Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV và những dấu ấn trong lòng cử tri (Kỳ 2)

(Pháp lý) - Từ sự sắc sảo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp- ĐBQH Lê Thị Nga, đến những chuyên đề giám sát chuyên sâu, thiết thực được thực hiện bởi các Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Tư pháp…, thời gian qua nhiều vấn đề mà cử tri bức xúc thuộc lĩnh vực tư pháp, được các cơ quan ban ngành chức năng vào cuộc giải quyết làm rõ. Đặc biệt qua giám sát, thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo vệ công lý.

Một phiên họp của Ủy ban Tư pháp (ảnh nguồn quochoi.vn)
Một phiên họp của Ủy ban Tư pháp (ảnh nguồn quochoi.vn))

Kịp thời, thúc đẩy các cơ quan giải quyết nhiều vấn đề dân sinh, tư pháp

Theo dõi hoạt động của Quốc hội khóa XIV, có thể thấy Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – Lê Thị Nga là người rất thẳng thắn, thường xuyên nói lên những vấn đề dân sinh bức xúc. Vào ngày 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019. Vấn đề liên quan đến ngành điện nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Dư luận và cử tri bức xúc về việc tăng giá xăng, giá điện, đồng thời cũng hoan nghênh Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều vấn đề cần giải trình rõ như cơ sở tăng giá điện; trong cơ cấu giá điện cái nào hợp lý cái nào không hợp lý; phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa hay không; có phải trên thế giới càng dùng nhiều điện giá càng tăng hay không?... Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị kiểm tra và trả lời để dư luận rõ, tại sao tăng giá điện vào thời điểm nắng nóng người dân phải dùng nhiều nhất?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thường xuyên lên tiếng thẳng thắn, kịp thời về những vấn đề dân sinh bức xúc.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thường xuyên lên tiếng thẳng thắn, kịp thời về những vấn đề dân sinh bức xúc.)

Không chỉ với đời sống dân sinh, trong các vấn đề phát sinh từ hoạt động tư pháp, bà Nga cũng thể hiện sự quan tâm rất kịp thời và quyết liệt đề nghị làm rõ. Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh (62 tuổi, cựu Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng) có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy vào ngày 1/4 gây bức xúc trong dư luận. Ngay tại cuộc họp của Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban này đã yêu cầu ngành Công an vào cuộc, báo cáo. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đến nay cựu Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Linh đã bị truy tố.

Qua vụ việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá còn một khoảng trống pháp lý trong giải quyết các vụ việc, vụ án dâm ô, xâm hại tình dục. Bà Nga đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thực hiện đúng thẩm quyền, sớm có hướng dẫn theo quy định của luật để bảo đảm không bế tắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Các vụ việc mà Ủy ban Tư pháp và báo chí nêu, cơ quan tiến hành tố tụng trả lời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết để đáp ứng nhanh yêu cầu của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Nhiều kiến nghị quan trọng bổ sung cho quá trình xây dựng luật

Không chỉ sắc bén trong giám sát tại Nghị trường, Ủy ban Tư pháp còn là nơi thực hiện nhiều giám sát chuyên sâu có ý nghĩa. Hoạt động giám sát chuyên đề có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề phát sinh từ thực tế, thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật và hoàn thiện pháp luật.

Giám sát chuyên đề về “việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân” là một ví dụ cụ thể. Đoàn giám sát gồm các thành viên của Ủy ban Tư pháp đã đến nhiều thành phố như Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Ninh… đều là những địa bàn mà qua đơn thư trình bày của người dân, tình hình thi hành các bản án hành chính còn tồn tại, khúc mắc.

Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc giám sát chuyên đề mang rất nhiều ý nghĩa với hoạt động tư pháp và lập pháp nói chung (ảnh đại biểu phát biểu)
Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc giám sát chuyên đề mang rất nhiều ý nghĩa với hoạt động tư pháp và lập pháp nói chung (ảnh đại biểu phát biểu))

Theo ông Nguyễn Văn Pha, việc chính quyền một số nơi cố tình không chấp hành bản án là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định UBND và Chủ tịch UBND là bên bị kiện phải tham gia đối thoại, phải tham dự phiên tòa. Tuy nhiên ở nhiều nơi, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND không tham gia mà ủy quyền cho cấp phó đưa ra các quyết định tại phiên tòa. Đồng thời, về mặt khách quan do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ (ví dụ như Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản hành chính) nên việc đánh giá các chứng cứ của các cơ quan tư pháp khó khăn. Điều đó dẫn đến hệ lụy là khi bản án được ban hành mà gây bất lợi cho UBND, họ kháng cáo hoặc đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên kháng nghị để giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm. Các kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ nên không được chấp nhận và bản án được giữ nguyên. Nhiều UBND không “tâm phục, khẩu phục” nên khi tổ chức thi hành, không chịu thi hành.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Pha cho biết thêm: Tiếp thu các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tư pháp, hành pháp có những biến chuyển phù hợp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã biết và có văn bản chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND các địa phương phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Tố tụng hành chính, cán bộ địa phương phải tham dự phiên tòa hành chính và khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì yêu cầu các cơ quan chức năng phải nghiêm túc thực hiện thi hành. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc thực hiện nghiêm Luật Tố tụng hành chính.

Qua giám sát chuyên đề, Ủy ban Tư pháp đã ghi nhận, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các cơ quan và nghiên cứu, tiếp thu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền được giao, hướng dẫn hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích những quy định chưa rõ, gặp khó khăn trong quá trình áp dụng.

Trong quá trình ghi nhận ý kiến của cử tri, Ủy ban Tư pháp cũng chủ động phát hiện những vấn đề quan trọng của tư pháp gắn chặt với đời sống của người dân mà các cơ quan hữu quan phải quan tâm giải quyết. Ủy ban Tư pháp có nhiều khảo sát, giám sát đáng chú ý khác như :“Việc áp dụng pháp luật về phòng, chống mua bán người và hướng nghiên cứu hoàn thiện”; “Tình hình đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm và những khó khăn, vướng mắc tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…”.

Thông qua các cuộc giám sát, khảo sát, Ủy ban Tư pháp đã thu thập được nhiều thông tin giúp đánh giá về thực trạng việc tổ chức thực hiện và chấp hành pháp luật của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác; đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Thông qua giám sát, Ủy ban Tư pháp cũng đã có nhiều kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

Đưa ra những kiến nghị quan trọng đối với công tác cải cách tư pháp

Nhận nhiệm vụ trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp có nhiệm vụ quan trọng thẩm tra các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC; Chánh án TANDTC; Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND, ngành KSND; Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng.

Còn nhớ, trong năm 2018, khi thẩm tra các báo cáo trên, đại diện Ủy ban Tư pháp đã đưa ra những kiến nghị kịp thời sắc sảo: “Đề nghị Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng một số Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên nể nang, ngại va chạm trong giải quyết án hành chính và thi hành án hành chính”. Hay những kiến nghị, đề nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay chính trong các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của ngân dân… Chỉ đạo Bộ Công an và các ngành chức năng và chính quyền địa phương thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng bảo kê cho tội phạm… kiểm soát chặt chẽ hoạt động của bar, vũ trường để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, chất gây nghiện trong giới trẻ.

Là cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đưa ra có ý nghĩa đối với công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể: Ủy ban Tư pháp đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, hình sự; đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; đề nghị chỉ đạo các hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tập trung phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức lợi ích nhóm, sân sau để sát với tình hình tham nhũng trong thực tế….

Tại các phiên thẩm tra, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị trong báo cáo cần chỉ rõ địa phương, bộ, ngành nào làm chưa tốt công tác phòng, chống tham nhũng để có hướng xử lý, khắc phục cụ thể.

Không chỉ với các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp khi giám sát báo cáo của các cơ quan tư pháp cũng đưa ra những kiến nghị rất sát sườn nhằm đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền hợp pháp của dân. Trước những vấn đề thực tế, năm 2018, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị VKSNDTC khắc phục cơ bản việc Tòa án phải trả yêu cầu điều tra bổ sung, tăng cường chất lượng, kĩ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; Làm rõ nguyên nhân của việc giảm mạnh tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án và có biện pháp thúc đẩy tiến độ, chất lượng xử lý, đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Đề nghị Chánh án TANDTC tiếp tục có giải pháp hạn chế việc tuyên án treo không đúng quy định của pháp luật, việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành; Khắc phục triệt để những hạn chế trong giải quyết án hành chính nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phối hợp các cơ quan hữu quan để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật…

Kết mở

Có thể nói, tuy Quốc hội khóa XIV mới đi được hơn nửa chặng đường, nhưng cử tri đánh giá cao chất lượng hoạt động của nhiều Ủy ban của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Tư pháp. Trong phạm vi 2 bài viết, Phóng viên không thể khắc họa hết được những hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà Ủy ban này đã làm thời gian qua. Tin tưởng và kỳ vọng tới đây, Ủy ban Tư pháp tiếp tục có những tiếng nói, hoạt động thiết thực hơn nữa vì dân, vì công lý…, xứng đáng với niềm tin yêu, là chỗ dựa vững chắc cho cử tri trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Phan Tĩnh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin