Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) - Ảnh: VGP/Hải Minh
Những điều doanh nghiệp Việt cần biết từ FTA Việt Nam và Israel
1. FTA đầu tiên giữa một nước Đông Nam Á với Israel và là FTA thứ 16 giữa Việt Nam với các đối tác toàn cầu.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài việc góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm Chính phủ…
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang không chỉ Israel mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.
VIFTA sẽ tạo tiền đề để hai Bên tiếp tục khởi động đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khác như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
2. Israel một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực.
Israel là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại Tây Á. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. Về vốn đầu tư nước ngoài, Israel xếp thứ 12 trên tổng số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin và nông nghiệp.
Các mặt hàng Israel xuất khẩu sang Việt Nam gồm có máy tính, thiết bị điện tử, phụ tùng, linh kiện bán dẫn, phân bón, máy móc, công cụ và rau củ quả. Trong đó máy tính các thiết bị điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất (1.2 tỷ USD, chiếm 85,7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel trong năm 2022). Israel được biết đến là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, đặc biệt là về máy tính và các thiết bị điện tử, đồng thời sở hữu nhiều công ty công nghệ có giá trị như StoreDot, Mobileye, Cortica… đều là những công ty đi đầu trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ với các sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, máy tính, chíp bán dẫn và các thiết bị điện tử, linh kiện thay thế của Israel đều là những sản phẩm có chất lượng tốt và được biết đến rộng rãi trên toàn cầu nhờ chất lượng và độ tin cậy của chúng. Việc FTA Việt Nam - Israel có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm công nghệ chất lượng cao từ quốc gia này với giá thành tốt hơn.
(Ảnh minh họa)
Về nhập khẩu, Israel và khu vực Trung Đông có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng nông nghiệp như gia vị (quế, hồi, hạt tiêu…), hải sản (tôm, mực, cá ngừ…), hạt điều, cà phê, các loại thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, hàng dệt may và giày dép; các mặt hàng công nghệ như điện thoại, điện thoại di động và phụ tùng. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Israel vẫn tiếp tục quan tâm tới nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô (bánh tráng cuốn, bánh đa nem, phồng tôm...), hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép....), nông sản, thủy - hải sản các loại, rau củ quả sấy khô, nước giải khát, hàng gia dụng, thiết bị y tế, găng tay các loại, bao bì các loại.... từ Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, quan trọng tại Châu Á để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường này gồm: tôm, mực đông lạnh, bạch tuộc, cá ngừ đóng hộp, cá tra
Thị trường Israel còn là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu rau quả tươi nhiệt đới. Bởi, mặc dù Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao, tuy nhiên nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… vẫn bị thiếu hụt. Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Cùng với đó, cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại tại thị trường Israel mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp Việt còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - một trong số những thị trường lớn trên thế giới với hơn 1,4 tỷ dân.
Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao: Khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”. Đồng thời, Israel cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen để giành lợi thế thị trường.
Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng, đặc biệt khi kinh doanh thực phẩm cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như Chứng nhận Kosher - tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này.
Chính sách cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao của Isarel
Nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực then chốt của Israel, số các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ của nước này cũng nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Ước tính 24% lực lượng lao động của Israel đã tốt nghiệp đại học và qua đào tạo. Điều đó đồng nghĩa, với mỗi 10.000 người, có tới 135 kỹ sư có bằng đại học hoặc cao hơn. Theo báo cáo của Deloitte, Israel có tới 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Chính phủ Israel đã sớm xây dựng cơ cấu tổ chức phục vụ cho đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản, khoa học. Quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel sẽ cung cấp tiền cho các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có ý tưởng hay nhưng gặp khó khăn về tài chính. Có trường hợp doanh nghiệp được nhà nước cho vay với điều kiện: Nếu sản phẩm được sản xuất thành công thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước Israel 3-5% giá trị sản phẩm. Ngược lại, nếu sản phẩm làm ra gặp thất bại do yếu tố khách quan, hợp lý thì khoản nợ này được xóa. Như vậy, dù khởi nghiệp thất bại nhưng doanh nghiệp vẫn có cơ hội làm lại.
Các quốc gia trên thế giới đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của Israel
Có một nguyên tắc mà Chính phủ Israel luôn yêu cầu các doanh nghiệp khởi nghiệp được nhà nước hỗ trợ vốn phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là bằng sáng chế phải được đăng ký tại Israel và phải được cấp bởi cơ quan chức năng của Israel. Mặt khác, doanh nghiệp khởi nghiệp không được chuyển giao các sáng chế đó cho công ty nước ngoài nếu không được sự đồng ý của Chính phủ Israel.
Ngoài hỗ trợ kinh phí, trong năm 2022, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ việc làm, trợ cấp lương cho nhân viên mới từ 10%-40% cho đến vài năm, ưu đãi sở hữu trí tuệ, tài sản sở hữu trí tuệ được tạo ra ở Israel hoặc được chuyển giao cho các công ty ở Israel đủ điều kiện sẽ được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, được tặng cổ tức và lãi vốn… Hiện nay, 1/10 kỳ lân trên thế giới đến từ Israel. Các công ty khởi nghiệp đáng chú ý của Israel gồm có Wiz với 900 triệu USD vốn, dự kiến sẽ định giá 10 tỷ USD vào năm 2023. Đây là công ty an ninh mạng chuyên về bảo mật cho cơ sở hạ tầng đám mây và cũng là kỳ lân an ninh mạng có giá trị nhất thế giới.
Theo giới quan sát, Israel đã thống trị các lĩnh vực công nghệ trong nhiều thập niên và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai. Vẫn còn đó những thách thức, nhưng với lịch sử đổi mới không ngừng nghỉ và đáng kinh ngạc, động lực đổi mới của Israel là không thể phủ nhận và chỉ có thời gian mới cho thấy tác động đầy đủ của nó đối với tinh thần kinh doanh toàn cầu, như tờ Finextra nhận định.
Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Israel đã xây dựng những chính sách và giải pháp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với triển khai ứng dụng thực tế, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ tối đa cho nền nông nghiệp công nghệ cao.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Israel không xây dựng một đạo luật bao trùm, tạo ra một khuôn khổ quy định chung cho nông nghiệp, thay vào đó là xây dựng từng đạo luật riêng điều chỉnh các đối tượng cụ thể. Các luật chính và các quy định liên quan trực tiếp đến nông nghiệp công nghệ cao ở Israel như:
- Luật Nông nghiệp năm 1967 xác định bản chất của hoạt động nông nghiệp, quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng tư liệu đầu vào quan trọng của nông nghiệp là đất và nước. Luật này đóng vai trò là công cụ lập pháp để đảm bảo các hoạt động nông nghiệp được phát triển tốt, phù hợp với mục tiêu chính sách của Nhà nước; Luật Đất đất đai năm 1960 xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của nông dân đối với đất nông nghiệp (không được bán, cho thuê hay tặng cho…) mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai quốc gia (bởi 93% đất đai ở Israel thuộc sở hữu công cộng do Nhà nước quản lý, người dân chỉ được Nhà nước giao đất nông nghiệp để canh tác);
- Luật về Nước năm 1959 điều chỉnh tất cả các khía cạnh của việc sử dụng và tái sử dụng nước, thiết lập một khuôn khổ để kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ các nguồn nước của Israel, đặc biệt là tái chế nước thải để phục vụ hoạt động tưới tiêu. Tất cả các nguồn nước ở Israel đều là tài sản công cộng, mọi người đều có quyền sử dụng nước miễn là việc sử dụng đó không làm cho tài nguyên nước bị nhiễm mặn, cạn kiệt.
- Ngoài ra, còn nhiều các đạo luật, các văn bản pháp luật khác ở một khía cạnh nhất định cũng góp phần tạo điều kiện cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Israel phát triển như Luật Đầu tư, Luật Chống độc quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập, Luật Công nghệ…
Để góp phần tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel, một cường quốc về cả nông nghiệp lẫn công nghệ. Đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp mới, yếu tố được xem là quyết định của thành công. Thứ hai, Nhà nước cũng nên thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ như giao thông, cơ khí thậm chí cả công nghiệp quốc phòng để tạo nền tảng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, cần đặt niềm tin vào nông nghiệp và đất đai, rằng nó có thể mang lại cơ hội tăng trưởng bền vững.