Tọa đàm: Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc

03/07/2018 08:34

Ngày 28-6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp và sinh hoạt khoa học năm 2018, Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc". Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra chủ trì buổi tọa đàm. Các đại diện đến từ Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan khác tham dự Tọa đàm.

Theo TS.Đinh Văn Minh, với mục tiêu xây dựng một đất nước Trung Quốc khá giả và hiện đại, trong bối cảnh cải cách kinh tế, hành chính gắn chặt với quá trình chỉnh đốn Đảng thì công tác phòng, chống tham nhũng được Trung Quốc tập trung thực hiện. Đối với cán bộ, đảng viên thì ngoài tuân thủ quy định của pháp luật còn phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật của đảng viên, cán bộ càng cao thì kỷ luật càng chặt chẽ. Trong sinh hoạt và làm việc, tất cả cán bộ, đảng viên phải làm theo tấm gương của lãnh tụ và hành động theo khẩu hiệu, ví dụ cán bộ đảng viên phải tránh xa “Tứ phong”, gồm: chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng thụ và xa hoa lãng phí. “Tám điều quy định cần chỉnh đốn trong các hoạt động của bộ máy nhà nước và của Đảng” gồm: Tất cả mọi quyết sách được thông qua đều phải xuất phát từ thực tiễn. Việc tổ chức các hội nghị phải cụ thể, sát thực, không lãng phí.

Quy định về đi công tác nước ngoài, quy định về công tác cảnh vệ đều phải tránh tốn kém, lãng phí; quy định về báo chí và đưa tin cũng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt; quy định về phát ngôn…. Với gần 90 triệu đảng viên, trung bình mỗi năm gần nửa triệu đảng viên bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các biện pháp xử lý rất nghiêm theo tinh thần “một là làm cho đỏ mặt, hai là làm cho sợ hãi”.

Tọa đàm “Kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc”
Tọa đàm “Kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc”)

Việc phòng, chống tham nhũng gắn bó chặt chẽ với công tác xây dựng Đảng và mang đặc sắc Trung Quốc. Trung Quốc thành lập Ủy ban giám sát quốc gia, thay thế cho Bộ giám sát (một cơ quan thuộc Chính phủ) trước đây. Các cơ quan này đã được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2018. Hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban giám sát quốc gia là hai cơ quan cùng chung một trụ sở, do một người lãnh đạo (Thường vụ Bộ Chính trị) đứng đầu hai cơ quan. Hai cơ quan này chung một bộ máy và một cán bộ của hai cơ quan này có thể thực hiện đồng thời hai chức năng, vừa thực hiện chức năng của đảng trong giám sát tham nhũng vừa thực hiện chức năng của Nhà nước trong điều tra, khởi tố đối với các tội phạm tham nhũng. Thực ra, trước khi có Ủy ban này, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã thực hiện thí điểm việc hợp nhất hai cơ quan nêu trên tại 3 tỉnh Sơn Tây, Triết Giang và Bắc Kinh, sau đó tổng kết bước đầu và từng bước hoàn thiện chế định này. Sự hợp nhất của hai cơ quan trên đã dẫn đến sự hợp nhất cả về tổ chức bộ máy và con người theo hướng “hai trong một”, gồm cả kiểm tra kỷ luật của Đảng và giám sát của Nhà nước. Do vậy, hai cơ quan này hoạt động rất mạnh mẽ, vừa tập trung quyền lực cho Đảng, vừa thực hiện nhiều thẩm quyền quan trọng chống tham nhũng, thậm chí có nhiều thẩm quyền còn vượt lên trên quy định của pháp luật (theo quy định của Đảng).

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của Trung Quốc có 47 Tổ kiểm tra kỷ luật tái xuất, đặt ở các cơ quan của tỉnh và trung ương, có quyền thay đổi địa điểm thường xuyên, hoạt động độc lập không cần thông qua chính quyền và người dân hoàn toàn có quyền trực tiếp gửi đơn đến cơ quan này. Cơ quan này có quyền khởi tố, điều tra ban đầu, củng cố hồ sơ và chuyển toàn bộ tài liệu hồ sơ này sang Viện kiểm sát để truy tố. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong cơ cấu của Ủy ban giám sát quốc gia có Cục hợp tác quốc tế có chức năng quan trọng là điều tra, truy tố, hồi hương và thu hồi tài sản tham nhũng từ nước ngoài.

Ngoài thiết chế về hai Ủy ban nêu trên hoạt động theo Luật giám sát và Điều lệ về tuần thị đối với cán bộ, đảng viên, để chống tham nhũng hiệu quả, Trung Quốc còn sử dụng công cụ tin học và sự giám sát của người dân, ví dụ chỉ cần có báo cáo về việc một cán bộ ăn cơm với doanh nghiệp thì lập tức cán bộ đảng viên này phải giải trình và cơ quan Ủy ban giám sát có thể vào cuộc để điều tra.

Về kê khai tài sản, Trung Quốc cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên đến nay, nội dung kê khai đã được mở rộng theo hướng đối tượng kê khai phải kê khai nội dung con đi học nước ngoài và các tài khoản nước ngoài (nếu có); việc kiểm tra bản kê khai này thực hiện theo xác suất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Để làm được điều này, Trung Quốc đã áp dụng 03 nguyên tắc: Thứ nhất, nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng hạn chế trong trường hợp này vì Trung Quốc cho rằng đã là đảng viên cán bộ thì phải khác người bình thường, trách nhiệm giải trình và chứng minh phải cao hơn. Thứ hai, Điều 359, Bộ Luật hình sự Trung Quốc quy định cán bộ, đảng viên chỉ kê khai bổ sung khi “có sự biến động lớn về tài sản”. Thứ ba, việc quản lý tài sản rất chặt chẽ, nhất là kiểm soát nguồn thu nhập của cán bộ, công chức. Lương của cán bộ, công chức được quy định rõ ràng, minh bạch theo quy định của pháp luật, các khoản ngoài thu nhập không được phép; việc kiểm soát chi tiêu rất chặt chẽ, ví dụ các giao dịch từ 1.000 tệ trở lên phải qua ngân hàng và phải đúng chủ tài khoản thực hiện. Tất cả các nhà hàng đều phải từ chối dùng tiền mặt. Các loại tiền mặt đưa vào tài khoản đều phải giải trình hết sức chi tiết.

Theo Noichinh

Bạn đang đọc bài viết "Tọa đàm: Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin