Từ trước tới nay, BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính đều có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết các loại án.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng “ngâm án”, “án dây thun”, “án đèn cù” còn xảy ra, nhất là với án dân sự, hành chính. Các bên đương sự mệt mỏi vì vụ án bị kéo dài, phải tốn thời gian, công sức đeo đuổi, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ chậm được tòa án bảo vệ. Trong khi đó, pháp luật lại thiếu các quy định xem xét, xử lý trách nhiệm của thẩm phán được phân công giải quyết án, dẫn đến nhiều khiếu nại gay gắt, kéo dài trong hoạt động tư pháp.
Hiện nay, TAND Tối cao đã xây dựng dự thảo quyết định của chánh án TAND Tối cao ban hành quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động trong các TAND. Đáng chú ý, dự thảo quyết định này quy định thẩm phán được phân công xét xử các vụ việc hình sự, hành chính, giải quyết vụ việc dân sự nhưng để quá hạn luật định thì xử lý trách nhiệm như sau:
- Để một vụ việc quá hạn từ sáu tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng thì bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị.
- Để từ hai vụ việc trở lên quá hạn từ sáu tháng trở lên hoặc một vụ việc quá hạn từ chín tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng thì bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị và không được phân công giải quyết vụ việc mới cho đến khi giải quyết xong các vụ việc quá hạn.
- Để từ hai vụ việc trở lên quá hạn một năm nhưng không có lý do chính đáng thì bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng xét xử trong thời hạn 18 tháng.
Khi quyết định này được chánh án TAND Tối cao chính thức ban hành thì đây sẽ là văn bản pháp lý đầu tiên của ngành tòa án quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán thiếu trách nhiệm làm án bị quá hạn mà không có lý do chính đáng. Hy vọng rằng với quy định nghiêm minh như vậy, các thẩm phán sẽ nỗ lực và có trách nhiệm hơn với công việc, hạn chế được tình trạng “ngâm án”, “án dây thun” như hiện nay.
Theo Plo