TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra, dập dịch COVID-19 như thế nào?

05/07/2021 08:43

Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, TP.HCM đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), đợt cao điểm 12 ngày kiểm soát COVID-19 từ 29/6 đến 10/7, TP HCM có nhiều thay đổi trong điều tra, truy vết, khoanh vùng, nhằm sớm khống chế dịch.

1-1625448974.jpg

Ảnh minh họa.

Lực lượng chức năng xác định khu vực khoanh vùng trong một giờ hoặc sớm hơn, ngay khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm nCoV. Nhân viên điều tra dịch tễ sẽ điều tra nhanh ca F0, kết hợp đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính. Ngược lại, người không có hộ khẩu nhưng sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn bè thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc.

Những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó lên phương án xử lý thích hợp.

Theo HCDC, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng. F1 sau khi lập danh sách được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận, huyện để điều tra dịch tễ. F1 được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT- PCR.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, ca nghi nhiễm này sẽ được xử lý như trường hợp đang chờ kết quả khẳng định rT-PCR.

Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2-3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

Đợt cao điểm kiểm soát COVID-19 này, thành phố đã sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này không kiêm nhiệm việc khác, để đảm bảo hoàn thành việc truy vết chi tiết, hiệu quả và xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Ngoài mục tiêu đảm bảo 100% ca F0 được khởi động điều tra trong vòng một giờ, các F1 có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, thành phố đặt kế hoạch các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ, trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 mới nhất, bản tin dịch COVID-19 sáng 4/7 của bộ Y tế cho biết có 263 ca mắc trong nước tại TP.HCM (217), Phú Yên (17), Long An (15), Khánh Hoà (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (2), An Giang (1) ; trong đó 250 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 6h ngày 4/7: Việt Nam có tổng cộng 17.462 ca ghi nhận trong nước và 1.848 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 15.892 ca, trong đó có 4.869 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 15 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam.

Có 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.345.065 xét nghiệm cho 7.948.332 lượt người.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/tp-hcm-thay-doi-chien-luoc-dieu-tra-dap-dich-covid-19-nhu-the-nao-a505820.html

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra, dập dịch COVID-19 như thế nào?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin