Vì sao phải sửa Luật Đặc xá?

Đây là những nội dung quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đặc xá 2007.

3
Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm chiều 21-5 đã thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá 2007.

Theo Bộ trưởng, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã bảy lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các dịp lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Từ 2009-2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

“Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong các năm 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và một người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Cũng trong thời gian 2009-2017, các đối tượng được đặc xá đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự với số tiền là hơn 3.184 tỉ đồng; trong đó thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.438 tỉ đồng; thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội hơn 1.746 tỉ đồng; giá trị tài sản thu được là hơn 1.064 tỉ đồng.

Theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, người được đặc xá đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân; trong đó gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định. Công tác hòa nhập cộng đồng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư vào công tác cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá. Tỉ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%).

“Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung” -, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng cũng báo cáo trong tình hình hiện nay việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết để cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với BLHS 2015, BLTTHS 2015... Đồng thời, việc sửa đổi cũng để khắc phục những khó khăn, bất cập trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007.

Chẳng hạn, với các quy định về điều kiện của người được đề nghị đặc xá như hiện nay thì số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn (bình quân hơn 10.000 người/đợt); vì thế có một số ý kiến băn khoăn, cho rằng việc đặc xá như vậy chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội.

“Về thời gian thực hiện quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước: Trong luật hiện hành chưa quy định cụ thể nên trong thực tế, thời gian tổ chức thực hiện các công việc đặc xá trong mỗi đợt thường là quá ngắn (khoảng 60 ngày) nên gây nhiều áp lực, bị động cho cơ quan tổ chức thực hiện” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Ngoài ra, việc thực hiện quyết định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài cũng chưa quy định cụ thể thủ tục tiến hành bảo hộ công dân đối với phạm nhân là người nước ngoài được Việt Nam đặc xá.

“Do đó, trên thực tế có một số trường hợp đến ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho phạm nhân là người nước ngoài nhưng không có người đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà người đó là công dân đến nhận, dẫn đến việc trại giam gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Theo Plo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin