TS Lê Hồng Sơn:Hệ thống xử phạt vi phạm còn bất ổn

26/12/2017 10:08

Việc xử lý cũng thiếu nghiêm túc, không phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí còn bị tiêu cực, tham nhũng chi phối...

LTS: TS Lê Hồng Sơn cho rằng hệ thống xử phạt vi phạm còn nhiều bất ổn, thiếu chặt chẽ, thậm chí còn bị tiêu cực, tham nhũng chi phối... là nguyên nhân khiến dư luận bức xúc, bất bình. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vị chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu thay đổi, hoàn thiện các chế tài xử lý thật chặt chẽ, nghiêm khắc, đúng với tính chất của hành vi vi phạm... Báo Đất Việt xin giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.

Hệ thống xử phạt đi liền và là một bộ phận không thể tách rời với hệ thống pháp luật của một quốc gia. Điển hình trong đó là xử phạt bằng biện pháp hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật...

Qua mấy chục năm xây dựng và hoàn thiện, hệ thống xử lý hình sự được coi là hệ thống xử phạt hoàn thiện, đồng bộ nhất. Ở đây, đã hình dung khá đầy đủ các giả định - hành vi vi phạm và các chế tài - các biện pháp xử lý tương ứng. Riêng về xử phạt vi phạm hành chính cũng như xử lý kỷ luật, tôi có cảm giác đang chưa thật đầy đủ, chưa thật hoàn thiện.

 Phạt lao động công ích lỗi vi phạm giao thông là cần nhưng chưa đủ
Phạt lao động công ích lỗi vi phạm giao thông là cần nhưng chưa đủ)

Đối với biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, gần đây dư luận đã nói nhiều đến bổ sung biện pháp xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Tôi cho rằng, có thể nghiên cứu, áp dụng biện pháp này.

Tuy nhiên, muốn bổ sung biện pháp này, cần phải sửa đổi luật bởi vì lao động công ích có liên quan chặt chẽ đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phải do một văn bản ở tầm luật quy định. Chính phủ không thể tự quy định được, một khi luật chưa có các quy định phù hợp.

Gần đây, người ta cũng nói nhiều và cũng có một số biện pháp nâng cao mức phạt ở một số lĩnh vực với quan điểm cho rằng cần phải xử phạt nặng thì mới đảm bảo tính nghiêm minh, mới đủ sức răn đe những hành vi vi phạm. Tôi hoàn toàn không phủ nhận việc nâng cao mức phạt ở một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề không phải là ở việc đặt ra các mức phạt thật nặng thì mới đáp ứng được yêu cầu phòng, chống vi phạm. Đồng ý rằng, một số hành vi, một số lĩnh vực thì cần phải đặt ra mức phạt thật nặng thì mới tương xứng với hành vi vi phạm và mới đủ sức răn đe.

Vấn đề quan trọng hơn là mọi hành vi vi phạm đều phải kịp thời phát hiện, kịp thời được xử lý, không thể để tình trạng như lâu nay mà người ta đã nói nhiều là, có vi phạm chưa chắc đã bị phát hiện. Bị phát hiện chưa chắc đã bị xử phạt. Bị xử phạt chưa chắc đã bị xử phạt nghiêm. Việc xử lý cũng thiếu nghiêm túc, không phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí còn bị tiêu cực, tham nhũng chi phối ở nơi này, nơi khác mà dư luận đã biết.

Ở một số nước, đối với hành vi vi phạm hành chính, khi áp dụng biện pháp xử phạt, tôi thấy người ta áp dụng một số biện pháp khá hay và khá hiệu quả. Trước đây tôi đã nêu nhưng đáng tiếc không được lắng nghe, tiếp thu.

Ví dụ, ở những nơi danh lam, thắng cảnh, khi một khách viếng thăm có hành vi vi phạm như xả rác bừa bãi hoặc hành vi vi phạm khác, người có thẩm quyền tại địa điểm đó đã giữ người vi phạm lại, buộc họ phải thực hiện nhiệm vụ giống như nhân viên bảo vệ, cho đến khi nào phát hiện ra người khác có hành vi vi phạm giống như mình để xử lý thì họ mới được coi như đã thực hiện xong biện pháp xử phạt, được trả tự do.

Tương tự như vậy, tại các điểm nút giao thông, một người có hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều... thì người này lập tức bị giữ lại để làm nhiệm vụ duy trì trật tự giao thông cho tới khi họ phát hiện người khác có hành vi vi phạm thì mới giải thoát trách nhiệm, coi như đã thi hành xong biện pháp xử phạt. Tôi thấy biện pháp này khá hay, khá hiệu quả.

Đương nhiên để áp dụng biện pháp này cũng phải có một số giải pháp cụ thể, vừa quản lý được người vi phạm tìm "người đóng thế", vừa đáp ứng được yêu cầu chung trong quá trình duy trì trật tự, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực.

Trước mắt có thể chưa áp dụng đại trà, nhưng tôi cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng mang tính thí điểm ở một số địa bàn và có lộ trình để mở rộng dần áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Về biện pháp xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thi hành công vụ có sai phạm, rất cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để việc xử lý kỷ luật đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay. Cần phải xem lại cơ chế bồi thường và bồi hoàn của cán bộ công chức khi thi hành công vụ.

Lâu nay, ở ta quen với cơ chế Nhà nước phải đứng ra bồi thường khi cán bộ, công chức có vi phạm gây thiệt hại. Còn cán bộ, công chức có sai phạm chỉ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn với một số lượng tiền rất hạn chế, một số tháng lương ít ỏi, không đáng là bao so với số tiền Nhà nước phải bồi thường.

Tôi cho rằng, bây giờ phải xem xét lại cơ chế này. Không thể chấp nhận việc một cán bộ, công chức có hành vi vi phạm một cách cố ý với động cơ trục lợi gây thiệt hại lại được áp dụng cơ chế bồi hoàn như hiện nay.

Theo tôi, đối với những hành vi vi phạm một cách cố ý và có động cơ trục lợi thì pháp luật phải có quy định buộc người đó phải bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng tiền túi, tài sản của mình cho hành vi vi phạm gây ra.

Ví dụ, một cán bộ, công chức lãnh đạo lại cố ý ban hành văn bản tuyển dụng hay bổ nhiệm sai, có động cơ trục lợi đối với một cá nhân A hoặc B nào đó thì cần áp dụng cơ chế buộc họ phải bồi thường toàn bộ những chi phí, thiệt hại do hành vi tuyển dụng, bổ nhiệm sai trái này gây ra.

Nếu cố tình tuyển dụng sai thì mọi chi phí mà ngân sách đã bỏ ra cho người được tuyển dụng sai đó phải thuộc trách nhiệm của người đã ký quyết định tuyển dụng sai trái đó. Buộc họ phải trả lại toàn bộ các chi phí vào ngân sách nhà nước.

Tương tự như vậy, một cán bộ, công chức cố ý ban hành quyết định bổ nhiệm sai một cá nhân nào đó vào một vị trí lãnh đạo được hưởng phụ cấp, hưởng chế độ đãi ngộ nào đó thì trách nhiệm bồi thường, trả lại cho ngân sách nhà nước những chi phí do việc ban hành quyết định bổ nhiệm sai trái này phải thuộc về người đã ký văn bản bổ nhiệm.

Lâu nay việc này ở ta xử lý chưa nghiêm. Thậm chí xử lý sai nên mọi hậu quả về những quyết định sai trái này đều do ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân gánh chịu.

Theo tôi, cần phải quy định trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí sai trái này cho người đã ban hành quyết định để hoàn trả cho ngân sách nhà nước. Đương nhiên những hình thức xử lý kỷ luật khác cũng cần phải được đưa ra kịp thời, thích đáng đối với loại hành vi, vi phạm này.

Ví dụ thứ hai, tôi muốn nêu đó là cần phải áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cách chức, buộc thôi việc đối với những cán bộ, công chức đã có những hành vi vi phạm do lỗi cố ý và có động cơ trục lợi. Việc này, tôi đã có dịp nêu lên khá nhiều lần, ở nhiều diễn đàn khác nhau.

Tôi cho rằng đây là một lỗ hổng trong việc đặt ra các giả định, các chế tài đối với loại vi phạm này. Một khi đã thực hiện hành vi vi phạm một cách cố ý và có động cơ trục lợi thì không thể cho phép áp dụng biện pháp kiểm điểm, rút kinh nghiệm hay khiển trách, cảnh cáo như lâu nay nhiều nơi đang áp dụng.

Đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng hoặc những lĩnh vực tổ chức, nhân sự khác.

Nếu cho rằng, tham nhũng là một loại "giặc nội xâm" thì không thể cho phép áp dụng những chế tài nhẹ tênh như ở một số nơi đang áp dụng đó là kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc phê bình, khiển trách, cảnh cáo.

Theo tôi đã có hành vi tham nhũng, thì về bản chất, đó là hành vi của những kẻ trong đội ngũ "giặc nội xâm" và biện pháp đương nhiên là phải loại những kẻ "giặc nội xâm" này ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương từ tiền thuế của dân.

Đương nhiên, nếu trường hợp nghiêm trọng buộc phải xử lý hình sự thì phải áp dụng quy định của Bộ luật hình sự, đưa ra những tội danh, mức phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng.

Mặt khác, việc xử lý về tài sản cũng như xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do những người tham nhũng đã gây ra cũng cần phải được xử lý nghiêm túc, đúng mức độ.

Biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản cần phải được quan tâm áp dụng. Biện pháp buộc phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra bằng chính tài sản của người có hành vi tham nhũng cũng là biện pháp cần thiết.

Tôi có cảm giác lâu nay việc áp dụng các chế tài loại này chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là một lý do làm cho dư luận bức xúc, chưa hài lòng trong thời gian vừa qua.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "TS Lê Hồng Sơn:Hệ thống xử phạt vi phạm còn bất ổn" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin