Ngày 18/7/2018, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Đại sứ Hoa Kỳ, TANDTC tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xét xử các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TNDTC cùng các Thẩm phán Trần Văn Cò, Lương Ngọc Trâm điều hành buổi Tọa đàm.
Tham gia buổi Tọa đàm, có Ngài Evan Williams, Điều phối viên Thực thi Luật pháp Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cau; PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án; các chuyên gia quốc tế về sở hữu trí tuệ; các đồng chí đại diện cho Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Hội Luật gia Việt Nam và đại diện một số đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là mối quan tâm của từng quốc gia, khu vực mà là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Với vai trò là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, ngày 13/7/2000, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kỳ đã ký kết Hiệp định song phương về quan hệ thương mại trong đó có nhiều nội dung thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ. Để thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã và đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, một trong những văn bản quan trọng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung ban hành là Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 đã bổ sung một số nội dung mới về quyền sở hữu trí tuệ. Để triển khai thi hành Bộ luật này và thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội giao, Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chuẩn bị tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án hình sự cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, công chức Tòa án về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, để triển khai thi hành bộ luật hình sự mới về sở hữu trí tuệ, bảo đảm thống nhất và hiệu quả, thì việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, công chức Tòa án là vô cùng cần thiết.
Để buổi Tọa đàm đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ mong các chuyên gia, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến công tác xét xử các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm chuẩn bị cho chương trình đào tạo nâng cao năng lực xét xử các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên và công chức Tòa án Việt Nam dự kiến trong tháng 10 tới đây; đồng thời đưa ra các khuyến nghị, định hướng cho việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bộ luật hình sự mới.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã giới thiệu khung pháp luật liên quan đến các vi phạm về sở hữu trí tuệ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự; đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày tham luận về thực tiễn xét xử các vi phạm về sở hữu trí tuệ tại Tòa án Việt Nam.
Trao đổi kinh nghiệm về vấn đề sở hữu trí tuệ, Ngài Evan Williams cho biết, ở Hoa Kỳ hiện có 93 Văn phòng Công tố viên của Liên bang chuyên tội phạm xân phạm quyền sở hữu trí tuệ (mỗi văn phòng có từ ít nhất từ 1-3 Công tố viên); đồng thời, chia sẻ về các hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ và một số vụ án về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ; về sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành của Hoa Kỳ trong phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Ngài Evan Williams khẳng định, phía Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ các quốc gia triển khai các đạo luật về sở hữu trí tuệ; đảm bảo các Thẩm phán, Công tố viên có thể nhanh chóng tiếp cận với các chuyên gia về kinh nghiệm, kỹ năng xử lý đối với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thảo luận tại buổi Tọa đàm, Thẩm phán, đại biểu Việt Nam đặt nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, về những khó khăn, vướng mắc trong cách hiểu, áp dụng pháp luật đối với tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam; đồng thời, mong muốn các nhận được những kinh nghiệm bổ ích từ các chuyên gia Hoa Kỳ.
Một trong các nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là phân biệt giữa tội sản xuất hàng giả với tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (về đối tượng, mục đích và đường lối xử lý) ở thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế…
Ngoài ra, các đại biểu cùng các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Theo http://toaan.gov.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/toa-dam-trao-doi-kinh-nghiem-xet-xu-cac-toi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue