Về thăm quê Cựu Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh

( Pháp Lý) – Quê hương của Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912-1996), Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Cự Đà, ngôi làng cổ kính nằm bên sông Nhuệ – một trong những danh hương của đồng bằng Bắc Bộ. Bên trong những ngôi nhà đẹp đượm mầu thời gian đó, rất nhiều người còn kể cho nhau nghe những câu chuyện ân tình và tự hào về Luật sư Vũ Trọng Khánh.

Ông già ở cổng Đồng Nhân Cát

Làng Cự Đà nằm chạy dài theo dòng sông Nhuệ, đối diện bên kia là làng Tả Thanh Oai có dòng họ Ngô Thì lừng danh. Cự Đà có 14 ngo xóm, mỗi xóm có một cổng mở ra trục đường chính, là mặt phố của làng, cũng là bờ sông Nhuệ. Mỗi cổng ngo xóm co tên khác nhau, có những tên nôm na bình dị như xóm Chùa, xóm Ba Gang, xóm Con Cóc và có những cổng xóm đề những chữ nghĩa hàm súc như Lễ Nghĩa, Hiếu Đễ, Trung Tín…

Cổng làng Cự Đà – quê hương của LS. Vũ Trọng Khánh ( Ảnh Nguyễn Phan Khiêm)
Cổng làng Cự Đà – quê hương của LS. Vũ Trọng Khánh ( Ảnh Nguyễn Phan Khiêm))

Mỗi cổng xưa kia gắn liền với một bến sông gồm 18 bậc bằng đá rộng rãi để thuyền bè vận chuyển hàng hóa ra vào được thuận tiện. Dù thời gian đã bào mòn, đã hủy hoại ghê gớm nhưng tôi còn gặp hai trụ đá mỗi chiều cỡ hai gang tay, cao trên nửa mét, vốn là trụ để đèn, trên có con cóc ngậm ngọc, thân trụ đá đề “Vạn cổ nghiễm nhiên” và “Phương Tùng bảo vật” (Phương Tùng là hiệu của người cho làm hai trụ đèn) như một nhân chứng kiên nhẫn vượt thời gian để lưu dấu một thời hoàng kim trên bến dưới thuyền của Cự Đà.

Đi dọc đường làng, tôi thấy có cổng xóm đề ba chữ Đồng Nhân Cát. Đồng Nhân là quẻ thứ 13 trong Kinh Dịch, có nghĩa là thân thiện, trên dưới đồng lòng, hiệp lực. Đồng Nhân Cát có nghĩa Đồng Nhân là quẻ tốt hay biết đồng tâm hợp lực với nhau là điều tốt chăng… Dù cách hiểu nào thì đây cũng là một xóm có tên rất thâm thúy. Đưa máy ảnh lên chụp thì tôi thấy trong cửa sổ một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ liền kề với cổng có một cụ già với mái đầu bạc đang đọc sách. Cụ quay lưng ra đường, ra sông, bỏ lại sau lưng những ồn ào thế sự để đắm mình trong trang sách.

Vào thăm cụ chúng tôi lại thêm một bất ngờ, như lạc vào quá khứ vì căn nhà nhỏ cũ kỹ treo đầy câu đối xưa, từng đôi, từng đôi nghiêm ngắn. Chính giữa nhà là bàn thờ tổ tiên, có bức hoành phi sơn son thiếp vàng có ba chữ đại tự rất đẹp “Hiếu Vi Quán” với ý nghĩa Hiếu là đứng đầu, là trên hết. Phía trong là một khám thờ cổ kính, có hai chữ nhỏ “Trịnh từ” nghĩa là “Từ đường – nơi thờ họ Trịnh”. Ông giáo Cơ họ Trịnh, năm nay 81 tuổi, chủ nhà cho hay, đây là chiếc khám thờ có từ 400 năm trước của gia đình còn lưu giữ được.

Ông Vũ Trọng Khánh trong lễ tuyên thệ Luật sư tại Tòa Thượng thẩm, Hà Nội (26/11/1941) – ảnh tư liệu
Ông Vũ Trọng Khánh trong lễ tuyên thệ Luật sư tại Tòa Thượng thẩm, Hà Nội (26/11/1941) – ảnh tư liệu)

Ông giáo pha cho tôi ly cà phê và nói chuyện làng, nói chuyện nhà. Làng Cự Đà xưa từ năm 1929 đã có điện, đã có biển số nhà để tiện giao dịch. Làng ở vùng chiêm trũng nên không thể trông vào đồng áng, nhưng may mắn là ở vị trí đắc địa, nhất cận thị, nhị cận giang, gần kinh đô Thăng Long, lại liền con sông Nhuệ, nên kinh doanh phát đạt. Người ta xây nhà ở Thăng Long, Hà Nội rồi xây nhà ở làng… Nhưng nhà cụ Vũ Thế Vinh, thân sinh các ông Vũ Trọng Khánh, Vũ Trọng Tống thì không thấy có nhà ở quê.

Ông giáo cho hay, người làng Cự Đà tự hào về Luật sư Vũ Trọng Khánh, ông học giỏi có tiếng nên có bằng Cử nhân Luật rồi ra làm Luật sư, ông cãi bằng tiếng Pháp khiến người Pháp cũng phải kiêng nể. Sau này, ông làm Đốc lý Hải Phòng rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đáng tiếc là khi bầu cử Quốc hội, ông tự tin về uy tín của mình với nhân dân Hải Phòng nên ứng cử tự do, không đứng vào tổ chức, đảng phái nào, nên không trúng. Vì thế mà sau đó ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Vũ Trọng Khánh chuyển sang làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm. Thời gian làm Bộ trưởng của Luật sư Vũ Trọng Khánh tuy ngắn ngủi nhưng là giai đoạn quan trọng và đặt những nền móng đầu tiên cho nền tư pháp của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa… Xem ra ông giáo Cơ đọc hết những bài viết, những cuốn sách về vị danh nhân của làng mình.

Một người thân thiện và cởi mở

Đi dọc đường làng Cự Đà, nhìn con sông Nhuệ trong xanh xưa kia nay đã cạn nước và ô nhiễm nghiêm trọng, những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp đang mất dần, nhường chỗ cho những ngôi nhà mới cao tầng, tôi hình dung những lần Luật sư Vũ Trọng Khánh về làng suốt từ thời thơ ấu đến khi nổi danh và khi đã nghỉ hưu, đã qua lại trên con đường này nên cảm thấy thú vị pha lẫn ngậm ngùi.

Người làng Cự Đà buôn bán giỏi, nhiều nhà giàu nức tiếng như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Lĩnh… nhưng nhà cụ Hai Vinh, thân sinh ra ông Vũ Trọng Khánh thì nghèo, ra buôn bán nhỏ ở ngoài Hà Nội ,cũng ở nhà thuê, ở làng cũng không có nhà. Ông Vũ Trọng Khánh nhờ thiên bẩm thông minh, học giỏi nên có học bổng ông mới được học trường Tây là Lycee Alber Sarraut. Trong Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh viết tháng 11/1994 có ghi: Bà giáo sư Gauthier, Thạc sỹ văn học Pháp coi học sinh Khánh giỏi văn học Pháp thứ nhì trong lớp, còn giáo sư sử địa nhận xét “Khánh học không vì điểm mà để hiểu biết”. Năm 1932, đỗ tú tài Pháp xong, ông kết hôn với bà Trịnh Ngọc Lan, em gái Luật sư Trịnh Đình Thảo nổi tiếng.

Năm 1936, ông tốt nghiệp và có bằng Cử nhân Luật, nhưng không muốn theo nghiệp hành chính để làm quan huyện, quan phủ, như ước nguyện của cha mình, ông về Hải Phòng làm trợ lý Văn phòng Luật sư Laubies. Sau 5 năm làm thư kí rồi Luật sư tập sự, năm 1941 ông tuyên thệ Luật sư tại Tòa Thượng thẩm Hà Nội và chính thức trở thành Luật sư chuyên nghiệp. Với tài hùng biện và kiến thức pháp luật vững vàng, phong thái lịch lãm và khả năng tiếng Pháp rất tốt, danh tiếng Luật sư Vũ Trọng Khánh khiến ngay cả các đồng nghiệp người Pháp và các Thẩm phán phải nể trọng.

Người nhà kể rằng, tên khai sinh của ông vốn là Vũ Trọng Khanh. Cha ông chọn chữ Khanh trong “công hầu khanh tướng”, để gửi gắm niềm hy vọng vào “quan lộc” của con trai nhưng sau đó ông không thích chữ Khanh và tự ý thêm dấu sắc thành Vũ Trọng Khánh. Có lẽ việc đổi tên này là điềm báo về quan trường của ông sau đó. Ông có đủ tài năng, tư cách theo cách hiểu thông thường để theo đuổi nghiệp hành chính, nhưng cuối cùng ông làm Bộ trưởng một thời gian ngắn ngủi, mà làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng cũng không lâu, ông rời bỏ chức vụ này khi mới 49 tuổi. Rời quan trường ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, gần gũi với người dân.

Ông Vũ Công Lý, đã ngoại 80 tuổi, người trong thân tộc gần nhất, gọi Luật sư Vũ Trọng Khánh là chú, bùi ngùi kể lại: ông Lý vốn mồ côi bố mẹ từ nhỏ, nên không được học hành, chỉ biết đọc biết viết nên ông chú lúc nào cũng thương. Năm 1968 vợ ông bị bệnh nặng, ông Khánh lên Hà Nội họp bèn nhắn cho ông Lý ra chơi. Ông Lý khi đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Gặp cháu, ông Khánh hỏi:

– Chú nghe nói vợ cháu phát bệnh nặng, con thì nhỏ, nghe đâu bữa đói bữa no. Cuộc sống khó khăn như vậy thì sống thế nào?

– Vâng ạ, người ta nói vợ chồng như đũa có đôi, nhưng nhà cháu bây giờ thì chỉ còn có một, một chiếc có đấy mà cong queo không làm ăn gì được, nên gian nan lắm ông ạ. Đúng là bữa đói bữa no – ông Lý thưa với chú.

– Có cách nào để bớt khó khăn không? Ông Khánh hỏi.

– Có đấy ạ, xin chú giúp cháu. Đó là xin cho cháu gặp Bác Hồ.

– Cháu xin gặp Bác Hồ làm gì? Ông Khánh ngạc nhiên.

– Cháu gặp Bác Hồ để xin bỏ hợp tác xã chú ạ. Làm hợp tác xã kiểu đánh kẻng chấm công, rồi mỗi năm bầu Ban quản trị một lần, có khi chủ nhiệm đang làm tốt lại thay bằng ông kém. Công việc thì cha chung không ai khóc, chết đói dở chú ạ. Hiện nay thóc hợp tác xã chia cho xã viên chỉ đủ ăn ba tháng, còn chín tháng thiếu đói. Bây giờ cứ giao khoán cho dân, để họ tự làm và nộp thuế là no ấm ngay. Như cháu đi làm thợ may trước đây, họ đều khoán cả, nên ai cũng cố gắng để làm nhiều, làm tốt.

Ông Khánh chăm chú lắng nghe, lát sau mới nói:

– Chú không giúp cháu được rồi, nhưng cháu có thể viết thư hay làm đơn gửi bưu điện cũng được…

Ông Lý không dám làm đơn hay viết thư, nhưng ông nhớ mãi khuôn mặt trầm tư của ông chú khi ấy… Mãi gần 20 năm sau, đến thời đổi mới, gia đình ông Lý mới khá hơn.

Ông lên tận Lạng Sơn mua trâu, đem về bán cho những hợp tác xã quanh vùng, bán cho những gia đình đang thiếu sức kéo. Mua rồi phải lùa đàn trâu đi bộ hàng tháng trời mới về đến nhà nên ông Lý rủ anh em con cháu đi cùng. Ông Vũ Trọng Khánh nghe tin ông Lý đi buôn trâu, thuê cả bộ đội lùa trâu, nên lo lắm. Một hôm, ông Khánh hỏi: Chú nghe nói cháu dám thuê cả bộ đội đi lùa trâu, nhỡ Tòa án binh mang ra xử thì làm thế nào?

-Thưa chú, quân với dân như cá với nước, quân đội cũng từ nhân dân mà ra, dân khó khăn thì bộ đội giúp dân là chuyện bình thường, thể hiện tình quân dân khăng khít. Hơn nữa, trên miền núi nhiều trâu, họ khuyến khích mình mua, ngược lại dưới này thiếu sức kéo nên cháu đi mua trâu là có lợi cho sản xuất, cháu có bị đánh thuế đâu. Vì vậy chú cứ yên tâm, cháu không có sai phạm gì mà sợ ạ.

Ông Khánh cười và bảo: Giỏi, cháu giỏi lắm, cãi thắng cả luật sư. Tiếc là cháu không được đi học, chứ nếu được học hành rồi làm luật sư thì chắc giỏi hơn chú. Cháu nói thế chú yên tâm rồi.

Con trai ông Lý, sinh năm 1970 cũng kể: Tôi nhớ mãi hình ảnh ông Khánh, người cao và có phong cách Tây, đi rất nhanh. Mỗi lần về quê ông có kế hoạch thăm nhà ai, đến đâu, chơi mỗi nhà bao lâu rất khoa học. Đặc biệt là tư duy của ông rất thoáng, rất cởi mở, gần với thanh niên, chứ không như những người già khác thường bảo thủ. “Năm tôi được vào cấp Ba, cả làng có ba người thôi, ông mừng lắm. Ông nói rằng làng mình toàn ruộng chiêm trũng, những người giàu đều nhờ đi làm ăn buôn bán ở nơi khác. Bây giờ thời đại tri thức rồi, các cháu muốn thoát nghèo là phải đi học, phải có kiến thức. Cố gắng lên cháu nhé”.

Một đời thanh đạm

Ông Vũ Văn Thân, nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, năm nay 84 tuổi, chồng của bà Đinh Thị Hiền, cháu gọi ông Vũ Trọng Khánh là cậu, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cổ rất đẹp, phía trên có bức hoành phi đề bốn chữ ca ngợi công đức tổ tiên “Sơn cao thủy trường”. Ông bê ra một chiếc cặp đen, lấy ra mấy bản thảo, trong đó có hồi ký đánh máy của ông Vũ Trọng Khánh và kể:

– Vợ chồng tôi gọi ông Vũ Trọng Khánh là cậu, nên cũng nhiều lần xuống Hải Phòng thăm ông. Cậu cháu hợp nhau nên ông tâm sự nhiều chuyện. Một lần xuống chơi, ông trao cho tôi những tài liệu này.
Đó là bản đánh máy hồi ký và một vài bài viết của ông Vũ Trọng Khánh. Bút tích viết tay và chân dung Luật sư khi ông tròn 80 tuổi.

– Tài năng, đức độ thế nhưng ông bà sống đơn sơ, đạm bạc. Ông được phân căn phòng trên tầng hai ở phố Lach Tray, đồ đạc cũ kỹ lắm – ông Thân cho hay.

 Luật sư Vũ Trọng Khánh năm 80 tuổi (ảnh gia đình cung cấp)
Luật sư Vũ Trọng Khánh năm 80 tuổi (ảnh gia đình cung cấp))

Hòa bình lập lại, ông Vũ Trọng Khánh làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hải Phòng từ năm 1955 đến khi ông về hưu năm 1977. “Những năm đó ông bà sống với cô con dâu cả, chồng đã mất và hai cháu nhỏ. Cô con dâu làm sữa chua bán, ông thì có cái máy xay bột cho trẻ em để kiếm thêm thu nhập… Bà Khánh thỉnh thoảng vẫn than vãn, nhiều khi so sánh với những người bạn của ông, họ đều sung sướng hơn ông nhiều. Những lúc như thế bao giờ ông cũng nói nhiều vị lãnh đạo cao cấp ra tù vào tội, công lao nhiều mà cũng sống đạm bạc chứ đâu riêng mình. Những người phải tha hương, có thể đầy đủ về vật chất nhưng cũng có cái khổ chứ. “Tuyệt nhiên tôi chưa thấy ông phàn nàn điều gì” – ông Thân nói.

Điều mà ông Thân ân hận và tiếc nuối là một lần xuống Hải Phòng thăm ông cậu, ông Vũ Trọng Khánh ngỏ ý muốn để lại cho vợ chồng ông Thân bức bình phong khảm 100 chữ THỌ tuyệt đẹp, là tài sản quí giá nhất của gia đình, do thân phụ ông để lại. Ông Khánh bảo: Các cháu đưa cho cậu một vài chỉ thôi cũng được, cậu không muốn bán cho người ngoài. Ông Thân nhận lời và hứa về thu xếp nhưng bận việc này việc khác mà chưa kịp xuống thì ông Khánh mất. Ông Thân ân hận vì chắc hẳn lúc đó ông cậu khó khăn lắm và không biết gia đình có còn giữ được bức bình phong đó hay đã bán. Ông Thân bần thần kể lại mà bất giác mắt ngấn lệ.

* * *

Chia tay làng cổ Cự Đà, nghĩ về cuộc đời đầy thăng trầm nhưng rất phong phú của Luật sư Vũ Trọng Khánh, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến đôi câu đối treo ở nhà ông giáo Cơ. Đó là “Thiên hạ đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận/ Hung trung vô vạn quyển thư vị tất năng văn” nghĩa là trong thiên hạ chỉ cần có được một người tri kỷ là đã có thể không ân hận (vì không ai hiểu mình nữa)/ Trong bụng chưa chứa vạn cuốn sách thì đừng nói gì đến văn chương…

“Thiên hạ đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận” là câu của Trương Tào trong bài “U mộng ảnh”, nghĩa là ở đời có được một người tri kỷ, đồng thanh, đồng khí với mình thì không còn ân hận gì nữa, hay nói cách khác lúc sống có một người biết mình, thì lúc chết cũng không uổng cuộc đời – Hình như trong Cổ học tinh hoa khi bàn về tình bạn giữa Bão Thúc Nha với Quản Trọng, các học giả đã bàn như thế. Nhưng tìm được người tri âm, tri kỷ khó lắm thay, cho nên Trương Tào mới viết thêm rằng, tri kỷ không chỉ là người mà con có thể là cây cỏ, như Đào Tiềm lấy hoa cúc làm tri kỷ, Hòa Tĩnh thì chọn hoa mai, Liêm Khê thì chọn hoa sen… Giá như thời gian lùi lại hơn 20 năm về trước, ta được gặp Luật sư Vũ Trọng Khánh để hỏi rằng với ông ai là người tri kỷ nhỉ?!

Ghi chép của Nguyễn Phan Khiêm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin