(Pháp lý) – Theo dõi tố tụng 2 vụ án tiêu cực trong thi cử gây chấn động thời gian qua ở Hà Giang và Sơn La, Phóng viên phát hiện ra điểm khác biệt quan trọng trong lời khai của các bị cáo: Nếu như ở Sơn La chỉ có người nhận tiền tỉ để nâng điểm, không có người đưa tiền? thì ở Hà Giang, nâng điểm do quan hệ, không có lợi ích vật chất ? Và điểm chung của tố tụng hai vụ , đến thời điểm này, chưa có ai bị khởi tố tội đưa hối lộ để chạy điểm.
Trong cấu thành tội nhận hối lộ của Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có quy định về hành vi khách quan của tội nhận hối lộ là việc nhận cả lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất. Để không bỏ lọt tội phạm trong các vụ án tiêu cực thi cử, đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật cần soi chiếu qui định trên vào các tình tiết của các vụ án .
Sơn La: chỉ có người nhận tiền tỉ để nâng điểm, không có người đưa tiền?
Trong những ngày 14 đến 16/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã đưa ra xét xử vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La. Điều đáng nói, các bị cáo bị xét xử tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS)
Theo đó, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 8 người bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nâng điểm cho 44 thí sinh trong các ngày từ 29/6 đến 3/7/2018. 8 người bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 1 điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù, gồm: ông Trần Xuân Yến, Đỗ Khắc Hưng, Lò Văn Huynh, Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chấtlượng), Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu).
Các bị cáo đã dùng các thủ đoạn khác nhau để nâng điểm cho các thí sinh. Khi bị phát giác, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định đã hạ điểm của các thí sinh này. Người bị hạ nhiều nhất tới 26,55 điểm cho ba môn, điểm thực tế chỉ là Toán 0 điểm, Vật Lý 0,25 điểm, Tiếng Anh 0,2 điểm. 5 thí sinh bị hạ mỗi người trên 22 điểm.
Khác biệt hẳn vụ việc ở Hà Giang, các bị cáo vụ ở Sơn La tham gia nâng điểm đã có lời khai nhận tiền. Bị cáo Nga khai nhận hơn một tỷ đồng để nâng điểm cho bốn em và sau đó đã tự nguyện nộp cho Cơ quan An ninh điều tra. Bị cáo Huynh nhận một tỷ đồng của một người đàn ông ở thành phố Sơn La để nâng điểm cho hai thí sinh, 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh. Bị cáo Thuỷ nhận 500 triệu đồng của ba người và bị cáo Sọn nhận 440 triệu để sửa điểm cho một thí sinh.
Mặc dù cơ quan điều tra cho rằng hành vi nhận tiền, thoả thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho thí sinh có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ. Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị cáo và số tiền đã nộp, cơ quan điều tra không có tài liệu nào khác để chứng minh nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa nhận hối lộ.
Hà Giang: nâng điểm do quan hệ, không có lợi ích vật chất ?
Trước đó, trong các ngày 14-16/9, TAND tỉnh Hà Giang xét xử vụ án nâng điểm cho 107 thí sinh tại Hà Giang. Các bị cáo đầu vụ gồm bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), Lê Thị Dung (cựu cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo điều 366.
Ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356.. Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Khuông, Dung không được phân nhiệm vụ trong kỳ thi nên đã nhờ Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Đầu tháng 5/2018, ông Hoài gọi Lương sang phòng làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo nói cần nâng điểm cho "một số trường hợp đặc biệt" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ông Hoài sau đó ba lần chuyển danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho Lương. Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Triệu Thị Chính nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho một em.
Cáo trạng xác định một mình Vũ Trọng Lương nâng điểm cho các bài thi. Ngày 27/6/2018, Lương "tải" đáp án chính thức các bài thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về máy tính chứa phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Từ 30/6 đến 2/7/2018, Lương sao chép đáp án đúng đã được tải về và dán vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm để nâng điểm cho 107 thí sinh với 309 bài thi. Sau khi xử lý xong bài thi trắc nghiệm, Lương sao lưu kết quả vào đĩa CD để gửi về bộ và chủ tịch hội đồng thi. Ngày 7/7/2018, Lương nói với ông Hoài rằng số thí sinh được nâng điểm rất cao nên sợ khi thông báo điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra. Bởi vậy, Lương đề xuất cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã được nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD đã gửi về Bộ.
Ông Hoài đồng ý và đưa chìa khóa cho Lương để mở phòng chứa bài thi trắc nghiệm và hòm chứa bài thi. Lương sau đó đến trường THPT chuyên Hà Giang mở phòng lấy bài thi và vận chuyển về phòng làm việc ở Sở giáo dục để sửa đáp án trong bài thi cho khớp với file Excel đã sao lưu sang đĩa CD gửi về bộ.
Cơ quan an ninh đã lấy lời khai của 97 phụ huynh thí sinh, trong đó 41 người khẳng định nhờ Hoài, Lương nâng điểm cho con, cháu. Trong các thí sinh, người được nâng nhiều nhất tới 29,95 điểm (4 môn thi trắc nghiệm), người ít nhất là một môn với 2,2 điểm.
Khác biệt hẳn với vụ án ở Sơn La, vụ án ở Hà Giang, không có một lời khai nào về việc đưa nhận lợi ích vật chất, tiền bạc. Cáo trạng thể hiện cơ quan an ninh điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Gia đình các thí sinh không ai khai nhận đưa tiền hay lợi ích vật chất có giá trị để nhờ nâng điểm. Bị can Hoài, Lương đều khai giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết.
Đừng quên “lợi ích phi vật chất” khác trong cấu thành tội nhận hối lộ…
Trong quá trình giải quyết 1 vụ án theo các quy định của pháp luật, đành rằng phải tôn trọng hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, những điều thấy ở các vụ án trên trái quy luật tự nhiên, không hợp khách quan nên khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Theo như Bình Luật khoa học Bộ Luật Hình sự do GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên) thì cấu thành Tội nhận hối lộ tại điều 354 (Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017) có những điểm đáng lưu tâm như sau: Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kì lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo như khoa học hình sự về tội danh này thì nhận hối lộ là nhận bất cứ lợi ích nào (lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất) từ người đưa hối lộ.
Nếu như ở vụ Sơn La, dư luận băn khoăn về việc chứng minh tội phạm. Thì ở vụ việc ở Hà Giang, lại băn khoăn về nhận thức thế nào là đưa và nhận hối lộ.
Tại phiên tòa xử vụ ở Hà Giang, những lời khai của Vũ Trọng Lương cho thấy: Bị cáo tự nguyện nâng điểm. Bị cáo không có yêu cầu gì khác khi tiến hành nâng điểm…
Thế nhưng, về mặt khách quan, chỉ nhìn danh sách phụ huynh có con được nâng điểm thì thấy có những vị như: ông Triệu Tài Vinh (Bí thư tỉnh Ủy Hà Giang); bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh); bà Lại Thị Hương (Giám đốc Sở Tư pháp); ông Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an tỉnh); ông Nguyễn Ngọc Châu (Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Bà Chúng Thị Chiên (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh); bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vợ ông Triệu Tài Vinh); Bà Vương Thị Hà (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang); ông Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ thành phố Hà Giang); ông Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an tỉnh); ông Đinh Văn Tuy (Phó trưởng Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh)…
Việc cấp dưới nâng đỡ cho con của cấp trên, cán bộ ngành giáo dục nâng điểm cho con em của các ngành khác liệu có phải thuộc trường hợp vì lợi ích phi vật chất được hiểu theo quy định trên của Bộ Luật hình sự 2015 hay không?
Đó là điều đáng nghĩ suy và day dứt chuyển tới cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình tố tụng tiếp theo của các vụ án, để xã hội không còn những đại án chấn động trong ngành giáo dục.
Phan Phan