Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân thương mại phạm tội là quy định mới lần đầu tiên được quy định tại Điều 87 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015).
Theo quy định Điều 87 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện trong 03 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Khi một pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này (khoản 1 Điều 87 BLHS năm 2015). Trường hợp này, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của BLHS năm 2015(1). Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của Hội đồng xét xử đang xét xử vụ án.
Trường hợp thứ hai: Khi một pháp nhân thương mại đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới (Khoản 2 Điều 87 BLHS năm 2015). Trường hợp này, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của BLHS năm 2015. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của Hội đồng xét xử đang xét xử vụ án.
Trường hợp thứ ba: Khi một pháp nhân thương mại phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp (Khoản 3 Điều 87 BLHS năm 2015). Trường hợp này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 87 BLHS năm 2015 (tức là tổng hợp hình phạt theo trường hợp thứ nhất hoặc theo trường hợp thứ hai).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Điều 87 BLHS năm 2015, tác giả thấy có một số quy định cần được hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn cho thống nhất như sau:
Một là, quy định pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án được hiểu như thế nào?
Tòa án chỉ được tổng hợp hình phạt theo khoản 1, 2 Điều 87 BLHS năm 2015 khi thỏa mãn điều kiện chung là pháp nhân thương mại bị xét xử phải là pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án. Vậy khi nào được coi là một pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án thì hiện nay còn có quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng một pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án là khi có quyết định thi hành án hoặc khi pháp nhân thương mại đang thực tế chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng một pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án là chỉ cần khi bản án xét xử pháp nhân thương mại phạm tội có hiệu lực pháp luật, vì khi bản án có hiệu lực pháp luật đương nhiên pháp nhân thương mại phạm tội phải chấp hành bản án đó của Tòa án.
Hai là, Chánh án Tòa án nào có quyền tổng hợp hình phạt theo khoản 3 Điều 87 BLHS năm 2015.
Đối với quy định Chánh án Tòa án tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo khoản 3 Điều 87 BLHS năm 2015 thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật trước đây đã được hướng dẫn tại mục 5 của Thông tư liên tịch 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung cụ thể như sau:
– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Toà án thì Chánh án Toà án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.
– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì Chánh án toà án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì Chánh án toà án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì Chánh án Toà án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các Toà án cấp tỉnh (hoặc đều là của Toá án quân sự cấp quân khu), thì Chánh án Toá án cấp tỉnh (hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.
– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toá án không cùng cấp thì Chánh án Toà án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Toà án cấp cao hơn có trước hay có sau.
– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của Toà án nhân dân, có bản án của Toà án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các điểm b, c trên đây, cụ thể là: Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Toà án cấp huyện và của Toà án quân sự khu vực hoặc là của Toà án cấp tỉnh và của Toà án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Toà án đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt ra quyết định; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các toà án khác nhau và khác cấp, thì Chánh án Toà án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của toà án cấp cao hơn có trước hay có sau (ví dụ: có bản án là của Toà án nhân huyện, có bản án là của Toà án quân sự quân khu, thì Chánh án Toà án quân sự quân khu ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Toà án quân sự quân khu có trước hay có sau bản án của Toà án nhân dân huyện).
– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận, có bản án là của Toà án Việt nam, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.
Hiện tại do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật theo khoản 3 Điều 87 BLHS năm 2015 có thể vận dụng theo tinh thần quy định tại mục 5 của Thông tư liên tịch 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà tác giả đã trình bày. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật cho thống nhất thì theo tác giả quy định tại khoản 3 Điều 87 BLHS năm 2015 cần được hướng dẫn lại cho cụ thể.
Theo http://moj.gov.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/tong-hop-hinh-phat-cua-nhieu-ban-an-trong-truong-hop-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi-va-mot-so-vuong-mac