Trần Văn Giàu: Du học sinh họ Trần làm chính trị

“Anh Ninh đã căn dặn rằng làm thanh niên phải biết ước mơ. Và ước mơ đó, tôi còn nhớ mãi lời anh Ninh dùng, phải là ước mơ siêu nhân”. Đó là lời tự sự của nhà cách mạng, nhà trí thức Trần Văn Giàu về ước mơ. Và từ những chập chững ban đầu của tuổi trẻ ấy, đã hun đúc nên một Trần Văn Giàu luôn sống hết mình vì dân, vì nước.

Trần Văn Giàu trước cổng nhà tù La Roquette, nơi ông bị giam năm 1930
Trần Văn Giàu trước cổng nhà tù La Roquette, nơi ông bị giam năm 1930)

Nói đến Giáo sư Trần Văn Giàu (1910-2010), là nói đến một trí thức yêu nước, một nhà cách mạng, là nói đến một nhà sư phạm, và cũng là nói đến một nhà khoa học. Cuộc đời ông tròn một thế kỷ, là ngần ấy thời gian sống và cống hiến hết mình.

Giáo sư Trần Văn Giàu, quê ở đất Long An, một trong 13 tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ hiện nay, giáp cửa ngõ phía Nam của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bản khai tại Nha Mật thám Nam Kỳ tháng 3/1935 với bí danh Hồ Nam, ông cho biết “Tôi sinh ngày 11-9-1911 ở An Tập, tổng Thạnh Mục Hạ, tỉnh Tân An (Nam Kỳ)”. Tỉnh Tân An ấy, nay chính là tỉnh Long An. Quê hương Trần Văn Giàu dạo ấy, mới có ông Nguyễn Thông là người được học hành cao, làm quan Bố chánh ở Bình Thuận.

Lớn lên từ đất sình lầy

Trong hồi ức của ông kể lại cho học trò qua ghi chép “Nghe thầy kể chuyện” của PGS Nguyễn Phan Quang (học trò GS Giàu) thì trong ký ức nhà cách mạng họ Trần, quê ông là nơi “rừng tràm, nước phèn thì nhiều mà văn học, chữ nghĩa thì ít lắm”… “Nói chung là một tỉnh của người lao động vất vả, của người Đồng Tháp Mười, chỉ có nước phèn với rừng tràm”.

Dù đất nghèo, làm nông nghiệp, nhưng đây cũng là mảnh đất có sự hiện diện của đội quân chống Pháp của Thủ khoa Huân, đã gieo vào đầu óc non nớt khi nhỏ của cậu bé Giàu một cảm xúc lạ lẫm khó tả.

Trần Văn Giàu được sinh ra trong gia đình điền chủ nhỏ, làm chủ khoảng 15 hecta ruộng, cha là Trần Văn Choi, mẹ là Nguyễn Thị Phụng; dẫu vậy “Cha mẹ tôi là nông gia sung túc nhưng đã phá sản do khủng hoảng kinh tế”. Gia đình ông có 9 anh chị em, trong đó, theo “Trần Văn Giàu, dấu ấn trăm năm” thì cậu bé Giàu là con út trong gia đình, được gọi là Mười Ký, “được cha mẹ cưng chiều, các anh chị hết lòng yêu thương đùm bọc”. Bởi vậy mà trong khi hầu hết anh chị đều làm ruộng, thì cậu bé Mười Ký được cha mẹ cho theo học chữ quốc ngữ từ nhỏ.

Khi lên 9 tuổi, theo lời chính ông nhớ lại thì “tôi mới bắt đầu đi học trường hàng tổng Tầm Vu, thuộc làng Dương Xuân Hội (Tân An). Năm 11 tuổi theo học trường Sơ học và ba năm sau thi đỗ Tiểu học Pháp-An Nam”.

Giáo sư Trần Văn Giàu
Giáo sư Trần Văn Giàu)

Thời gian từ tháng 9/1925 đến tháng 7/1928, chàng thiếu-thanh niên Giàu theo học tại trường Chasseloup Laubat. Và chính trong thời gian học ở đây, với sự trưởng thành về thể chất, trí tuệ và hiểu biết, Trần Văn Giàu bắt đầu chú ý và bị cuốn vào cơn lốc chính trị nước nhà dạo ấy.

Ông cho hay, trong thời gian này, ông đã dự một cuộc biểu tình khi học năm thứ nhất, đó chính là cuộc biểu tình để tang cụ Phan Châu Trinh. Và cũng ở đây, anh thanh niên mới lớn Trần Văn Giàu được biết đến những tên tuổi của Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường… Từ những chập chững ban đầu, Trần Văn Giàu đã có một hướng đi mới cho bản thân.

Du học Pháp quốc

Sau cuộc biểu tình nhân đám tang Phan Châu Trinh năm 1926, một số học sinh trường Chasseloup Laubat bị đuổi, một số lại tìm cách trốn sang Pháp để tìm lý tưởng mới như lời kêu gọi của Nguyễn An Ninh. Và Trần Văn Giàu cũng nằm trong số đó.

Theo ghi chép “Nghe thầy kể chuyện”, ông đã kể lại “Tôi cũng ở trong số đó, muốn đi khỏi nhà, khỏi nước để tìm lý tưởng mới, nhưng lý tưởng mới đó là gì thì không rõ, nhưng chắc chắn phải có lý tưởng nào cao xa hơn, không phải là cái cũ mà mình có lâu nay”.

Nhưng mong muốn ấy lại bị thực tế phũ phàng ngăn trở. Ấy là lúc bấy giờ, gia đình đang mắc nợ 3.000 piastre (đơn vị tiền tệ của Đông Dương thuộc Pháp lúc đó), nhưng bởi thanh niên Giàu năn nỉ đến cùng, nên cha mẹ vì thấy con học giỏi, cũng xuôi lòng mà chiều con, đi vay nợ để lo cho Trần Văn Giàu đi Tây. Trước cho Giàu du học nơi đất Pháp, ông bà bắt cậu phải cưới vợ cho yên bề gia thất. Và thế là Trần Văn Giàu kết hôn với người bạn đời sau này song hành suốt quãng đời ngót 100 năm của ông.

Năm 1928, Trần Văn Giàu sang Pháp, đến học ở Toulouse, tại trường Trung học (Lycée), lớp 1B. Trong “Bản khai của Trần Văn Giàu tại Nha Mật thám Nam Kỳ” tháng 5/1935, ta được biết, Trần Văn Giàu “hồi này tôi là học trò xuất sắc, được chỉ định tham dự các kỳ thi tuyển chung về lịch sử, địa lý và văn chương”. Sau khi nhận bằng Tú tài toàn phần, anh Giàu thi Triết học, rồi chuẩn bị lấy chứng chỉ môn Địa lý.

Tại Pháp, Trần Văn Giàu được tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, và đọc mỗi thứ một ít, trong đó chú tâm hơn về các sách liên quan đến cộng sản. Dần dà, anh “ngày càng hướng sự tò mò của mình vào các tác phẩm lý thuyết của Karl Marx và Lénine. Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản đã hấp dẫn tôi”. Lúc ấy, Trần Văn Giàu ở tuổi 18.

Trường Chasseloup Laubat nơi Trần Văn Giàu học, nay là trường THPT Lê Quý Đôn
Trường Chasseloup Laubat nơi Trần Văn Giàu học, nay là trường THPT Lê Quý Đôn)

Buổi đầu nghiệp chính trị

Nếu như trước khi sang Pháp, trong mắt chàng thanh niên Giàu, thấy rằng tụi Tây là đáng ghét, vì áp bức, bóc lột đồng bào mình, cai trị đất nước mình, làm dân mình mất quyền độc lập, tự do. Nhưng khi sang Pháp, anh thấy rằng, vẫn có những người Pháp tốt, bênh vực mình. Bởi thế anh có thiện cảm hơn. Và bị cuốn vào hoạt động chính trị lúc nào không hay.

Lúc đó, anh Giàu ngoài việc học, còn dịch bài cho báo “Cờ Đỏ” từ những bài báo Pháp ngữ ra quốc ngữ. Đây là tờ báo tuyên truyền, vận động binh lính người Việt đóng đồn ở phía Nam nước Pháp chống lại thực dân. Như ông tâm sự: “Thế là tôi bắt đầu làm chính trị từ đó (năm 1929). Công việc bí mật, vừa làm vừa đi học”. Dạo ấy ở đất Pháp, có Hội Ái hữu Đông Dương, hội này chia làm hai phái là phái “bảo thủ” và “phái trẻ”. Trần Văn Giàu thuộc về “phái trẻ”. Phái trẻ đã tham gia một số cuộc mittin do những người vô sản Pháp tổ chức.

Giữa lúc ấy, thì tin từ trong nước bay đến. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái diễn ra đầu năm 1930 nhưng thất bại. Thực dân Pháp tiến hành đàn áp cuộc khởi nghĩa, đưa lên đoạn đầu đài những yếu nhân của khởi nghĩa. Sinh viên, học sinh người Việt tại Pháp liền tập hợp nhau lại, tiến hành biểu tình phản đối.

Theo bài viết “Dấn thân” viết về đoạn đầu hoạt động của Trần Văn Giàu cho hay, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, sinh viên, học sinh Việt Nam cùng công nhân Pháp xuống đường biểu tình chống án xử tử các nhà cách mạng Yên Bái. 6 người đã bị bắt, trong đó có Trần Văn Giàu.

Những người bị bắt đưa về bót cảnh sát, nhưng chỉ nửa tiếng sau cảnh sát Pháp phải thả họ. Ba tuần sau, Trần Văn Giàu tham gia tiếp một cuộc biểu tình tại Paris trước dinh Tổng thống Pháp để đòi thả những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái nơi quê nhà: “Tôi là đại biểu của anh em học sinh, sinh viên và thợ thuyền ở Toulouse lên dự cuộc mittin. Trong cuộc biểu tình đó, tôi bị bắt”. Anh Giàu bị bắt giam vào nhà ngục La Roquette.

Nhận thấy thanh niên An Nam Trần Văn Giàu không đèn sách học hành, mà đấu tranh chính trị, tiềm ẩn sự nguy hại cho chính quyền, thế là Trần Văn Giàu bị chính quyền Pháp đuổi học, bị giải về Marseille để chuẩn bị trục xuất về Việt Nam.

Tháng 6/1930, anh cùng 18 người bạn bị trục xuất khỏi nước Pháp trên tàu Athos II. Vậy là mộng du học để có bằng tiến sĩ về làm rạng danh cho nhà bị dứt. Về đến Sài Gòn tháng 7/1930, anh lại bị đưa vào Khám Lớn ghi tên, chụp hình. Rõ là Trần Văn Giàu đã bị lưu tên tuổi một can phạm chính trị. Nhưng đời cách mạng của anh thanh niên Giàu từ đây, cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi...

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin