(Pháp lý) - Những đại án tham nhũng xảy ra ở các ngân hàng vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề cấp bách đối với các nhà quản lý cũng như đối với chính các tổ chức tín dụng, nhằm ngăn chặn những lỗ hổng gây thất thoát tài sản của ngân hàng. Phóng viên Pháp Lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Võ Đình Đức, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á xung quanh vấn đề này.
Những bài học nào cho hệ thống ngân hàng?
Phóng viên: Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới các “đại án” tham nhũng chuẩn bị đưa ra xét xử, trong đó có “đại án” tham nhũng xảy ra ở Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean bank). Với tư cách là một luật sư, ông có nhận định và đánh giá như thế nào về “đại án” này so với những đại án xảy ra ở các ngân hàng Xây dựng, ACB… trước đây?
LS Võ Đình Đức: So với các “đại án” xảy ra tại các ngân hàng Xây dựng, ACB trước đây thì vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean bank) phức tạp hơn. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an , trong vụ án này , các bị can đã thực hiện các hành vi phậm tội hết sức tinh vi, đặc biệt có sự tham gia của nhiều người, từ lãnh đạo Ngân hàng, hội sở cho đến các chi nhánh cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Việc phạm tội mang tính chất có hệ thống và tổ chức.
Đó cũng là lý do tại sao trong phiên tòa ngày 9/9/2016 xét xử vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh làm chủ mưu, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh đã kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm – cựu chủ tịch Ngân hàng Đại dương, bởi quá trình phạm tội của cả Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm có liên quan đến nhau trong quá trình mua lại Trustbank – tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng sau này.
Theo tôi, vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Đại Dương mà chủ mưu là ông Hà Văn Thắm rất khó và phức tạp hơn các vụ án trước rất nhiều. Trong vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Xây Dựng, các bị cáo chủ yếu thực hiện các hành vi lập hồ sơ khống, rút tiền trái phép của các cá nhân, tổ chức có liên quan gây thiệt hại cho Ngân hàng, nhưng trong vụ xảy ra ở Ngân hàng Đại Dương thì Hà Văn Thắm và các đồng phạm chỉ đạo cấp dưới chi lãi ngoài huy động vốn góp cho các khách hàng với số tiền lớn trái với quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất, gây thiệt hại số tiền lớn cho Ngân hàng Đại Dương. Mặt khác, Hà Văn Thắm còn đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn – Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Chính những hành vi này của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại không chỉ cho Ngân hàng Đại Dương mà còn làm thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động của Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Qua các “đại án” xảy ra ở các ngân hàng vừa qua, đặt ra những bài học gì về công tác nhân sự ở các ngân hàng hiện nay, thưa ông?
Tài chính – Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc gia. Thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp xuất hiện những vụ được cho là “đại án” Ngân hàng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, đã phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế , giảm mức độ tín nhiệm của các Ngân hàng tại Việt Nam. Điều này thực sự đáng lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi về công tác nhân sự, quản lý nhân sự tại các Ngân hàng hiện nay.
Theo ý kiến của tôi, chúng ta cần nhìn nhận thực tế công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao ở một số ngân hàng còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, hạn chế tối đa việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự mang tính quan hệ, cá nhân, bè phái. Ngân hàng Nhà nước cần sớm thực hiện việc kiểm tra đánh giá chất lượng nhân sự tại các Ngân hàng, các tổ chức tài chính để từ đó đưa ra các cảnh báo mang tính phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng nói chung.
Đặc biệt, các Ngân hàng cần thống nhất quy chuẩn chung đối với lãnh đạo Ngân hàng, nhân sự Ngân hàng từ trên xuống dưới để hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra cũng như có cơ chế giám sát hiệu quả hơn. Hạn chế việc tuyển nhân sự, bổ nhiệm nhân sự ồ ạt không quan tâm đến năng lực và hiệu quả công việc.
Qua một số đại án xảy ra ở ngân hàng, nhưng xem ra các Ngân hàng chưa rút ra được cho mình bài học về công tác thanh kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thường xuyên, giao dịch nội bộ và giao dịch có khả năng rủi ro cao. Chưa quản lý được các giao dịch giữa nhân sự Ngân hàng và người liên quan của họ ở các Ngân hàng, tổ chức tín dụng hay các doanh nghiệp khác có quan hệ tài chính với các Ngân hàng. Chính vì chưa có cơ chế kiểm sát chặt chẽ, hạn chế giao dịch liên quan, hạn chế giao dịch có giá trị lớn của lãnh đạo Ngân hàng dẫn tới hàng loạt vụ “đại án” như thời gian gần đây.
Còn bài học về việc các cơ chế chính sách và thanh kiểm tra ở các ngân hàng hiện nay như thế nào thưa ông?
Theo tôi, cơ chế chính sách và thanh kiểm tra ở các Ngân hàng hiện nay chưa hiệu quả. Chúng ta thường tỏ ra bị động, bị động hoàn toàn khi phát hiện các hành vi vi phạm hoặc có thông tin vi phạm mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chính việc này phần nào đã để cho tần suất “đại án” về Ngân hàng diễn ra nhiều như thế này trong thời gian qua. Như kinh nghiệm xưa đã nói “Mất bò mới lo làm chuồng”, câu châm ngôn này phần nào đúng với cơ chế chính sách, thanh kiểm tra ở các Ngân hàng hiện nay. Cụ thể, khi phát hiện hoặc có thông tin phản ánh có sự thất thoát, tham nhũng hoặc làm thiệt hại đến tài sản của Ngân hàng chúng ta mới tiến hành thanh kiểm tra. Điều đó là quá muộn và không thể khắc phục hoàn toàn được hậu quả để lại từ các vụ vi phạm đó. Ngược lại chính điều đó làm cho việc hoạt động của Ngân hàng trở nên khó khăn, chậm chạp.
Các thành viên trong Ban kiểm soát của các doanh nghiệp nói chung, các Ngân hàng nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu. Họ tiến hành thanh kiểm tra một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm điều đó gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi sai phạm, hồ sơ gian lận của lãnh đạo, nhân viên tại các Ngân hàng.
Từ thực tế đó, theo tôi chúng ta có một số bài học học kinh nghiệm, đồng thời đó cũng là những việc cấp bách cần làm đối với hệ thống Ngân hàng hiện nay: Cần có cơ chế giám sát, kiểm tra các giao dịch có giá trị lớn, có khả năng gây thất thoát cho Ngân hàng. Đối với các giao dịch đặc biệt cần có cơ chế lấy ý kiến, xác minh kiểm tra hồ sơ nhiều lần trước khi quyết định.
Các Ngân hàng cần thành lập Hội đồng kiểm tra, giám sát nội bộ, hội đồng hoạt động độc lập và thường xuyên, có quyền kiểm tra và quyết định các giao dịch lớn để từ đó hạn chế sự lạm quyền, quyền tự quyết của các lãnh đạo Ngân hàng một cách linh hoạt nhất. Thường xuyên thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra tài sản, biến động tài chính của các lãnh đạo, nhân sự Ngân hàng cũng như những người liên quan của họ nhằm có đánh giá tốt nhất về khả năng phát sinh các hành vi vi phạm, đồng thời từ đó có cơ chế giám sát hoạt động đầu tư, góp vốn, mức độ tham gia và liên quan của nhân sự Ngân hàng vào các Ngân hàng khác nhau, các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch với chính các Ngân hàng. Hạn chế sỡ hữu chéo của các cổ đông, giữa lãnh đạo các Ngân hàng, tổ chức tài chính trong giai đoạn hiện nay theo quy định của pháp luật Ngân hàng và pháp luật doanh nghiệp.
Nếu tóm gọn lại trong một số ý cần lưu ý nhất thì ông nhấn mạnh những vấn đề nào? Để nói về bài học cho các Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay bên cạnh các vấn đề về quản lý nhân sự, cơ chế và hoạt động thanh kiểm tra tại các Ngân hàng, theo tôi vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiêm túc thực hiện và xem xét cũng như nhiều bài học về quản lý Ngân hàng, nhìn chung có thể tóm gọn dưới các góc độ sau:
Thứ nhất: Cần nghiêm túc thực hiện việc báo cáo, kiểm soát tài chính của các nhân sự cấp cao nói riêng và nhân sự Ngân hàng nói chung. Chính hoạt động kiểm soát, báo cáo này giúp Ngân hàng nhà nước cũng như cổ đông, thành viên góp vốn và các Ngân hàng có thể đánh giá được phần nào hoạt động và biến động của ngân sự tại Ngân hàng để sớm có quyết định phù hợp, cần thiết là ngăn chặn để tránh thiệt hại lớn cho các Ngân hàng.
Thứ hai, rà soát lại hoạt động thẩm định, kiểm tra hồ sơ cho vay, hồ sơ giải ngân và các hoạt động chi khác nhằm tránh tình trạng lập hồ sơ khống. Đối với cá giao dịch lớn cần có cơ chế kiểm tra đặc biệt, liên kết giữa các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để tiến hành thẩm định, kiểm tra đối chiếu trước khi quyết định giao dịch.
Thứ ba, bài học về quy trình giám sát nhân sự, quy trình cho vay tại các Ngân hàng, việc các nhân sự từ giao dịch viên cho tới nhân sự cấp cao cần được giám sát theo đúng quy trình, tránh tình trạng nể nang, câu kết lẫn nhau dẫn đến các hành vi vi phạm tinh vi và có tổ chức.
Đặc biệt đối với đội ngũ cổ đông, chủ sở hữu Ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng cần tĩnh táo hơn, có chiến lược cụ thể và dài hơi hơn so với các chiến lược mang tính may rủi hiện nay. Đừng vì cái lợi trước mắt, những khoản lợi “bong bóng” do khách hàng và nhân viên, nhân sự của mình vẽ nên để rồi phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả công danh sự nghiệp của mình.
Ngăn chặn tội phạm bằng luật hình sự và qui định của mỗi ngân hàng
Hiện nay, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung tuy chưa có hiệu lực nhưng theo ông thì những quy định trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung lần này đã có những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn tội phạm về lĩnh vực ngân hàng chưa?
Theo quan điểm của tôi, so với Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ luật hình sự lần này hầu như không có nhiều thay đổi nhằm ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng, đặc biệt các quy định về tội phạm liên quan đến chức vụ theo quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự 2015. Đối với hoạt động Ngân hàng hiện nay các tội phạm chủ yếu liên quan đến các tội về tham nhũng, tham ô tài sản (Điều 353), lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) tội phạm về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 359) và tội về giả mạo trong công tác (Điều 360) là những điều luật có liên quan trực tiếp tới tội phạm về lĩnh vực Ngân hàng bên cạnh những điều luật và quy định khác có liên quan.
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay nói chung và quy định về tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng nói riêng như tôi đã phân tích chủ yếu mang tính xử lý về mặt nhân thân đối tượng phạm tội mà khó khắc phục được hậu quả, thiệt hại do các hành vi phạm tội gây ra. Các vụ “đại án” trong thời gian gần đây mức độ vi phạm có thể nói là cực kỳ nghiêm trọng, gây thất thoát, chiếm đoạt mỗi vụ hàng ngàn tỷ đồng, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao khắc phục được, thu hồi được nguồn tài sản đó. Làm thế nào để truy thu tới những tài sản trá hình đứng tên người khác.
Việc pháp luật không chặt chẽ, thiếu phương pháp xử lý dẫn đến tình trạng người phạm tội chịu các mức hình phạt tối đa là chung thân nhưng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát không thể thu hồi, dẫn đến tâm lý “Hi sinh đời bố, củng cố đời con” đã tồn tại trông một bố phận cán bộ lãnh đạo, nhân sự Ngân hàng hiện nay. Điều đó rất nguy hiểm. Mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 tại Điều 46, 47 có quy định về các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, theo đó tại điểm a, b khoản 1, Điều 46 và Điều 47, 48 Bộ luật hình sự 2015 quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, nhưng thực tế các “đại án” Ngân hàng gần đây việc thu hồi tài sản phạm tội, chiếm đoạt là vô cùng khó khăn, tài sản thu được chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát từ các hành vi phạm tội.
Ông có lời khuyên nào dành cho các ngân hàng hiện nay nhằm tránh những sai phạm có thể xảy ra như với những đại án ở 1 số ngân hàng vừa qua?
Dưới góc độ là nhà hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là pháp luật về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng các Ngân hàng cần nhìn nhận và thực hiện các biện pháp sau nhằm tránh những sai phạm có thể xảy ra như các “đại án” gần đây:
Một, không nên chạy theo lãi suất huy động, lãi suất thưởng của các ngân hàng bạn, để dẫn đến tình trạng các Ngân hàng sau khi huy động tiền gửi trong xã hội đã dùng tiền đó đi gửi tại các Ngân hàng khác nhằm tranh thủ hưởng mức lãi suất huy động, lãi suất thưởng cao ngoài hợp đồng, vượt mức quy định của Ngân hàng nhà nước. Chính điều này là cơ sở cho các hành vi chiếm đoạt thời gian qua mà điển hình là vụ án Huyền Như.
Hai, không nên chấp nhận giải ngân các khoản vay với bất cứ giá nào, lãi suất cho vay bao nhiêu cũng chấp nhận. Các doanh nghiệp khi đã chấp nhận mức lãi suất cao hơn thị trường rất nhiều thì chắc chắn hồ sơ hoặc hoạt động của họ có vấn đề hoặc có sự móc nối nào từ chính nhân sự Ngân hàng, nguy cơ thất thoát tài sản là rất cao so với các khách hàng, doanh nghiệp khác.
Ba, không giải ngân, chuyển tiền cho vay cho khách hàng khi hồ sơ chưa được hoàn thiện đầy đủ theo quy định, chưa được kiểm tra đánh giá và thẩm định một các chặt chẽ.
Thứ tư, đối với các loại hồ sơ vay, khoản vay chưa rõ hoặc chưa có hướng dẫn, quy định của pháp luật và của Ngân hàng nhà nước nên có văn bản xin ý kiến Ngân hàng nhà nước trước khi quyết định.
Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng tiền vay của các khách hàng, các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp này thường xuyên rút ra nộp vào tại các Ngân hàng, chính các hành vi rút ra nộp vào liên tục của các khách hàng lớn làm cho doanh nghiệp tin rằng doanh nghiệp có tính thanh khoản cao, khả năng trả nợ lớn mà giải ngân khoản lớn từ đó không thu hồi được vốn. Bên cạnh đó cần có sự kết hợp với các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền về cấp phép xây dựng, lập và triển khai dự án về tính hợp pháp, khả thi của các dự án “Nóng” khi duyệt hồ sơ vay của các khách hàng để đánh giá đầy đủ và toàn diện nhất về dự án cũng như khả năng của các khách hàng. Đồng thời cần có sự hỗ trợ, liên kết giữa các Ngân hàng với nhau trong việc giám sát, chấp nhận và cho phép sử dụng tài sản thế chấp, bảo đảm cho các khoản vay có tính chồng chéo, liên quan tới nhiều khoản vay khác nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Đại án” Hà Văn Thắm và Oceanbank
Bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng; nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…
Không những vậy, ngoài việc gây thiệt hại nghiêm trọng tại OceanBank, Hà Văn Thắm còn liên quan đến đại án Phạm Công Danh. Trong vụ án này, ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Quỳnh Trang – Hoài Anh (thực hiện)