Cần khẩn trương luật hóa danh sách các loại ma túy mới, để có cơ sở xử lý triệt để tội phạm ma túy

17/10/2018 02:06

(Pháp lý) - Hiện nay, cứ vài ngày trên thị trường lại xuất hiện một loại ma túy mới, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây hôn mê, sang chấn tâm thần cho người sử dụng. Điều đáng quan ngại là một số tiền chất ma túy chưa được đưa vào danh mục cấm và công tác quản lý chưa thật sự hiệu quả.

Ma túy thế hệ mới, khó kiểm soát

Liên quan đến vụ việc 7 người tử vong trong đêm nhạc tại công viên nước Hồ Tây (ngày 16/9), Công an Hà Nội đã phối hợp với Viện kiểm sát và các đơn vị nghiệp vụ điều tra nguyên nhân. Đến nay, xác định 7 người tử vong đều dương tính với ma túy. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện E cho biết, có nạn nhân đã sử dụng cả 3 loại chất kích thích trộn lẫn với nhau gồm ma túy đá, thuốc lắc và cần sa.

Sau đó 2 ngày (18/9), Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với các tội danh: “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” để điều tra vụ án 7 người tử vong sau khi dự đêm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây đêm 16/9.

 Lễ hội âm nhạc ở công viên nước hồ Tây – nơi xảy ra vụ 7 người chết do sốc ma túy.
Lễ hội âm nhạc ở công viên nước hồ Tây – nơi xảy ra vụ 7 người chết do sốc ma túy.)

Đến chiều ngày 21/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” đối với hai người. Nhưng sau đó, Viện kiểm sát không phê chuẩn một người nên cơ quan công an đã thả, đó là Lê Thái Sơn (26 tuổi, ĐKHK tại phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sơn là Giám đốc Công ty TNHH kết nối Á Châu, đơn vị tổ chức sự kiện Đêm nhạc hội mùa thu 2018 tại Công viên nước hồ Tây vào tối 16/9.

Không phải đến khi xảy ra vụ 7 người tử vong trong đêm nhạc tại công viên nước Hồ Tây, mà trước đó đã rấy lên cảnh báo nguy hiểm từ thực tế mua bán, sử dụng các chất ma túy thế hệ mới mà cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ,TB&XH nhận định: Trên thị trường hiện có hàng trăm loại ma túy, chất gây nghiện. Trong đó có rất nhiều loại mạnh, cực độc gây hôn mê, sang chấn tâm thần cho người sử dụng. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm cụ thể phụ thuộc vào cách dùng, liều dùng của đối tượng sử dụng.
“Rất khó kiểm tra xác định, phân loại tất cả các chất ma túy thế hệ mới bởi hàng ngày, hàng tuần lại xuất hiện thêm loại ma túy mới dưới nhiều hình thức tinh vi. Trong khi đó, công cụ test kiểm nghiệm của chúng ta lại có hạn”, ông Hiền thông tin thêm.

Hiện nay có nhiều hoạt chất vẫn chưa có trong danh mục cấm tại Việt Nam và trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện. Trong số này có cây Kratom và cỏ Mỹ (5FR-MDMB-PICA) hiện đang là những “hàng hot” được lưu truyền rầm rộ trong giới trẻ.

Trước đó vào tháng 7, Viện Viện Khoa học hình sự và các Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM, Đà Nẵng đã phát hiện tiền chất ma túy mới có tên N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng. Loại này cũng chưa được đưa vào danh sách chất cấm sử dụng tại Việt Nam.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề trên, có thể có rất nhiều nguyên nhân. Có thể do các kiến thức về “điều chế ma túy” còn được đưa lên mạng một cách công khai; Sự quản lý thuốc, biệt dược gây nghiện quá lỏng lẻo từ khâu giám sát, kiểm tra, xử lý các “nguồn cung cấp nguyên liệu” này (trong nước và qua biên giới); Việc cập nhật và cung cấp thông tin của cơ quan “định nghĩa được các chất ma túy mới” chủ yếu là Bộ Y tế lại quá chậm trễ.

Đối với chất N- Ethylpentylone, đây là một loại ma túy mới, rất nguy hiểm vì nó được chế dưới hình dạng như một viên thuốc lắc. Nếu sử dụng loại “thuốc lắc” này với rượu sẽ gây ngộ độc. Chất N-Ethylpentylone là dẫn xuất của cathinone, trong khi cathinone và thuốc lắc MDMA là chất cấm thì hoạt chất này vẫn ở ngoài vòng kiểm soát pháp luật.

Thuốc lắc hiện nay không chỉ chứa chất MDMA nữa mà có thể chứa N-Ethylpentylone hoặc bị lẫn tạp chất là Para-methoxyamphetamine (PMA). PMA là một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim với liều rất thấp. Khi PMA kết hợp với MDMA hoặc với thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến tử vong.
Theo phân tích của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM

Chỉ Bộ Y tế quản… liệu có quản nổi?

Được biết, ngay sau vụ 7 người chết vì nghi sốc ma túy tại Lễ hội âm nhạc Hồ Tây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tăng cường quản lý chặt chẽ chất ma túy, chất gây nghiện. Song khi thông tin này được chia sẻ rộng rãi, dư luận đặt ra câu hỏi: với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế, liệu có quản lý được việc mua bán, sử dụng chất gây nghiện không?

Phân tích về vấn đề này, Thạc sỹ. Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm –Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: “Nếu xét dưới góc độ chất gây nghiện có nguồn gốc nguyên liệu từ dược chất gây nghiện (hướng thần và tiền chất) thì tôi cho rằng việc kiểm soát của Bộ Y Tế là chưa thật sự chặt chẽ, biểu hiện ở chỗ: Các cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược hiện nay không cần có đơn của Bác sỹ vẫn vô tư bán thuốc biệt dược (trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để điều trị các bệnh tâm thần, ung thư, kháng viêm mạnh); Việc buôn bán thuốc lậu qua đường “xách tay” về Việt Nam tiêu thụ trong đó có các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là “quá dễ dàng”; Việc cập nhật danh mục các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để đưa vào danh sách “kiểm soát đặc biệt” và “Luật hóa” là quá chậm trễ; Sự phối hợp trong việc cung cấp thông tin khoa học, cách phát hiện chất gây nghiện mới (là chức năng riêng có của Bộ Y tế) có vẻ chậm trễ gây lúng túng, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật xử lý về việc sản xuất, buôn bán chất gây nghiện của với các cơ quan chức năng”.

ThS.LS. Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm –Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cần nhanh chóng trình Dự thảo và luật hóa danh sách các loại ma túy mới vào các văn bản pháp luật liên quan: Bộ luật Hình sự và Luật phòng, chống ma túy.
ThS.LS. Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm –Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cần nhanh chóng trình Dự thảo và luật hóa danh sách các loại ma túy mới vào các văn bản pháp luật liên quan: Bộ luật Hình sự và Luật phòng, chống ma túy.)

Và với sự phát triển vượt bậc của khoa học Y- Dược ngày nay thì mỗi tuần người ta có thể nghiên cứu ra tới hàng chục dược chất gây nghiện mới (phục vụ mục đích y tế hợp pháp). Bản chất vấn đề ở đây là những người vi phạm pháp luật đã “Lợi dụng thành tựu y học để điều chế các dược chất gây nghiện trở thành chất gây nghiện rồi buôn bán kiếm lời, sử dụng trái pháp luật mà thôi”.

Cũng theo Luật sư Hoàng, tuy trách nhiệm quản lý về dược chất gây nghiện là “nguồn vật liệu đầu vào chính” điều chế chất gây nghiện bị cấm được quy định khá rõ tại Chương 2, Thông tư 20/2017/TT-BYT, nhưng thực tế là ngày càng xuất hiện “nhanh, nhiều và giá thành rẻ của chất gây nghiện mới” chứng tỏ trách nhiệm quản lý đối với “nguồn cung đầu vào này” có lẽ phải đặt dấu hỏi lớn đối với ngành Y tế.

Cần khẩn trương luật hóa danh sách các loại ma túy mới

Theo tìm hiểu, hiện nay tất cả các cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về ma túy nói chung đều có cả và rất nghiêm khắc. Nhưng có thể vì siêu lợi nhuận mang lại từ kinh doanh chất gây nghiện nên nhiều người vẫn nhắm mắt làm liều. Hơn nữa, sự quản lý bất cập, hạn chế hiện nay về chất ma túy đặc biệt chất gây nghiện có nguồn gốc từ dược liệu, tiền chất gây nghiện đã qua chế biến đã đẩy vấn nạn này đi xa hơn.

Hiện nay có 02 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tội phạm ma túy là: Luật phòng, chống ma túy và Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, Luật sư Hoàng nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng văn bản dưới luật theo hình thức Thông tư liên Bộ (Bộ Y tế- Bộ Công an- Bộ Quốc phòng) trong việc xác định danh mục, định lượng và chế tài hóa cụ thể đối với các loại chất gây nghiện mới nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác “phát hiện và xử lý tội phạm”.

7.3Còn theo quy định tại Điều 3, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nói chung khi phát hiện một loại ma túy mới trước tiên thuộc Bộ Công an, sau đó Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Y tế (vì cần sự quy chuẩn, danh mục hóa về loại ma túy mới) và các cơ quan khác như Bộ Công thương (Quản lý thị trường), Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với quy định nêu trên, tức là "khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục". Như vậy, trách nhiệm trong công tác quản lý chất ma túy, chất ma túy thế hệ mới thuộc rất nhiều các cơ quan ban ngành khác chứ không riêng mình Bộ Y tế.

Từ những phân tích trên, Luật sư Hoàng kiến nghị: Để nhanh chóng quản lý được các danh mục ma túy mới là điều hết sức cấp thiết trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy kịp thời, hiệu quả thì chỉ nên trao quyền cho 02 cơ quan chính:

Thứ nhất, sự phát hiện hoặc đầu mối tiếp nhận về ma túy mới thuộc về Bộ công an vì Bộ này đã có Cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chuyên trách đã được thiết lập theo ngành dọc của Bộ Công an từ trung ương tới địa phương

Thứ hai, Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế trong việc danh mục hóa, cập nhật hóa vào danh mục chất ma túy và tiền chất.

Thực tế, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý nói chung thời gian qua đã đạt được những hiệu quả tích cực, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy đã phá được nhiều chuyên án lớn mà thường “Chuyên án sau nhanh chóng lập kỷ lục so với các chuyên án trước về số lượng, trị giá, chủng loại ma túy, chất gây nghiện truy bắt được…”.

Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện các vụ việc tổ chức, sử dụng trái phép chất gây nghiện ở những nơi rất công khai, đông người với nhiều hình thức mà ví dụ điển hình là việc “bán bóng cười công khai và có nhiều bạn trẻ phê Ketamin ngay tại Lễ hội âm nhạc vừa qua”. Do đó, cơ quan chức năng cần khẩn trương trình Dự thảo và luật hóa danh sách các loại ma túy mới này vào các văn bản pháp luật liên quan như: Bộ luật Hình sự và Luật phòng, chống ma túy. Từ đó có cơ sở pháp lý trừng trị thích đáng tội phạm ma túy.

Mua bán và sử dụng bóng cười có vi phạm pháp luật?

Trong một văn bản trả lời mới đây, Bộ Công an cho biết: “Sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm vì trước tiên gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người".

Cũng trong văn bản trả lời này, Bộ Công an cho rằng, các hành vi, vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Cụ thể, tại Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định:
“Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất”.

Thu Nga

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần khẩn trương luật hóa danh sách các loại ma túy mới, để có cơ sở xử lý triệt để tội phạm ma túy" tại chuyên mục Trao đổi - Góp ý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin