Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 22/12, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2023.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Theo Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, năm 2022, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng (tăng gần 6% so với năm trước) với tính chất đa dạng, phức tạp và phải triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.
Năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt 88,9%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng nghị quyết của Quốc hội và tòa án đề ra.
Đồng thời, các tòa án đã xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra các thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm; đã tuyên thu hồi tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.000 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.
[Hà Nội: Những vụ án lớn, phức tạp, dư luận quan tâm được xử lý nghiêm]
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đánh giá kết quả công tác của các Tòa án năm 2022, triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2023, mà còn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng lớn để đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, xây dựng nền tư pháp và tòa án chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực hiệu quả; công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá năm 2022 là năm hệ thống tòa án nhân dân tiếp tục phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức mới.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề cập đến một số nội dung mà tòa án thực hiện tốt trong năm 2022, đồng thời nhấn mạnh, năm 2022, tòa án nhân dân đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng, như hoàn thành tất cả các đề án mà Trung ương giao cho tòa án thực hiện, trong đó có đề án cải cách tư pháp, tòa án điện tử, đổi mới cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử…
Điểm sáng thứ hai, theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao là xét xử các vụ án tham nhũng. Cụ thể tham gia vào tiến trình giải quyết các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hệ thống tòa án đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình...
Các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản. Điều này có sự đóng góp của tất cả các cơ quan trong khối nội chính, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu.
"Từ nay đến năm 2023, chúng ta sẽ lần lượt chứng kiến đưa ra xét xử những vụ án rất lớn," Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Công tác xây dựng pháp luật cũng là một điểm sáng năm 2022. Tòa án Nhân dân tối cao cũng tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.
Riêng năm đầu tiên nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XV đã ban hành 3 Pháp lệnh do Tòa án xây dựng. Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành rất nhiều nghị quyết, án lệ. Đáng mừng là việc vận dụng án lệ trong xét xử đã được các thẩm phán áp dụng thường xuyên.
Cùng với đó là việc thực hiện các Nghị quyết lớn của Quốc hội về công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành tại Tòa án cao, không phải phải đưa ra xét xử, mang đến nhiều lợi ích cho xã hội; nghị quyết về xét xử trực tuyến, mặc dù chưa được đầu tư cơ sở vật chất nhưng các địa phương nỗ lực, đã có hơn 5.000 vụ án được đưa xét xử trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, đã đưa vào thử nghiệm phần mềm Trợ lý ảo vào hoạt động của tòa án...
Về công tác năm 2023, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của các tòa án nhân dân.
Trong đó có phương hướng thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi và quan trọng nhất của hệ thống toà án để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.
Vì vậy, các tòa án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án; bảo đảm các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định.
Tòa án cũng xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp./.