Trương Trọng Nghĩa - Vị đại biểu Quốc hội sắc sảo và tâm huyết

17/01/2020 06:16

(Pháp lý) - Một trong số không nhiều đại biểu Quốc hội luôn có những ý kiến phản biện, đóng góp một cách tâm huyết, sắc sảo và thẳng thắn trước những vấn đề nóng, thậm chí nhạy cảm, mà cử tri cả nước quan tâm là ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội

Lo ngại lệ thuộc vào kinh tế

Những tháng cuối năm 2019, dư luận cả nước quan tâm, thậm chí lo lắng về dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Bộ Giao thông – Vận tải cho biết: Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, tư vấn lập quy hoạch là Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392 km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng. Chính phủ Trung Quốc đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu NDT để Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này.

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội ngày 27/11/2019, ông Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn nói, việc Trung Quốc viện trợ đó là khoản ban đầu và không có ý nghĩa lớn, bởi dự án mới đang đưa vào quy hoạch, xem xét chứ chưa quyết định triển khai cụ thể. "Ở đây, chỉ cần làm rõ xem, chúng ta có lỡ cam kết gì hơn khi họ tài trợ số tiền này không…", ông Nghĩa nói.

Ông cũng lưu ý, dự án đường sắt này là quy hoạch từ năm 2015, vì vậy quá trình triển khai dự án phải rà soát lại, đối chiếu với các yếu tố hiện tại như an ninh quốc phòng, quan hệ trong nước và quốc tế, tình hình kinh tế và khả năng tài chính, nợ công, đầu tư công… Quy hoạch là xây dựng cho tương lai, nhưng tình hình thực tế luôn thay đổi. Thực tế cho thấy, Quốc hội đã từng quyết làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và dự án này đã bắt đầu triển khai, nhưng sau khi rà soát lại, đã quyết định không làm nữa.
Về việc đánh giá hiệu quả kinh tế nếu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được triển khai, ông Nghĩa cho biết, đã có những chuyên gia kinh tế cho rằng “tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đối với dự án không đáp ứng lợi ích chủ yếu của nền kinh tế, vậy ai sẽ khai thác và hưởng lợi nhiều trên tuyến đường? Theo nhiều người, tuyến đường sắt không có lợi cho Việt Nam, vì vậy cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố", ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Về khái toán dự án do tư vấn Trung Quốc lập là khoảng 100.000 tỷ đồng, ông cũng đề nghị phải xem xét có còn hợp lý nữa không và mục đích của dự án là gì. Ông cũng nói rõ quan điểm "Theo tôi, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn ưu tiên nữa và đối với Việt Nam, lợi ích từ dự án đường sắt này cũng không rõ", nên dành ưu tiên cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sau này là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Một khía cạnh người dân lo lắng khác là hiệu quả và hệ quả của những công trình hợp tác với Trung Quốc, ông Trương Trọng Nghĩa nói: "Ở Việt Nam, đã có những bài học nhãn tiền như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Khi bị nhiều "vố" như thế chúng ta cần rút bài học phải thận trọng, xem xét kỹ và đó đã là vết xe đổ rồi thì đừng giẫm vào nữa".

Khi bàn về phòng chống tội phạm, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm không đề cập tới vụ Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, báo cáo công tác phòng, chống tội phạm hầu như chỉ quan tâm tới tội phạm trên đất liền, còn tội phạm trên biển thì chưa thấy đề cập. “Việc tàu của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính chính là tội phạm nhưng không thấy báo cáo của Chính phủ nêu. Nếu như không nói gì thì đại biểu Quốc hội cũng thắc mắc chứ đừng nói nhân dân, dù ai cũng biết Đảng, Nhà nước đang tập trung giải quyết, các chiến sĩ cũng đang rất vất vả để giải quyết”, ông Nghĩa nói.

Hay trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể về đường cao tốc Bắc – Nam, ông Nghĩa cho rằng, đây phải là một dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là bảo đảm về an ninh, quốc phòng. Ông cũng nêu ý kiến về việc nhiều cử tri trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật của nước ta rất bức xúc về thông tin là chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam. "Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác, nếu lại xảy ra, ai chịu trách nhiệm?" – ông chất vấn.

Hay bàn về phát triển, ông Nghĩa nêu quan điểm: “Nếu chỉ định hướng bằng tiền thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào, làm tăng GDP lên. Nếu như vậy, cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc vào kinh tế, từ đó không thể tự chủ về nhiều mặt”, ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm. Ông kiến nghị “xoay trục lại” theo định hướng phát triển xuyên suốt, gồm 3 trụ cột văn hóa, môi trường và di sản.

Về minh bạch, chống tham nhũng

Góp ý kiến về dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25/10/2019, các đại biểu Quốc hội quan ngại phạm vi quy định bí mật nhà nước, thông tin mật hiện quá rộng. Theo Điều 7 dự thảo Luật, những thông tin như thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước; quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển; công nghiệp, thương mại… là thông tin bí mật nhà nước.

Ông Trương Trọng Nghĩa nói "sẽ lợi bất cập hại" khi những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại đáng lý cần tuyên truyền, phổ biến công khai và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, thì nay quy định là thông tin mật. "Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập, hay lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhiều lúc cần phải công khai nhanh, rộng… thì dự luật lại quy định là thông tin mật", ông nói.

Vì thế ông đề nghị phân định rõ đâu là tin mật, đâu là bí mật nhà nước. "Nếu làm không khéo, mở quá rộng, hoặc đóng quá chặt thì không ai dám làm gì cả, không ai dám phổ biến gì", ông đặt vấn đề và tỏ ý e ngại, dự luật nếu được áp dụng sẽ "tác động nhiều chiều, tiêu cực, ngoài ý muốn".

Về chống tham nhũng, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhập chung các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế thì thấy rất ít tội phạm tham nhũng, trong khi tình hình chung theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm tham nhũng còn nhiều. “Như vụ thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố ở Vĩnh Phúc, vì tội nhận hối lộ chúng ta nói là "tham nhũng vặt" nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng. Nhập vào như vậy thì ít ỏi quá, nhân dân sẽ nghĩ chưa phản ánh hết tình hình”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Bên cạnh đó, một số vụ án rất to, thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo, nhưng khi đưa ra xét xử thì lại không thấy tội danh về tham nhũng. Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là vụ MobiFone mua AVG thì thấy có tội nhận hối lộ, còn nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng. “Kể cả vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ liên quan tới 2 tướng công an cũng không thấy yếu tố tham nhũng nổi lên. Thực sự là như vậy, hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Qua những vụ như Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm ), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), ông Trương Trọng Nghĩa quan tâm về việc lực lượng vũ trang làm kinh tế và đặt ra nhiều câu hỏi: Những anh này là doanh nhân hay lực lượng vũ trang? Ai lãnh đạo những anh này mà lại để xảy ra như vậy? Vấn đề cơ chế kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất "bình phong" hay lực lượng vũ trang làm kinh tế, chúng ta đã có cơ chế đầy đủ chưa? Rồi quá trình đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ này? Ví dụ anh này là thượng tá, vậy mục đích chính của anh ta là làm giàu hay hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, Nhà nước? Sao anh ta có tài sản lớn như thế?

Có thể nói những câu hỏi của ông Nghĩa đặt ra rất nhức nhối, nhưng xác đáng.

Không ngừng trăn trở, suy nghĩ về hiện tình đất nước

Ông Trương Trọng Nghĩa đã từng có bài phát biểu tại Quốc hội tháng 4/2016 lay động lòng người. Trong đó, ông tha thiết bày tỏ mong ước: Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.

Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức. Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, ta vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc.

“Cuối cùng, xin nhắc lại câu thơ có ý nghĩa lịch sử sâu xa của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu” – đại biểu nói.

Trên đây chỉ là một vài ý kiến, phần nào phản ánh về hoạt động của Luật sư Trương Trọng Nghĩa với vai trò đại biểu Quốc hội. Nhưng ông xác định rằng, trách nhiệm của đại biểu không chỉ là phát biểu ý kiến, tham gia chất vấn mà đại biểu Quốc hội phải đeo bám, theo đuổi vấn đề từ đầu kỳ họp đến cuối kỳ họp, từ đầu đến cuối nhiệm kỳ, thậm chí là từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Các đại biểu tại một phiên họp Quốc hội

Ông cũng chia sẻ khó khăn đối với đại biểu là vấn đề thông tin, có những thông tin không phải lúc nào đại biểu cũng được biết hết, vì có thể có những thông tin thuộc về bí mật nhà nước. “Chẳng hạn đối với vấn đề nợ công, Quốc hội được trình bày tình hình chung về nợ công nhưng những số liệu cụ thể như nợ những nước nào, bao nhiêu, sẽ vay thêm những nước nào, định chế tài chính nào… thì cũng không hẳn là lúc nào cũng biết” – ông Nghĩa nói.

Không ngại phát biểu, chất vấn một cách thẳng thắn, bởi lẽ ông quan niệm “Có khi chính sự trao đổi thẳng thắn, công khai về những khuyết điểm, thiếu sót tại diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất lại khiến nhân dân yên tâm hơn, vì họ thấy những thực trạng tiêu cực đã được nhận diện, đối diện, do đó có cơ may được giải quyết”.

Ông luôn tâm niệm, tại nghị trường, đại biểu không được quên là nhân dân và cử tri đang chờ đợi mình làm gì đó tốt đẹp cho lợi ích của họ, đấu tranh chống những gì làm hại cho lợi ích của họ. Ngay trong lúc họp Quốc hội, các đại biểu nhận được rất nhiều lời nhắn của nhân dân, cử tri, báo chí. Thực hành văn hóa nghị trường, tức là phải đấu tranh, không ngại đụng chạm, va chạm. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, quan hệ riêng tư thì sẽ để nỗi sợ lấn át trách nhiệm của một đại biểu dân cử. Chính ở khía cạnh này, văn hóa nghị trường tùy thuộc bản lĩnh của từng đại biểu, tùy thuộc vốn sống, tính cách, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của họ.

Nhân dân rất sáng suốt. Nhân dân không bao giờ đòi hỏi một đại biểu 30 tuổi phải có vốn sống như một đại biểu 60 tuổi, hay các đại biểu phải thông thạo mọi lĩnh vực. Nhưng sự chân thành, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với dân, với nước là điều được chờ đợi như nhau, bắt buộc phải có. Thêm nữa, tuy mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi trình độ, nhưng đã tham gia vào Quốc hội, thì mỗi đại biểu đều phải có một trình độ, năng lực nhất định, đáp ứng được yêu cầu để hoàn thành trọng trách được cử tri giao phó, kể cả năng lực góp ý, xây dựng luật, giám sát việc thi hành pháp luật và thuyết trình, tranh luận hay soạn thảo.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Trương Trọng Nghĩa - Vị đại biểu Quốc hội sắc sảo và tâm huyết" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin