Hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu hội nhập, thúc đẩy Doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế

(Pháp lý) - Nghị quyết số 27 -NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Theo đó có nhiệm vụ giải pháp về: “Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn (2024), Phóng viên TCPL đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ghi lại những ý kiến góp ý thẳng thắn và tâm huyết của Ông cho công cuộc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.
1-1705655144.png

3 thách thức lớn

Phóng viên: Có thể nói, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, để Việt Nam có thể hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn nữa, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Ông có thể khái quát những cơ hội và thách thức lớn đặt ra đối với Việt Nam và chỉ rõ những thách thức liên quan đến hoàn thiện thể chế, pháp luật?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Hiện nay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không những phát huy cơ hội, thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn tạo ra khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, phát triển nhanh và bền vững.

Việc tham gia và thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.

Nước ta cũng có cơ hội tham gia chủ động và sâu hơn vào quá trình định hình và cải cách các định chế, cơ chế, cấu trúc khu vực và quốc tế có lợi cho ta và có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm độc lập, tự chủ, củng cố và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và có sức cạnh tranh hơn. Người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường…

Tuy nhiên bên cạnh thời cơ trong hội nhập quốc tế Việt Nam vẫn còn thách thức:

Thách thức đầu tiên và lớn nhất đặt ra đó chính là phải cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế để đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Khi hội nhập quốc tế, mỗi nhà nước luôn chịu sự tác động từ bên ngoài, của tình hình quốc tế khu vực và toàn thế giới, nhất là tác động của các nước lớn, các nền kinh tế mạnh, khung pháp luật quốc tế trở thành hệ quy chiếu đối với cải cách luật pháp, cải cách hành chính quốc gia và ngay cả cải cách tư pháp mà mỗi nhà nước phải đáp ứng. Do đó, Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới chính trị, cải cách nền hành chính quốc gia, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng một số đạo luật mới phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của luật pháp quốc tế.

Thách thức thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Việt Nam hiện là nước đang phát triển có trình độ công nghệ chưa cao so với khu vực và toàn cầu, nếu không có bước phát triển đột phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thì sẽ tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức tiếp theo là thách thức cạnh tranh. Rõ ràng nước ta là một nước đang phát triển có trình độ phát triển kinh tế chưa cao; năng lực quản trị quốc gia còn có hạn chế; doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé; sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung còn thấp; hệ thống chính sách kinh tế, thương mại chưa hoàn chỉnh... Cho nên, nước ta sẽ gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh cả ở trong nước và cả trên trường quốc tế.

Những tác động

Phóng viên: Ông có thể cho biết hội nhập quốc tế có tác động thế nào đến tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và ở chiều ngược lại hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sẽ tác động thế nào đến hội nhập quốc tế?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Khi hội nhập quốc tế, mỗi nhà nước luôn chịu sự tác động và chi phối từ bên ngoài, của tình hình quốc tế khu vực và toàn thế giới, nhất là tác động của các nước lớn, các nền kinh tế mạnh, khung pháp luật quốc tế trở thành hệ quy chiếu đối với cải cách thể chế, cải cách luật pháp, cải cách hành chính quốc gia và ngay cả cải cách tư pháp mà mỗi nhà nước phải đáp ứng. Rõ ràng khi hội nhập quốc tế các chuẩn mực của quốc tế sẽ tác động đến đến tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, thì những chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền cũng rất quan trọng cho hợp tác và hội nhập quốc tế.  Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo tôn trọng các quyền sở hữu hợp pháp của công dân, tổ chức; bảo đảm quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường; bảo đảm quyền cạnh tranh theo đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước không can thiệp hành chính vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp... Tất cả các hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng giữa công dân với nhà nước, quyền của công dân là nghĩa vụ của nhà nước và ngược lại, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế... là những điều kiện cần trong một nền kinh tế thị trường hiện đại theo các tiêu chuẩn văn minh, có như thế chúng ta mới có thể đủ điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, tạo cơ sở để củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

2-1705655152.jpg

TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý

Cần tiếp tục cải cách và đổi mới căn bản

Phóng viên: Trong tiến tình hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế thế giới, mở rộng quan hệ song phương, đa phương,  Doanh nghiệp, Doanh nhân và các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều cần “dòng chảy” pháp luật ổn định để yên tâm đầu tư lâu dài. Thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng cách ban hành, cách thực thi chính sách pháp luật thế nào là điều vô cùng quan trọng.  Để giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các Doanh nghiệp, để các Doanh nhân yên tâm đầu tư lâu dài đóng góp vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, chúng ta cần có những thay đổi, đổi mới căn bản nào, thưa Ông?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Để giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các Doanh nghiệp, để các Doanh nhân yên tâm đầu tư lâu dài đóng góp vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, theo tôi cần có những cải cách và đổi mới trên tất cả các mặt từ lập pháp, hành pháp cho đến tư pháp.

Trong lĩnh vực lập pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật với một chất lượng mới, hiệu quả mới, thật sự tạo dựng được một môi trường pháp lý vừa ổn định, vừa thông thoáng và minh bạch cho sự vận hành của các quan hệ kinh tế - xã hội, đảm bảo sự quản lý xã hội thật sự theo luật pháp, bằng pháp luật đúng với tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật đó phải có sự tương thích với luật chơi chung quốc tế, phải phù hợp với những cam kết quốc tế mà Nhà nước đã thiết lập. Vì thế cần cơ cấu lại thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng luật giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữa các bộ phận chức năng của cơ quan lập pháp.

Trong lĩnh vực hành pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các phương diện từ cải cách thể chế hành chính (mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công đến xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp. Mục tiêu của cải cách này đều phải hướng tới nền hành chính dân chủ, hiệu quả, năng động và minh bạch và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có chế độ tài phán dân chủ, khách quan và có hiệu lực trong việc bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, có khả năng xử lý đúng đắn các xung đột, tranh chấp trong nước và cả những xung đột có yếu tố quốc tế theo đúng quy định pháp luật quốc gia và quốc tế.

Trong hội nhập và toàn cầu hóa, khoảng cách giữa các hệ thống pháp luật và tư pháp cần xích lại gần nhau hơn, đảm bảo cho các quốc gia tương trợ nhau trong lĩnh vực tư pháp, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, như môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố và các vấn đề khác về tư pháp.

Quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện mở rộng quan hệ song phương, đa phương và cơ hội tiếp cận vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Quá trình này đặt ra yêu cầu khắt khe đối với các cơ quan nhà nước trong xu thế hợp tác và cạnh tranh. Nếu không có hệ thống pháp luật minh bạch, đầy đủ và hệ thống tư pháp mạnh, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả, công lý không được bảo đảm thì việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sẽ rất khó khăn, Việt Nam sẽ mất cơ hội để phát triển nhanh.

Yêu cầu quan trọng trong cải cách thể chế và hoàn thiện pháp luật

Phóng viên: Có thể khẳng định rằng, cả quá trình hội nhập quốc tế và công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới đều đòi hỏi phải thực hiện cải cách mạnh mẽ thể chế và hệ thống chính sách pháp luật phù hợp. Điểm chung vô cùng quan trọng này đặt ra những yêu cầu quan trọng nào trong cải cách thể chế và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới đây, thưa Ông?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cải cách thể chế là một trong các đột phá được Đại hội Đảng đã đề ra. Chính vì vậy, Đảng và nhà nước ta đã tập trung rất nhiều nguồn lực, rất nhiều công sức vào cải cách thể chế.

Ta có thể tóm lược lại những thành tựu đã đạt được về cải cách thể chế như sau: Lĩnh vực thứ nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nền kinh tế. Chúng ta có cách giảm thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo khuôn khổ cạnh tranh lành mạnh. Đây là những bước tiến để tạo môi trường kinh doanh tốt, giúp các lực lượng kinh doanh khác có cơ hội tham gia.

Cải cách đáng ghi nhận tiếp theo là cắt giảm bộ máy nhà nước. Giai đoạn qua có rất nhiều biên chế bị cắt giảm, nhiều đơn vị hành chính sáp nhập lại với nhau, tạo nên bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn. Đó là một trong những cải cách thể hiện rất rõ sự cải tiến. Mảng cải cách tiếp theo nữa đó là chúng ta cải cách điều kiện, cải cách pháp luật, cải cách quy định để phù hợp với những hiệp định thương mại tự do được nhà nước ký kết.

Những cải cách này có thể làm pháp luật, hệ thống thể chế của chúng ta tương đồng với chuẩn mực chung của quốc tế. Đây là các lĩnh vực thể hiện rất rõ thành tựu của cải cách thể chế trong thời gian qua.

Để đột phá về thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tôi không chỉ nằm ở quy trình, thủ tục mà quan trọng ở tư duy, tầm nhìn trong xây dựng luật, không chỉ chú trọng số lượng mà tập trung đầu tư về chất lượng dự liệu trước các khả năng có thể xảy ra trong dài hạn. Tư duy về phương pháp luận và kỹ thuật lập pháp cần phải tiếp tục thay đổi. Do đó, phải rất coi trọng chất lượng soạn thảo, thẩm định dự án luật. Trong đó, Chính phủ phải tiếp tục phát huy được năng lực phát hiện, dự báo các vấn đề, tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đề xuất giải pháp lập pháp để xử lý vấn đề đó. Quốc hội phải đánh giá có cần luật đó hay không, người dân được lợi gì, thẩm định các lợi ích, tác động liên quan... 

3-1705655153.jpg

Việc khai thác hiệu quả các FTA là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam (hình ảnh vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Tân Cảng - Cái Mép)

Để doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế

Phóng viên: Để đạt được mục tiêu và khát vọng kinh tế đặt ra cho năm 2030, 2045, thì Việt Nam phải hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Để làm được điều này đòi hỏi thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống pháp luật, khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh phải có những cải cách đột phá thế nào, thưa Ông?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Làm thế nào để có được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Ở đây cần một loạt các nguyên lý, triết lý, thể chế và hệ thống pháp luật cần phải điều chỉnh.

Thứ nhất, theo quy luật của thị trường là kẻ mạnh phải thắng. Thế thì bây giờ muốn để kinh tế phát triển rõ ràng là phải tạo điều kiện cho kẻ mạnh thắng, bởi vì quy luật của thị trường thì kẻ yếu không thể cạnh tranh. Do đó, phải thông qua một loạt chính sách để tạo cơ hội cho người yếu nhưng không phải là cản trở người giàu - đó là nguyên lý.

Điều thứ hai, rõ ràng doanh nghiệp muốn làm ăn mà dễ dàng, sáng tạo dễ dàng thì phải có không gian tự do, còn nếu làm cái gì cũng phải xin phép, thì làm sao mà sáng tạo, làm sao mà làm kinh tế được? Không phải ban hành thật nhiều pháp luật là có thể phát triển được. Tuy nhiên, nếu mà lạm dụng tự do quá thì đến lúc nào đó sẽ tạo ra bất ổn, không có trật tự và xung đột. Vậy thì triết lý thứ hai là phải cân đối giữa tự do và điều chỉnh và muốn có sự cân đối giữa tự do điều chỉnh thì chúng ta phải thiết kế được thể chế để bảo đảm.

Tiếp theo nữa hệ thống pháp luật là phải hướng tới là chi phí tuân thủ thấp. Một quốc gia ít luật lệ và luật lệ ít thay đổi thì sẽ thịnh vượng và nước có nhiều luật lệ thì chi phí tuân thủ lớn và tiếp theo nước lệ thay đổi đấy thì chi phí tuân thủ sẽ tăng lên. Hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của một nước đang phát triển là 15 % GDP, đối với các nước phát triển là 10 % GDP. Đối với Việt Nam chúng ta hiện nay đang là bao nhiêu %GDP, điều này chúng ta cũng phải tính???

Như vậy rõ ràng là việc cắt giảm chi phí tuân thủ rất quan trọng. Quá trình lập pháp và tư duy lập pháp phải thay đổi và khi làm luật phải tính tới chuyện cân đối chi phí tuân thủ, làm thế nào để chi phí tuân thủ pháp luật là ít nhất. Nếu chi phí tuân thủ lớn thì pháp luật ban hành là thất bại, kinh tế không phát triển.

Quy trở lại với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn là “rường cột” của kinh tế, trước hết phải quan niệm tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân là một phần tiềm lực của nền kinh tế. Những người dẫn dắt như ông chủ Tập đoàn VinGroup - Phạm Nhật Vượng hay FPT – Trương Gia Bình hay Sun Group - Lê Viết Lam… là vô cùng quý hiếm và không phải dễ có. Trong lĩnh vực làm kinh tế, kinh doanh đó là những nhân tài của đất nước và phải được tạo điều kiện. Sự phát triển của doanh nghiệp cần phải có hành động che chắn của Nhà nước. Nhà nước thúc đẩy, che chắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa thì doanh nghiệp nội địa mới lớn lên được. Hàn Quốc phát triển nhanh được như vậy không thể thiếu các tập đoàn như SamSung, Huyndai… - đó là nhận thức.

Yếu tố thứ 2 là khi hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật nhất thiết phải tăng cường tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, để pháp luật góp phần nâng cao chất lượng của chính sách và quyết định sự thành công của thực thi chính sách.

Yếu tố thứ ba quan trọng là rõ ràng chúng ta nên theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc người ta vươn lên như vậy, bởi vì người ta thúc đẩy cái gì là có nhà nước đứng sau đó. Như vậy phải nhất quán ở tầm lý luận, ở tầm khuôn khổ thể chế là theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Văn Chiến – Thành Nguyễn (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin