Từ vụ đề nghị bồi thường Nhà nước cao kỷ lục (hơn 55 tỷ) ở Bình Định: Cần sửa Luật để ngân sách không bị thâm hụt, cán bộ làm sai phải biết sợ

(Pháp lý) - Nếu mức đề nghị bồi thường hơn 55 tỷ đồng (theo đề nghị của VKSNDTC) được chấp thuận, vụ án xét xử một chấp hành viên (thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định) về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ trở thành kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam (tính đến hiện tại) về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN). Thêm vụ án này, dư luận càng băn khoăn về tính khả thi trong thực hiện bồi hoàn tài sản của Nhà nước khi mà trước đó đã có rất nhiều vụ án, Nhà nước đã bỏ ra tiền tỷ để bồi thường, nhưng số tiền người thực thi công vụ hoàn trả không đáng kể, thậm chí bế tắc…

Bồi thường “khủng”, hoàn trả nhỏ giọt

Liên quan đến vụ án có mức đề nghị bồi thường kỷ lục nói trên, theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Chánh (nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định) gây thiệt hại đối với 2 doanh nghiệp Huy Phương và Phú Lợi được xác định là lỗi cố ý. Tại thời điểm kê biên lô hàng hơn 1.600 tấn sắn lát của doanh nghiệp Huy Phương gửi tại kho hàng DN Phú Lợi, Chánh không yêu cầu cung cấp sổ sách, chứng từ kế toán chứng minh nguồn gốc hàng hóa… Sau khi kê biên, mặc dù DN Phú Lợi đã cung cấp các văn bản chứng minh lô hàng trên là của DN Huy Phương gửi, nhưng Chánh vẫn không áp dụng biện pháp giải tỏa lô hàng. Phải chờ đến hơn 30 tháng, sau khi Tòa án TP. Pleiku phán quyết công nhận lô hàng thuộc sở hữu của DN Huy Phương, thì Chánh mới ra quyết định trả lại tài sản tạm giữ, thu hồi các quyết định cưỡng chế kê biên. Đến lúc này, toàn bộ lô hàng bị tạm giữ trong kho bị giảm cả về chất lượng và số lượng…

Ngoài ra, bị cáo Chánh còn niêm phong, thu giữ trái luật hàng hóa của DN Phú Lợi tại Khu Công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn), không mở nhà kho, xưởng sản xuất theo đúng kế hoạch kê biên tài sản. Việc làm này của Chánh khiến hàng hóa bên trong của DN Phú Lợi là 26.000 tấn sắn lát khô không thể tiêu thụ được đúng thời vụ, 33 tấn hạt ươi hư hỏng, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng…

image001Do còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ nên HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Bình Định đã tuyên trả hồ sơ yêu cầu bổ sung… Như vậy nếu đề nghị của Viện KSNDTC được HĐXX chấp nhận trong phiên tòa tới đây, thì trong thời hạn 2 ngày sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Trách nhiệm BTCNN 2017, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định (cơ quan trực tiếp quản lý bị cáo Chánh thi hành công vụ gây thiệt hại) phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền để giải ngân số tiền hơn 55 tỷ đồng bồi thường cho các bị hại.

Xếp sau mức kỷ lục TNBTNN nói trên, phải kể đến vụ án Nguyễn Long Vân - nguyên chấp hành viên, Phó trưởng Thi hành án TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị truy tố về “Tội ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại Điều 371 BLHS 2015, do TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm (28/2/2019). Theo đó, ngoài trách nhiệm hình sự 3 năm tù treo đối với bị cáo, HĐXX còn tuyên buộc Chi cục THA dân sự TP. Đà Lạt bồi thường cho bà Phạm Thị Hồng gần 17,6 tỉ đồng…

Kể từ khi có Luật TNBTCNN năm 2009, ngành tố tụng Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ án oan sai do những cán bộ, công chức trong ngành tố tụng gây ra phải bồi thường từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó điển hình là vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm (2003 – 2013), được xác định lỗi do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở cả địa phương và Trung ương chưa “áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…”. Liên quan đến vụ án này, Nhà nước đã phải chi ra 7,2 tỷ đồng để bồi thường cho bị hại.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2018, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 94 vụ việc, trong đó có 32 vụ việc thụ lý mới, đã giải quyết xong 45/94 vụ việc, đạt tỉ lệ 47,8%. Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là hơn 28,3 tỷ đồng. Trước đó năm 2015, cũng theo Bộ Tư pháp có gần 100 vụ việc bồi thường được thụ lý, trong số này hơn 40 vụ đã được giải quyết. Tổng tiền nhà nước chi trả trong các quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là hơn 16 tỷ đồng…

Việc Luật TNBTNN quy định sử dụng ngân sách Nhà nước là nguồn kinh phí thực hiện chi trả tiền bồi thường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm tốt hơn một số quyền con người được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Điều ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp năm 2013 cũng như tương thích và không trái với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Bởi với mức thu nhập, lương cán bộ, công chức nước ta hiện nay, để thực hiện có hiệu quả vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân trên cơ sở thực hiện nguyên tắc kịp thời thì chỉ có ngân sách Nhà nước mới bảo đảm khả năng bồi thường theo quy định pháp luật.

Như vậy, tổng số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để thực hiện trách nhiệm BTNN trong thời gian qua theo quy định của pháp luật là không nhỏ. Trong khi đó số tiền mà Nhà nước thu hồi lại từ những cán bộ, công chức làm sai là không đáng kể. Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật TNBTNN diễn ra tại TP.HCM (tháng 9/2017), do Bộ Tư pháp tổ chức, chủ trì, liên quan tới vấn đề hoàn trả lại khoản tiền tạm ứng bồi thường, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Nhà nước chi hơn 100 tỷ để bồi thường trong suốt thời gian thực hiện Luật TNBTNN năm 2009, nhưng thực tế công chức gây thiệt hại chỉ hoàn trả được vài trăm triệu. Trước đó theo Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật TNBTNN cũng do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, đến cuối 2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc, với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Trong khi đó chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền hoàn trả gần 677 triệu đồng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Nhận diện nguyên nhân và đề xuất giải pháp

Để thu hồi lại số tiền ngân sách nhà nước đã chi BTNN, tại Chương 7, Luật TNBTCNN năm 2017 đã dành 9 điều khoản để điều chỉnh. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại do cố ý thì phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại; nếu có lỗi cố ý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 – 50 tháng lương (cao hơn mức tối đa 20 tháng so với Luật 2009); nếu lỗi vô ý thì mức hoàn trả từ 3 – 5 tháng lương của người thi hành công vụ. Việc xem xét trách nhiệm và thu hồi số tiền hoàn trả do Cơ quan Cục THADS tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện trong thời hạn 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp thì được kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường.

Tại khoản 2 Điều 68 Luật TNBTCNN 2017 quy định: “Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào thu nhập từ tiền lương hằng tháng của người thi hành công vụ (được hiểu là tiền lương không phải là nguồn hoàn trả duy nhất – PV) thì mức trừ tối thiểu là 10% và tối đa là 30% thu nhập từ tiền lương hằng tháng”. Trong khi đó cách tính để trừ dần vào tiền lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, theo Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTNN hướng dẫn tại khoản 1 Điều 26 như sau: “Lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc”…

 Bị cáo Nguyễn Văn Chánh (người đứng bên trái) tại phiên tòa do TAND tỉnh Bình Định xét xử (ngày 19/7) có mức đề nghị bồi thường Nhà nước cao kỷ lục
Bị cáo Nguyễn Văn Chánh (người đứng bên trái) tại phiên tòa do TAND tỉnh Bình Định xét xử (ngày 19/7) có mức đề nghị bồi thường Nhà nước cao kỷ lục)

Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, với quy định nêu trên của pháp luật về hoàn trả tiền BTNN, đối chiếu với mức lương cơ sở của CBCC hiện nay nhân với hệ số lương tột khung và cộng tất tần tật các khoản phụ cấp khác theo ngạch, bậc; thì đối với những trường hợp bị tuyên mức trách nhiệm bồi thường “khủng” (điển hình như trường hợp bị cáo Chánh trong vụ án vừa bị VKSNDTC đề nghị mức BTNN hơn 55 tỷ) thì không những cá nhân người thi hành công vụ mà đến đời con, đời cháu của họ cũng không thể nào hoàn trả đủ cho Nhà nước. Đối với những trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc thì việc hoàn trả tiền bồi thường cho Nhà nước càng xa vời hơn, bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 71, “trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật”…

Rõ ràng là việc pháp luật quy định trách nhiệm hoàn trả sau khi bồi thường như vậy là rất khó khả thi nếu không muốn nói là hình thức. Vì vậy không có tác dụng răn đe đối với đội ngũ CBCC khi thực thi công vụ và trên thực tế đã tạo ra một tâm lý nhờn luật…

Cần nhìn nhận rằng các vụ án oan sai là một hiện tượng xã hội, là thực tế, không ai có thể chối cãi, phủ nhận và chắc chắn không thể tránh khỏi. Hàng năm, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét, giải quyết hàng trăm nghìn vụ án các loại (những năm 2009, 2010, 2011 và 2012, trung bình 300 nghìn vụ một năm), trong đó khoảng 70% là các vụ án hình sự. Điều này cho thấy tỷ lệ các vụ án oan sai chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hàng trăm nghìn vụ án đã được giải quyết nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Ngay ở các nước phát triển trên thế giới cũng xảy ra các vụ án oan sai chứ không phải riêng ở Việt Nam như tại Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Ngoài lý do chính gây nên tình trạng án oan sai ở nước ta là do một bộ phận đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ quan tư pháp chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; số lượng vẫn còn thiếu so với nhu cầu, chất lượng chưa đồng đều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là trong đội ngũ cán bộ Tư pháp nói riêng và đội ngũ CBCC nói chung có một bộ phận sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trong công việc… Chính bộ phận này đã gây tổn hại không nhỏ cho người dân vô tội, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của các cơ quan Tư pháp, các cơ quan Nhà nước trước nhân dân. Do đó không phải vì thế mà “du di” chế tài trách nhiệm hoàn trả tiền BTNN. Bởi ngân sách nhà nước cấu thành từ tiền thuế của người dân đóng góp, không cho phép một tổ chức hay cá nhân nào được quyền phung phí, trục lợi.

Từ thực tiễn cán bộ làm sai, hoàn trả tiền trách nhiệm BTNN bất cập, các chuyên gia luật cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN hiện hành theo hướng tăng cường chế tài đối với trách nhiệm hoàn trả tiền BTNN, để mỗi CBCC khi thực thi công vụ đều phải hết sức cẩn trọng và làm hết trách nhiệm, hạn chế thấp nhất những rủi ro xảy ra. “Cụ thể là phải nâng mức hoàn trả tiền BTNN lên cao hơn so với quy định hiện nay để bù đắp lại một phần ngân sách đã bỏ ra. Đối với những vụ án có mức đề nghị BTNN với số tiền “khủng”, mất khả năng hoàn trả, thì ngoài số tiền hoàn trả nhất định, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại còn phải chịu trách nhiệm hình sự… ” – Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) đề xuất.

Còn theo ý kiến Luật gia Nguyễn Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai): “Nhiều vụ việc sai phạm lớn, mà kết luận do cán bộ vô ý để giảm trừ trách nhiệm hoàn trả thì người dân rất khó chấp nhận. Do đó cần quy định rõ ràng trong luật thế nào là lỗi cố ý và lỗi vô ý, để trách nhiệm bồi thường không chỉ trông hoàn toàn vào ngân sách, vào tiền thuế của dân”.

Đề cập đến chế tài về việc quy trách nhiệm cho công chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: “Để hoàn trả tiền bồi thường, hiện nay các nước đều áp dụng biện pháp trừ lương. Tuy nhiên với nhiều cán bộ công chức, các xử lý về quyền lợi chính trị sẽ có tác dụng răn đe hơn nhiều so với biện pháp trừ lương. Chẳng hạn, tạm dừng việc vì trình độ non kém, cho đi học bồi dưỡng lại thì còn “đau” hơn nhiều so với trừ một vài năm lương…”


Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định): “Để có một khoản tiền bồi thường thay vì phải lấy tiền ngân sách, các cơ quan tiến hành tố tụng nên mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chức là đối tượng phải hoàn trả của Luật TNBTCNN”- ông Sơn nói.

MINH TRUNG

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin