kỳ).
Báo cáo cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỷ USD và gần 522 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Về đối tác đầu tư, đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,59 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,83 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư…
Cũng theo báo cáo, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,35 tỷ USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP. HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang.
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2021, cả nước có 33.615 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 396,86 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 240 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Sức ảnh hưởng của nhóm doanh nghiệp FDI cũng ngày càng tăng, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Xuất khẩu kể cả dầu thô của nhóm này ước đạt trên 98 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu kể từ đầu năm. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 97,4 tỷ USD, tăng 37%.
Nhập khẩu của khối FDI cũng ước trên 85,4 tỷ USD, tăng gần 40% cùng kỳ và chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Xét chung về cán cân thương mại, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 14,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,6 tỷ USD không kể dầu thô.
Theo thuonghieucongluan.com.vn
Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/viet-nam-thu-hut-gan-14-ty-usd-von-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-5-thang-a135913.html