(Pháp lý) - Năm 2019 vừa qua, kinh tế nước ta có những thành tựu đáng nể, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Góp sức vào những kết quả kinh tế ấn tượng đó có một phần công sức của các Luật gia, các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân năng động cùng với những đổi mới mạnh mẽ về chính sách pháp luật kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp Việt hội nhập với kinh tế thế giới.
Tuy nhiên vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ, đặc biệt là cần tháo gỡ những rào cản, rủi ro về chính sách pháp luật kinh tế để các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế là chủ thể “xương sống” của nền kinh tế – kinh tế tư nhân có một “bệ phóng”.
Đặc biệt, kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO, sau 13 năm nhìn lại, chúng ta đã có kinh nghiệm để tổng kết những cơ hội, đồng thời cũng chỉ ra hạn chế của DN Việt Nam trước thềm CPTPP và EVFTA.
Nhân sự kiện Quốc hội chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định EVFTA, TS. Nguyễn Thị Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế (thuộc Hội Luật gia VN) đã dành cho Phóng viên Tạp chí Pháp lý bài phỏng vấn đặc biệt.
Tạp chí Pháp Lý: Thưa Bà, với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế, Bà có những cảm nhận thế nào về sự đổi thay của chính sách pháp luật kinh tế ở Việt Nam thời gian gần đây, đặc biệt là những chính sách tác động rộng rãi đến thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam (thành phần kinh tế được xác định có vai trò “chủ thể xương sống” của nền kinh tế)?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, kinh tế tư nhân được khẳng định và phát triển tương đối nhanh do nhiều chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước thay đổi. Những thay đổi đó bao gồm:
– Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung, mọi nguồn lực từ vốn, tài nguyên, lao động, đến phân phối hàng hóa đều thuộc sự quản lý tập trung của nhà nước thông qua hai thành phần kinh tế chủ lực là kinh tế quốc doanh (doanh nghiệp nhà nước) và kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp). Bây giờ Việt Nam là nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định trong Hiến pháp (2013), với nhiều thành phần kinh tế khác nhau, có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật; có quyền hưởng lợi nhuận do nỗ lực của doanh nghiệp sau khi làm tròn nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật; Nhà nước không quốc hữu hóa tài sản của doanh nghiệp…
– Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã mở rộng thị trường, đã ký nhiều hiệp định song phương và đa phương, tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tham gia Thị trường chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN – AEC), từ đó cũng đã cam kết nhiều điều ước về mở cửa thị trường và tự do thương mại… Trên cơ sở đó, các văn bản luật liên quan đến đầu tư, thương mại, dịch vụ, nhượng quyền kinh thương, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không phân biệt đối xử, công khai minh bạch thông tin… đã được sửa đổi, điều chỉnh cho tương thích với các định chế thương mại quốc tế và các quốc gia trên thế giới với nền tảng “tôn trọng lẫn nhau” và “có đi có lại”
Tạp chí Pháp Lý: Ở một bình diện khác, Bà cũng đã từng phát biểu trong nhiều Hội thảo, vấn đề rủi ro pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp. Theo cách hiểu của Phóng viên, “vấn đề rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp” mà Bà phát biểu trong trường hợp này là doanh nghiệp gặp rủi ro khi không hiểu biết pháp luật hoặc không thuộc luật. Vậy theo Bà, hiện nay các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp lý bằng hành động thực tiễn nào?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Vấn đề rủi ro trong pháp lý của doanh nghiệp: có nhiều yếu tố rủi ro có thể dẫn đến tranh chấp hợp đồng hoặc tranh chấp ngoài hợp đồng, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự, có thể:
– Do thiếu hiểu biết về luật pháp khi xây dựng cam kết hợp đồng, quá trình thực hiện mới phát sinh những vấn đề gây ra tranh chấp của hai bên.
– Do luật pháp không rõ, phát sinh những tình tiết mới mà luật không quy định cụ thể để điều chỉnh các cam kết của hợp đồng.
– Do chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước ở Trung ương và sự điều hành cụ thể của địa phương có nhiều bất cập gây trì trệ các hoạt động kinh doanh dẫn đến sự thiệt hại về tài chính do ảnh hưởng thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp.
Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp lý bằng những hành động thực tiễn:
– Khi kinh doanh trong nước, doanh nghiệp không chỉ am hiểu luật trong nước mà phải tìm hiểu các quy định liên quan đến thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, sự cạnh tranh, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, liên quan đến nguồn vốn, phát triển vốn của xã hội, vốn vay ngân hàng và các quy định thế chấp tài sản, liên quan đến thuế quan, đến nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp và người lao động, liên quan đến BHXH của người lao động (tôi đã chứng kiến và giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết nhiều trường hợp người lao động kiện chủ doanh nghiệp rất vô lý do sơ xuất trong điều hành của bộ phận tổ chức của doanh nghiệp).
– Khi ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh nước ngoài, doanh nghiệp lưu ý, không chỉ yêu cầu thể hiện trên hợp đồng liên quan đến luật pháp Việt Nam mà còn phải tìm hiểu những cam kết trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, lưu ý các vấn đề thuộc tập quán kinh doanh của mỗi quốc gia hoặc thông lệ quốc tế về kinh doanh, lưu ý chọn hình thức giải quyết tranh chấp và luật của quốc gia nào sẽ điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp giữa đôi bên…
– Khi ký hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch các thông tin doanh nghiệp, các quy định của luật pháp Việt Nam, các chính sách đất đai liên quan đến nơi xây dựng nhà máy, làm rõ vấn đề môi trường và ngành nghề kinh doanh có điều kiện…, tránh tình trạng để doanh nghiệp nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam vì chính sách Nhà nước thay đổi làm thiệt hại việc đầu tư của họ.
Tạp chí Pháp Lý: Năm 2020 là năm đánh dấu Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Những Hiệp định về kinh tế mà Việt Nam tham gia ký kết được kỳ vọng sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những thách thức. Cơ hội thì đã có nhiều người nói đến, theo Bà có những thách thức lớn chủ yếu nào đến với Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách pháp luật và doanh nghiệp Việt?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Đầu năm 2007, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới. Đến nay là cuối năm 2019, sau 13 năm nhìn lại, chúng ta đã có kinh nghiệm để tổng kết những cơ hội, sự thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam:
– Tự do thương mại (Free Trade Area), không còn chế độ bảo hộ mậu dịch giữa các thành viên WTO (164 thành viên), tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu toàn cầu,
– Giảm thuế xuất nhập khẩu làm cho các hàng hóa của các quốc gia đều rẻ hơn, có lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng được quyền chọn lựa hàng hóa phong phú hơn giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Điều này cũng là sự thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong sự cạnh tranh nhưng nhờ các nỗ lực cạnh tranh đó mà doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành không chỉ mở rộng hàng xuất khẩu mà còn khẳng định thương hiệu nội địa của Việt Nam.
– Tăng trưởng thương mại quốc tế, tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo nhiều công việc làm cho người lao động, tạo thu nhập cao cho người lao động. Chính những người lao động khi có thu nhập cao sẽ có tác động trở lại cho việc mua sắm tiêu dùng, kích thích tạo ra “cung – cầu” của nền kinh tế. Thu nhập cao của người lao động cũng sẽ đóng góp cho việc tăng nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.
– Nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối đầu với những nhà đầu tư đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, chiếm lĩnh thị trường nội địa và tham gia thị trường xuất khẩu với hàng hóa MADE IN VIETNAM. Những doanh nghiệp này sẽ thu hút lực lượng lao động giỏi làm cho họ. Doanh nghiệp chắc chắn là có khó khăn trong việc giữ được người có tài năng.
– Nhưng Chính phủ không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam vì nhiều lý do: (1) Nhà nước không được phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (vì thế mới có Luật đầu tư chung). (2) Nếu doanh nghiệp nước ngoài đem vốn vào Việt Nam, sản xuất tốt, tạo công việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam, tăng trưởng GDP, đóng thuế đầy đủ (VAT, Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cao của người lao động…) thì Nhà nước càng hoan nghênh họ (điều đó là đương nhiên).
Với câu hỏi của Tạp chí Pháp lý “Năm 2020 là năm đánh dấu Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”. Như tôi đã trình bày ở trên, chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm cơ bản sau 13 năm Việt Nam là thành viên của WTO,
– Liên Minh Châu Âu (European Union) bao gồm 28 quốc gia thành viên và gần 513 triệu dân số. Khi Việt Nam ký hiệp định EVFTA, có nghĩa là khai thác yếu tố tự do thương mại với cả EU trên nền tảng thị trường tiêu thụ của 513 triệu người tiêu dùng.
– Việt Nam là thành viên của ASEAN và là thành viên của AEC (Thị trường chung ASEAN), với 10 quốc gia thành viên và dân số 635 triệu dân
– Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 quốc gia (trong đó có 4 quốc gia nằm trong khối ASEAN. Nếu cộng chung dân số ASEAN và CPTPP thì dân số sẽ là 996 triệu dân.
Những số liệu trên nói lên điều gì?
Câu trả lời không khó lắm, điều này có nghĩa là: khi Việt Nam tham gia WTO với thị trường gần 7 tỷ dân trên toàn cầu, nhưng có những quốc gia doanh nghiệp chưa đặt chân đến được, có nhiều quốc gia xa xôi. Nhưng với EU, ASEAN, CP-TPP, với dân số 1,5 tỷ người tiêu dùng, ở những quốc gia có nền tảng kinh tế phát triển mà Việt Nam từng quen thuộc, có thu nhập đầu người cao, không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong các quốc gia thành viên của nhau mà còn là thị trường rất, rất tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Korea… đang dòm ngó để tham gia vào thị trường này…
Tạp chí Pháp Lý: Trân trọng cảm ơn Bà đã chia sẻ tới độc giả của Tạp chí Pháp lý những kinh nghiệm pháp lý, kinh nghiệm kinh doanh và hội nhập hết sức quý báu!
Trần Hơn – Văn Thư (thực hiện)