'Tòa án công bằng là tòa mà thẩm phán không sợ hãi'

Tòa án công bằng là tòa án mà ở đó thẩm phán có thể quyết định các vụ việc mà không phải sợ hãi, không thiên vị, không ác ý, cảm tình hoặc có bất kỳ định kiến nào khác.

Thẩm phán Susan Kenny (thẩm phán Tòa án Liên bang Úc) tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10-10-1945 - 10-10-1945) đã có bài chia sẻ về ảnh hưởng của công bằng, độc lập xét xử đến phát triển kinh tế.

Chúng tôi xin trích đăng giới thiệu bài chia sẻ của thẩm phán Susan Kenny dưới đây:

Ngày nay các tòa án và luật pháp Anh là lựa chọn phổ biến nhất đối với các hợp đồng quốc tế có giá trị lớn. Tính độc lập và khách quan trong quá trình ra quyết định của các tòa án Anh luôn được xem là điều mặc định. Các bên trong quan hệ thương mại, dù là bản địa hay ngoại quốc, trong hay ngoài nước, đều có thể tin rằng các vụ việc của họ sẽ được xét xử công bằng và đúng theo pháp luật.

Khi nói về các tòa án độc lập là chúng ta nói đến tòa án mà ở đó thẩm phán được tạo điều kiện để có thể xét xử vụ việc tranh chấp một cách công bằng, dựa trên các tình tiết đã được chứng minh mà không bị sức ép bởi những áp lực hoặc ảnh hưởng từ bên ngoài.

Khi nói về các tòa án công bằng là chúng ta nói đến những tòa án mà ở đó thẩm phán có thể quyết định các vụ việc mà không phải sợ hãi, không thiên vị, không vì ác ý, cảm tình hoặc có bất kỳ định kiến nào khác.

 Thẩm phán Susan Kenny (thẩm phán Tòa án Liên bang Úc).
Thẩm phán Susan Kenny (thẩm phán Tòa án Liên bang Úc).)

Thẩm phán Susan Kenny dẫn chứng: Elizabeth I, nữ hoàng Anh từ năm 1558 cho đến khi bà qua đời năm 1603, đã tạo nguồn thu bằng hình thức thu phí để cấp phép độc quyền thương mại.

Nguyên đơn của vụ án là ông Edward Darcy, người đã được nữ hoàng cấp giấy phép độc quyền nhập khẩu, sản xuất và bán các bộ bài ở nước Anh với thời hạn 21 năm. Với quyền quý giá này, Darcy đã đầu tư nhiều tiền bạc để làm ra nhiều loại bộ bài khác nhau.

Lúc ấy ông Thomas Allein, một doanh nhân khác, cũng bắt đầu sản xuất các bộ bài của riêng mình. Darcy khởi kiện chống lại Allein vì những thiệt hại Allein đã gây ra cho mình dựa vào độc quyền kinh doanh đã được nữ hoàng Anh cấp.

Allein khi biện hộ cho mình đã lập luận rằng các độc quyền mà Darcy dùng làm cơ sở cho đơn khởi kiện của mình là không hợp lệ và rằng ông hoàn toàn có quyền sản xuất các bộ bài riêng.

Tòa án xét xử vụ này có trụ sở tại London, sau khi tiếp nhận chứng cứ từ các nhân chứng trong lĩnh vực thương mại liên quan đã phán quyết rằng việc cấp phép độc quyền của hoàng gia là trái với lợi ích công cộng và trái pháp luật.

Chánh án xét thấy sự độc quyền này đã làm giá của các mặt hàng độc quyền bị đẩy lên cao, chất lượng thì giảm đi và khiến những người từng kinh doanh các mặt hàng đó không còn khả năng tiếp tục công việc của họ và do vậy đã trở nên nghèo khó hơn. Nói cách khác, việc cấp phép độc quyền của hoàng gia là điều bất lợi cho sự vận hành lành mạnh của nền thương mại và kinh tế của đất nước.

Trường hợp trên là một minh họa khẳng định sự độc lập của các tòa án Anh trong các vụ án thương mại từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay. Bằng việc khẳng định này, các tòa án Anh đã nâng cao danh tiếng của mình như là tòa án có khả năng quyết định các vụ án thương mại mà không chịu sự ràng buộc của các áp lực từ bên ngoài, kể cả hoàng gia hoặc trong bối cảnh của thời đại hiện nay là từ phía các cơ quan hành pháp.

Nhận thức được tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế và thương mại của đất nước, hoàng gia (hoặc chính phủ) sau đó đều chấp hành các quyết định của tòa án.

Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao Úc đã nhấn mạnh rằng sự độc lập và công bằng là một trong những đặc tính tiêu biểu của các tòa án Úc và hơn thế nữa những đặc tính này còn được Hiến pháp bảo vệ. Do vậy, các quy định của luật pháp liên bang và của các tiểu bang nếu có nội dung can thiệp vào khả năng xét xử độc lập của tòa án, tức là tính liêm chính của thể chế tòa án, đều bị tòa án tối cao bác bỏ vì không hợp hiến.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin