(Pháp lý) – Thời gian qua, xuất hiện nhiều hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Đặc biệt mới đây cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố, truy tố các bị can là thành viên của nhóm “Báo sạch” về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước.
Từ hoạt động của nhóm Báo sạch, cần nghiên cứu nhận diện những chiêu thức thủ đoạn lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, chống phá chính quyền. Và đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh xử lý nghiêm loại tội phạm nguy hiểm này.
Những vi phạm pháp luật của nhóm “Báo sạch”
Vào tháng 5/2021 Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980), Đoàn Kiên Giang (SN 1986, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982, ngụ TP Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Trong quá trình giải quyết vụ án, đến ngày 6/7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra TP Cần Thơ đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thế Thắng (SN 1982, ngụ TP Hà Nội) điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Đây đều là những thành viên của nhóm “Báo sạch” - một tổ chức chuyên viết và đăng tải nhiều bài viết và video clip về các chủ đề "nóng" được dư luận quan tâm và đưa lên mạng xã hội như vụ án Hồ Duy Hải, hạn mặn miền Tây, tranh chấp đất tại Đồng Tâm bài viết về Trường Tôn Đức Thắng, vấn đề về cấm xuất khẩu trong đợt dịch Covid-19, cưỡng chế tại Gia Trang Quán (TP Hồ Chí Minh).... Nhiều bài viết, đăng tải lên tài khoản cá nhân của các bị can đều núp dưới danh nghĩa hoạt động “báo sạch”, nhưng thực chất của các bài viết là định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.
Riêng đối với bị can Trương Châu Hữu Danh, Cơ quan An ninh điều tra đã thu thập 31 bài viết liên quan đến TP Cần Thơ và 29 video đăng công khai trên Facebook, bị can Danh thừa nhận các bài viết phản ánh là sai sự thật. Ngoài sử dụng Facebook cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội tại Cần Thơ, bị can Danh cùng với các bị can Bảo, Nhã, Giang đã lợi dụng các quyền tự do báo chí để viết, đăng tải trên Fanpage “Báo sạch” và Grourp “Làm Báo Sạch”. Nhiều bài viết Fanpage “Báo sạch” và Grourp “Làm Báo Sạch” - do các bị can thành lập, có nội dung không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng, mang tính chất suy diễn chủ quan.
Núp dưới danh nghĩa là một nhóm người dám “thẳng thắn” chia sẻ về những vấn “nóng” của dư luận, nhưng bản chất các bài viết được nhóm đối tượng đăng tải lại có những bình luận thiếu căn cứ, lời lẽ ngụy biện, xuyên tạc với ý đồ xấu. Chiêu bài được các đối tượng sử dụng chủ yếu là quy kết sự việc dựa trên suy diễn cảm tính, thiếu bằng chứng khách quan…
Vậy mục đích đằng sau những chiêu bài tự do ngôn luận của nhóm đối tượng này là gì?
Báo sạch không phải tổ chức đầu tiên bị khởi tố về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước. Giống như motip chung trước đó của nhiều thế lực cơ hội chính trị, bất mãn trong nước và quốc tế, họ đã lấy danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền”, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để biến những thông tin chắp vá, thiếu trung thực nhằm vu cáo, bịa đặt, hạ thấp vai trò, vị trí, uy tín của Đảng và Nhà nước. Sâu sa của những hành vi này nhằm hình thành, tập hợp lực lượng để chống phá, lật đổ chính quyền.
Nhận diện những chiêu thức thủ đoạn chống phá
Những nhóm cơ hội chính trị như “Báo sạch” xác định phải “xâm nhập” vào được tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì mới đạt kết quả . Do vậy thủ đoạn chủ yếu được các đối tượng sử dụng để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước là qua hình ảnh, bài viết, video clip trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, BBC Vietnamese.com…) với motip, như:
Thứ nhất, chúng khai thác, sử dụng các thông tin trên báo chí phản ánh các vấn đề tiêu cực, tệ quan liêu tham nhũng, các tệ nạn trong xã hội... để đăng tải theo chiều hướng thông tin một chiều, nhằm gây tác động đến tư tưởng người đọc.
Thực chất, không một Nhà nước nào là hoàn hảo tuyệt đối, bởi Nhà nước là một tổ chức được hình thành và phát triển bởi con người, nhân vô thập toàn nên Nhà nước cũng vậy. Mô hình này vẫn sẽ tồn tại những khuyết điểm như nạn quan liêu tham nhũng, sự xuống cấp đạo đức của số ít cán bộ lãnh đạo… Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đánh đồng vài “con sâu” thành những khuyết điểm chung của cả một hệ thống chính trị. Lịch sử và thực tế hiện nay đã minh chứng: sự lãnh đạo của Đảng ta và sự vận hành của bộ máy Nhà nước đã đưa đất nước vượt qua những cơn sóng to gió lớn của thời đại. Cùng với đó Đảng và Nhà nước luôn cố gắng phấn đấu xây dựng một xã hội đảm bảo công bằng, dân chủ, văn minh và đặt con người là trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.
Thứ hai, các thế lực cơ hội chính trị đã tập trung khai thác thông tin về những thiếu sót, hạn chế, chưa làm được của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…. đồng thời, các thế lực ra sức lợi dụng khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật để nâng hiện tượng cá biệt thành bản chất, bôi đen chế độ, phủ nhận hoàn toàn những cố gắng, những thành quả đã đạt được của cả hệ thống chính trị.
Bằng lời lẽ tưởng chừng như “khách quan, thẳng thắn” nhưng thực chất những đối tượng cơ hội chính trị muốn âm mưu dẫn dắt dư luận chê bai, phủ nhận vai trò nòng cốt của bộ máy chính quyền. Sau đó tập hợp thành những “cuộc biểu tình” trên không gian mạng, nghiêm trọng hơn có thể trở thành những cuộc nổi loạn ngoài đời thực.
Thứ ba, không chỉ dừng lại ở việc tự lên tiếng xuyên tạc, nói xấu chế độ, chúng còn lôi kéo, kích động các cá nhân có ý đồ hoặc lộ rõ ý đồ chống đối, bất mãn Nhà nước thành tập hợp lực lượng, các tổ chức thông qua các các trang mạng xã hội. Việc lôi kéo, dụ dỗ được thực hiện với những lời hứa hẹn, hậu thuẫn về mặt tài chính (là chủ yếu) hoặc “tự phong” nhau bằng những “chức danh” trong hội, nhóm, tổ chức.
Như vậy có thể thấy, những hội, nhóm, tổ chức như Báo sạch đã “vin” vào chiêu bài “dân chủ” làm “khâu đột phá” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá chế độ. Đằng sau tất cả những luận điệu “cải lương” là đòi hỏi thực hiện chế độ đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo, tiến tới loại bỏ Đảng Cộng sản ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đây chính là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của các thế lực cơ hội chính trị.
Quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam
Pháp luật quốc tế quy định các quyền con người trên không gian mạng là các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được thể hiện trên không gian mạng. Theo nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế: mọi người đều có quyền tự do biểu đạt mà không bị can thiệp. Đặc điểm chung của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế năm 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 (ICCPR) là: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức truyền đạt bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”.
Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, quyền tự do biểu đạt thông tin không chỉ diễn ra dưới hình thức trực tiếp bằng ngôn ngữ và hành động mà còn bao gồm hình thức gián tiếp thông qua không gian mạng, hình thức biểu đạt này vẫn là những nội dung được pháp luật quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng không phải là một quyền tuyệt đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô chính phủ, tự do kiểu hoang dã, ai cũng nói năng, phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc sự thật, bịa đặt, chia sẻ thông tin không kiểm chứng, bất chấp đúng sai sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây rối loạn xã hội, nhiễu loạn thông tin, có thể tạo ra khủng hoảng thông tin xã hội, dẫn đến bất ổn định an ninh trật tự xã hội.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 ICCPR thì quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu những hạn chế nhất định nhằm tôn trọng các quyền và tự do của người khác, sức khỏe cộng đồng hoặc đạo đức xã hội, vì lý do an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật quốc gia.
Năm 1982 Việt Nam tham gia ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), thừa nhận các giá trị pháp lý về quyền con người trong Luật Nhân quyền quốc tế, trong đó có các quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến.
Tính đến thời điểm hiện tại, về cơ sở bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam không ngừng được cải thiện. Tính tới ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, 21.132 nhà báo. Mặt khác, Việt Nam hiện là quốc gia top đầu về tỷ lệ công dân tham gia mạng xã hội, với hơn 70% công dân khắp các vùng, miền và các nhóm xã hội khác nhau. Đồng thời theo luật định, không ai và nhóm công dân nào bị cấm hay bị hạn chế tham gia mạng xã hội cũng như thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp được quy định ngay từ Hiến pháp năm 1946, tái khẳng định trong các bản Hiến pháp về sau. Đến Hiến pháp năm 2013 và các văn bản hiện hành điều chỉnh như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin...
Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thực hiện các quyền tự do của con người, quyền tự do trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân là rất rõ ràng, minh bạch, khoa học và nhân văn. Nhà nước luôn chăm lo thực hiện tốt quyền tự do cơ bản của con người, của công dân, nhưng đi kèm với đó phải là kỷ luật, kỷ cương, pháp luật.
Đối với hành vi lợi dụng để làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc thì phải nghiêm trị theo pháp luật. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định khá rõ ràng về giới hạn của quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, như: những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đều bị pháp luật xử lý.
Soi chiếu những quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước , có thể nhận thấy hành vi đăng tải nội dung các bài viết sai sự thật của nhóm “ Báo sạch” đã vi phạm giới hạn của quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Đó là các thông tin vu khống, bôi nhọ, bịa đặt, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, phủ nhận chính quyền. Nguồn tin này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự vận hành của bộ máy Nhà nước.
Thực tế đây không phải chiêu bài mới của tội phạm, nhiều tổ chức trước đó đã từng sử dụng với motip tương tự, song kết quả nhóm đối tượng “ Báo sach” vẫn đạt được ở một mức độ nhất định. Đó là lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ bài viết của người sử dụng mạng xã hội là không hề ít. Thậm chí tài khoản Facebook (trước khi chưa bị khóa) của bị can Trương Châu Hữu Danh, lượt người theo dõi đã lên đến hàng chục nghìn người, một con số không hề nhỏ. Cũng theo kết luận điều tra, từ năm 2011, bị can Trương Châu Hữu Danh trực tiếp đăng ký, sử dụng tài khoản Facebook cùng tên với mục đích viết bài, đăng các đoạn clip để phản biện xã hội.
Một số giải pháp đấu tranh, phòng ngừa
Thời gian tới, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ứng dụng và các tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống nhân dân, trong đó sự hiện diện và phát triển của mạng xã hội là tất yếu khách quan nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy về an ninh phi truyền thống. Do vậy để đấu tranh, phòng ngừa với những thủ đoạn lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm xâm phạm lợi ích Nhà nước, cần có những giải pháp trước mắt như sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Đây là một giải pháp rất quan trọng để mỗi công dân nêu cao trách nhiệm và nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát những “kẽ hở”, những “khoảng trống” cho việc hình thành, phát sinh, tồn tại những tiêu cực.
Thứ ba, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, củng cố niềm tin nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đây là một vấn đề hệ trọng nhằm tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân, tạo sức mạnh liên kết thống nhất để bác bỏ mọi luận điệu chia rẽ từ các phần tử chống phá.
Thứ tư, xây dựng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng, góp phần nhận diện, chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả trước mọi thủ đoạn tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí cần chủ động nhận diện, đấu tranh khoa học, hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Vũ Thủy